Theo TS. Nguyễn Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đó chính là giải pháp để đẩy nhanh tiến độ chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 một cách hiệu quả.
Thông tin do TS Nguyễn Quân cho biết tại buổi tọa đàm về Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2012 do Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
-Xin ông cho biết mục tiêu chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 là gì?
TS. Nguyễn Quân: Thứ nhất là tổng đầu tư của xã hội cho KH&CN đạt trên 2% GDP quốc gia (trên cơ sở vẫn duy trì 2% tổng chi ngân sách của nhà nước cho KH&CN) nhưng phải huy động được đầu tư của xã hội, của doanh nghiệp nhiều hơn rất nhiều lần so với đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Thứ hai là giá trị sản xuất những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm tỉ trọng trên 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của đất nước.
Thứ ba là một số mục tiêu rất cụ thể như: tốc độ tăng trưởng của thị trường công nghệ; tăng trưởng của công bố quốc tế, đăng ký sáng chế; đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Những mục tiêu này thực hiện được sẽ đảm bảo thành công Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI đến năm 2020 đưa chúng ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
-Để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 thì rõ ràng KH&CN giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay KH&CN phát triển nhưng hình như chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Vậy theo ông, những bất cập dẫn đến tình trạng này là gì?
Theo tôi có 5 điểm bất cập khiến KH&CN chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn đặt ra, cụ thể: Một là cơ chế quản lý các hoạt động KH&CN (dù đã được cải tiến) vẫn nặng tính bao cấp, hành chính và trên thực tế là một trong những rào cản đối với sự phát triển của KH&CN trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Hai là đội ngũ cán bộ KH&CN đã tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng vẫn còn thấp, phân bố chưa hợp lý về cơ cấu ngành nghề
Ba là công tác quy hoạch về phát triển nhân lực trình độ cao chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện còn rời rạc, vấn đề dự báo nhu cầu nguồn nhân lực còn yếu kém.
Bốn là cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học tuy đã được đẩy mạnh đầu tư nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Năm là thủ tục cơ chế đầu tư cho KH&CN chưa được cải tiến, chưa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này.
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của những bất cập này chính là việc chưa có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức xây dựng hay cách thức tổ chức thực hiện quản lý nhiệm vụ KH&CN. Theo ông thì đâu là căn nguyên dẫn đến những bất cập này?
Về căn nguyên, chúng ta sống trong thời bao cấp quá lâu nên hệ thống nghiên cứu ứng dụng đã quen ỷ lại vào ngân sách nhà nước, bây giờ chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì nhiều nhà khoa học, nhiều cán bộ quản lý ở các cơ sở nghiên cứu đều cảm thấy rất là băn khoăn, ngần ngại.
Vấn đề thứ hai là do chúng ta không mạnh dạn áp dụng những thông lệ quốc tế trong khi thế giới đã làm từ lâu và đã thành công. Chính vì thế, trước mắt cần phải tháo gỡ những căn nguyên này chúng ta sẽ có được hệ thống khoa học hoàn toàn đổi mới.
-Thưa ông, còn nguyên nhân do cơ chế tài chính chưa phù hợp và môi trường làm việc cho các nhà khoa học chưa đáp ứng được với đòi hỏi thực tế thì sao?
-Mặc dù Đảng và Nhà nước luôn khẳng định KH&CN cùng với Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, tuy nhiên trong thực tế khi triển khai thì KH&CN chưa được nhìn nhận một cách toàn diện, đồng bộ ở nhiều cấp, nhiều ngành. Theo tôi, đây là trở ngại rất lớn.
Một số thành tựu về KH&CN được giới thiệu tại hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020.(Ảnh: M.Hà)
Sự nhìn nhận toàn diện thể hiện ở chỗ: Thứ nhất là bản thân nhà khoa học phải được khẳng định, phải được đánh giá đúng mức, nhìn nhận chính vai trò của mình trong công cuộc phát triển.
Thứ hai là phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, cụ thể là chính sách đầu tư
Thứ ba là cơ chế chính sách đặc biệt là cơ chế tài chính, đây là rào cản lớn vì với việc áp dụng cơ chế tài chính như hiện nay chúng ta không dựa vào sản đầu ra khoán chi cho khoa học thông qua hệ thống quỹ mà đưa ra các danh mục, xây dựng hệ thống bằng các chuyên đề để thực hiện việc tính toán đầu vào. Chính những điều này đã khiến các nhà khoa học không thể chủ động sáng tạo và loay hoay mất công tìm kiếm, đối phó với tình hình để giải ngân. Ngoài ra, chính sách tiền lương căn cứ vào cấp bậc lên xuống theo tỷ lệ cũng làm cho nhà khoa học chạnh lòng bởi sự nhìn nhận hoạt động này giống như lao động giản đơn trong khi đó bản thân hoạt động KH&CN là hoạt động phức tạp luôn phải không ngừng sáng tạo, đổi mới.
Cuối cùng là cần củng cố lại hệ thống tổ chức khoa học: Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa xã hội hóa (tức là huy động nguồn lực thông qua các tổ chức KH&CN) với việc chúng ta ko huy động nguồn lực xã hội mà trên thực tế lại chú tâm và huy động nguồn ngân sách nhà nước. Điều đó không đúng, đồng thời không xác định rõ vị trí của cơ quan khoa học hàng đầu để chúng ta tập trung xây dựng trung tâm khoa học mang tính quốc gia.
-Trong chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 thì lĩnh vực nào được đặc biệt ưu tiên về nghiên cứu gắn liền với nhu cầu thực tế?
Bên cạnh lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đẩy mạnh nghiên cứu dự báo…có 5 lĩnh vực KH&CN được ưu tiên gồm: Công nghệ thông tin, điện tử; Công nghệ sinh học, ứng dụng chủ yếu trong nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường; Công nghệ vật liệu mới; Công nghệ chế tạo máy và tự động hóa; Công nghệ môi trường. Trong đó chúng tôi đặc biệt quan tâm lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học.
Ngoài giữ vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế thì KH&CN còn có vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng. Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của KH&CN trong lĩnh vực này như thế nào?
Theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới thì những thành tựu mới nhất của KH&CN thường được ứng dụng vào lĩnh vực an ninh quốc phòng trước, sau đó mới ứng dụng đại trà ra các ngành khác. Chúng tôi cũng có quan điểm như vậy vì chúng ta đang đứng trước nhiều thách khi hội nhập quốc tế, chúng ta phải bảo vệ chủ quyền, an ninh. Nếu chúng ta không ứng dụng KH&CN vào quốc phòng thì không thể tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng của đất nước cũng như không đủ khả năng để đối mặt với những cuộc chiến tranh hiện đại mà người ta gọi là chiến tranh công nghệ. Vì thế cần phải nâng cao tiềm lực an ninh bằng việc áp dụng KH&CN mới nhất vào lĩnh vực quốc phòng an ninh.
Trong thời gian qua, chúng tôi liên kết chặt chẽ với ngành công an để nghiên cứu những sản phẩm công nghệ phục vụ an ninh quốc phòng và đã có một số kết quả đáng khích lệ. Ví dụ như tập đoàn viễn thông quân đội Viettel vừa qua đã nghiên cứu thành công rada cảnh giới biển. Họ đã kết hợp các nhà khoa học trong và ngoài nước để có sản phẩm viễn thông phục vụ quân đội Việt Nam.
Với cương vị là người đứng đầu trong cơ quan quản lí về KH&CN, theo ông thì cần phải áp dụng những giải pháp nào nữa cho KH&CN trong đời sống xã hội?
Theo tôi doanh nghiệp không chỉ là nơi ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học mà còn là nơi tạo ra sản phẩm khoa học, vì thế mà Chiến lược lần này khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức thành lập các tổ chức, trung tâm nghiên cứu khoa học của mình. Chúng tôi đã trình với Quốc hội về Luật Khoa học và công nghệ sửa đổi trong đó có điều khoản quy định cho doanh nghiệp KH&CN thông qua việc các doanh nghiệp trích lại một phần lợi nhuận trước thuế của họ thông qua đó thành lập một quỹ phát triển khoa học công nghệ kèm theo đó là cơ chế thông thoáng, phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có thể sử dụng chính kinh phí của quỹ.
Ngày 8/3 vừa qua Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2020.
Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 11/4/2012 một lần nữa khẳng định KH&CN giữ một vai trò đặc biệt quan trọng tạo nên bước đột phá về lực lượng sản xuất đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
|
Mai Hà- Thu Hiền (Ghi)