Là đơn vị đặc thù trong tỉnh cũng như khu vực ĐBSCL, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH- CN) Bạc Liêu hoạt động theo cơ chế quản lý mới - cơ chế tự trang trải kinh phí. Bên cạnh những thuận lợi, thành tích đạt được, Trung tâm cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức, vướng mắc trong quá trình phát triển.
Thành công từ tự chủ
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH - CN Bạc Liêu với xuất phát điểm gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực hoạt động cũng như kinh nghiệm chuyên môn. Nguồn kinh phí ban đầu được cấp chưa đầy 30 triệu đồng. Số tiền ấy chỉ đủ mua sắm 3 bộ bàn ghế làm việc và một số vật dụng văn phòng.
Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, Trung tâm đã thực hiện cơ chế tự trang trải kinh phí (trước khi có Quyết định thực hiện Nghị định 115), thể hiện tốt vai trò như một cầu nối giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học ở Trung ương và địa phương với việc ứng dụng và triển khai tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Cùng lúc Trung tâm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và triển khai sản xuất thử nghiệm, hoạt động với phương châm vừa xây dựng để hoàn thiện và từng bước phát triển.
Đã có nhiều đề tài, dự án khoa học do Trung tâm thực hiện được chuyển giao vào sản xuất thực nghiệm như Ứng dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý ô nhiễm môi trường, nuôi trồng thủy sản, cải tiến công nghệ lọc nước khử phèn trong cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, lắp đặt hệ thống phòng chống sét cho các loại công trình, chế tạo hệ thống nước nóng, bếp nấu ăn bằng năng lượng mặt trời… Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ, tư vấn KH - CN cũng từng bước được đẩy mạnh. Đến nay, Trung tâm đã có 15 sản phẩm tham gia thị trường phục vụ sản xuất và đời sống cho nông dân và nông thôn trong tỉnh.
Chỉ tính từ năm 2006 - 2010 (khi có Quyết định thực hiện Nghị định 115), Trung tâm đã thực hiện 5 đề tài, dự án với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng, tập trung vào ứng dụng và chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình điểm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh. Cụ thể đã tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sinh sản cá rô phi đơn tính dòng GIFT; xây dựng mô hình mạng thông tin điện tử KH - CN phục vụ phát triển KT - XH tại một số xã vùng xa tỉnh Bạc Liêu; tiếp nhận thiết bị và công nghệ ứng dụng dung dịch điện hoạt hóa trong chăn nuôi heo tỉnh Bạc Liêu; dự án lắp đặt hệ thống lọc nước khử phèn; chuyển giao công nghệ sản xuất hạt lọc nước khử phèn.
Bên cạnh đó, một số đề tài dự án do Sở KH - CN Bạc Liêu hỗ trợ kinh phí đã tạo được nhiều mô hình, công nghệ mới và cho hiệu quả cao như chế phẩm sinh học EM trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất và chế biến nấm dược liệu linh chi, mô hình trồng nấm rơm cho nông dân vùng ngọt hóa, sản xuất đất sinh học và trồng rau mầm nhà phố… được nông dân vùng triển khai dự án đồng tình hưởng ứng và mở rộng quy mô ứng dụng.
Các hoạt động sự nghiệp của Trung tâm tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như chuyển giao công nghệ, tư vấn, dịch vụ KH - CN, kiểm nghiệm, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Đã có 270 cơ sở được tư vấn về kỹ thuật môi trường và các dự án phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Tổng số hợp đồng đã ký là 360 hợp đồng với tổng giá trị hợp đồng là 2.374 triệu đồng. Trong đó, lắp đặt túi ủ Biogas ở 51 điểm; lắp đặt hệ thống phòng chống sét tại 43 cơ sở; lắp đặt hệ thống lọc nước khử phèn cho 65 cơ sở quy mô lọc từ 0.5m3-5m3/giờ; phòng trừ mối mọt bằng công nghệ sinh học cho 50 cơ sở, chủ yếu là trường học và thư viện.
Tổng số mẫu đã kiểm là 1.617 mẫu với gồm 12.375 lượt chỉ tiêu về lý hóa - vi sinh, các mẫu phân tích chủ yếu là thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, nước mặt, nước ngầm, nước thải… Về sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, hầu hết các sản phẩm của Trung tâm được tạo ra từ kết quả nghiên cứu và triển khai ứng dụng. Riêng các chế phẩm sinh học, hiện nay Trung tâm đã sản xuất được 7 mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, doanh thu từ dịch vụ bán hàng đạt 963 triệu đồng.
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH - CN Bạc Liêu Lê Phước Thiện cho biết, những thành công trên mở ra nhiều cơ hội cho Trung tâm nhưng không phải không có những thách thức. Trong đó thách thức hàng đầu là vốn và nhân lực.
Còn phải đối mặt với thách thức
Cũng giống như nhiều tổ chức trung tâm khác ở vùng ĐBSCL, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bạc Liêu trong quá trình thực hiện cơ chế chuyển đổi theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Ông Lê Phước Thiện cho rằng, một tình trạng phổ biến hiện nay là tất cả đều thiếu vốn. Nhưng nếu được cấp vốn thì lại khó triển khai vì không xây dựng được dự án do thiếu cơ sở vật chất và nhân lực. Trong khi đó việc hạn chế nhân lực, hạn chế về trình độ, thiếu kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm bươn chải trên thị trường, còn lúng túng trong việc chọn hướng ưu tiên đầu tư cũng là một thách thức. Thời gian để tạo bước đệm trong tiến trình chuyển đổi là quá ngắn, mà đa số các tổ chức KH - CN địa phương chưa chuẩn bị được các điều kiện tối cần thiết về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, hoạt động của Trung tâm chủ yếu là dịch vụ, tư vấn. Số nhiệm vụ KH - CN mà sở giao hàng năm chưa nhiều, đa số các nhiệm vụ được giao là làm trung gian trong việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ cho các cơ sở có nhu cầu ở địa phương. Vì vậy, các hoạt động và kinh nghiệm trong xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phục vụ sản xuất tạo điểm sáng để nhân rộng cho toàn vùng còn ít. Ông Thiện cho biết thêm, sự vận dụng cơ chế tài chính địa phương vẫn chưa có nhiều sự linh hoạt, thông thoáng cần thiết. Điều này đã làm cho quá trình vận hành của tổ chức KH - CN địa phương chậm triển khai, chậm có hiệu quả.
Lý giải điều này, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH - CN Bạc Liêu cho rằng, đa số các sản phẩm do Trung tâm sản xuất ra mới chỉ dừng lại ở mô hình và ý tưởng khoa học. Thiếu sự đầu tư cần thiết về cơ sở vật chất, vốn hoạt động để hoàn thiện công nghệ và kỹ năng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm còn yếu, chưa có phương pháp cụ thể để tiếp cận với thị trường. Chưa gắn kết được các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh và khu vực…
Để nâng cao năng lực cho các Trung tâm cũng như để các Trung tâm thực hiện đúng tinh thần của Nghị định 115, đối mặt với thách thức, quyết tâm chuyển sang cơ chế mới, thiết nghĩ ngoài việc Trung tâm cần tăng cường tính chủ động, còn rất cần sự chung tay phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng cũng như sự hỗ trợ về lâu dài của Nhà nước.
Hồng Chi