Phổ biến kiến thức đang được nhìn nhận và đánh giá là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Những cấp ngành có liên quan, trong đó nòng cốt là Bộ KH&CN)và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHH) đang phối hợp chặt chẽ trong công tác này, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới cơ bản và toàn diện nền KH&CN của đất nước đến năm 2020.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Thành – Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội và tự nhiên ( Bộ KH&CN) xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của LHH trong nhiệm vụ phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống?
Ông Lê Quang Thành: Như chúng ta biết là LHH là 1 tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, là nơi tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN. Cùng với hoạt động tư vấn, phản biện, và giám định xã hội thì hoạt động về tuyên truyền phổ biến kiến thức là một trong 2 hoạt động trọng tâm của LHH. Với các tiềm năng, thế mạnh của LHH như các hội ngành, hội địa phương, Trung ương thì hoạt động với đông đảo lực lượng làm KH&CN trong tất cả các ngành, các lĩnh vực thì hoạt động thông tin phổ biến kiến thức ngày càng được khẳng định. Chúng tôi đánh giá đây là một hoạt động rất nổi trội, bởi lẽ hoạt động không thể đơn lẻ mà nó có tính chất là xuyên suốt và phối hợp với các ngành, giữa TW và địa phương. Đây là 1 thế mạnh đã phát huy rất tốt, là nơi tập hợp đội ngũ trí thức.
Ở góc độ quản lý, chúng tôi rất ấn tượng với các kết quả mà LHH đã đạt được. Hoạt động của Hội được tổ chức thường xuyên, liên tục, từ lĩnh vực này đến lĩnh vực khác. Trong năm vừa qua có rất nhiều hội thảo, tổ chức, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nhiều ấn phẩm được công bố.
Bên cạnh đó, hoạt động mang tính chất là từ việc phổ biến kiến thức phổ thông đến phổ biến những kiến thức nền có giá trị như hoạt động của hội sinh học Việt Nam có hàng trăm đầu sách phổ biến cho bà con nông dân, các hoạt động của nhà xuất bản trí thức đã công bố trên 40 đầu sách có giá trị kết tinh tinh hoa tri thức của thế giới, và khoảng trên 400 đầu sách tri thức phổ thông. Đây là hoạt động mà chỉ có LHH mới đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, từ phổ thông đến tri thức nền có giá trị.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN và LHH sẽ phối hợp thế nào trong việc thực hiện chủ trương này đẩy mạnh hoạt động chuyển giao và áp dụng các kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất và đời sống?
Ông Lê Quang Thành: Bộ KH&CN là cơ quan quản lý nhà nước, về KH&CN, LHH là tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt trong việc tập hợp và phát huy sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN để góp phần đưa KHCN trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Để thúc đẩy phát triển KH&CN, Bộ KH&CN đã có những văn bản, kí kết thỏa thuận với các Bộ, Ban, ngành có liên quan. Riêng với LHH là cơ quan đầu tiên, sớm nhất, ngày từ năm 1995 Bộ KH&CN và LHH đã kí chương trình phối hợp công tác. Trong chương trình công tác này có 5 nội dung thì 2 nội dung liên quan đến thông tin, phổ biến kiến thức. Nội dung thứ nhất là liên quan đến phổ biến những kiến thức về cơ chế, chính sách KH&CN phục vụ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước. Nội dung thứ hai là tổ chức cuộc thi khoa học sáng tạo kĩ thuật hàng năm.
Sau 20 năm đánh giá, chúng tôi thấy cả 5 nội dung đều phát huy tốt vai trò của LHH trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN đặc biệt là phổ biến các chủ trương, chính sách thông qua hoạt động tuyên truyền của LHH, đặc biệt là cuộc thi sáng tạo KHKT hằng năm và cho đến bây giờ LHH đã tổ chức các cuộc thi sáng tạo từ lứa tuổi thiếu nhi, đến thanh niên và mở rộng ra quy mô đã được nhân rộng.
Được biết, vào cuối năm 2015, Bộ KH&CN sẽ tổ chức tổng kết đánh giá 20 năm chương trình triển khai phối hợp. Những nội dung nào sẽ được đề cập đến trong Hội nghị sắp tới, thưa ông?
Ông Lê Quang Thành: Thứ nhất đánh giá, xác định những vấn đề tồn tại và xác định những vấn đề trọng tâm nhưng phải gắn vào điều 48 và điều 50 của Luật KH&CN năm 2013. Điều 48 nêu 2 nội dung là truyền thông KH&CN và phổ biến kiến thức. Điều 50 các mục tiêu chi của ngân sách KH&CN, trong đó có 8 mục tiêu chi thì cũng có 2 nội dung liên quan đến truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN. Chúng ta phải thể chế hóa để triển khai tốt hơn yêu cầu này.
Trong 2 nội dung quan trọng của hoạt động LHH, thì mảng tư vấn, phản biện, giám định xã hội cho đến nay từ chủ trương chính sách của Đảng cho đến những văn bản của Chính phủ. Sắp tới thêm quyết định chính sách chi cho tư vấn, phản biện giám định xã hội, thì văn bản pháp lý là tương đổi đầy đủ để triển khai tốt các hoạt động của LHH.
Còn về mảng thông tin và phổ biến kiến thức thì có những thành tựu, nhưng hiện nay mới chỉ nằm ở 2 điều của Luật. Hiện nay, chúng tôi cũng bàn bạc để thống nhất giữa 2 bên trong giai đoạn tới đưa vào chương trình phối hợp và được thể chế hóa, để tạo hành lang pháp lý. Trong quá trình triển khai có nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó các khó khăn, vướng mắc cần phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ hai: để vừa triển khai Luật, vừa triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với LHH vào ngày 29/7/2014 có giao cho Bộ KH&CN chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch hằng năm, kế hoạch 5 năm, triển khai hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức về KH&CN. Trong đó, Thủ tướng có giao cho LHH chủ trì những nội dung phổ biến kiến thức theo đề nghị của LHH, chúng tôi thống nhất là phải từ phía LHH phải đề xuất các đề án cụ thể. Trước mắt, 2 bên cần phải xác định những mục tiêu trọng tâm của nhiệm vụ trên để đưa vào kế hoạch hàng năm, 5 năm.
Với sự quan tâm ngày càng sát sao của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về KH&CN, với những biện pháp mạnh mẽ để đổi mới cơ bản và toàn diện nền KH&CN đất nước, thì sự phối hợp giữa Bộ KH&CN với Liên hiệp hội sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, trong đó có việc triển khai nhiệm vụ phổ biến kiến thức KH&CN trong đời sống.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này./.
Bài, ảnh: Ánh Tuyết (lược ghi)