Ngày 11/09, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản hợp tác song phương giữa Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ và Công ty cổ phần Công nghệ và Dược phẩm quốc tế để phát triển cây Chùm Ngây làm nguyên liệu chế biến thực phẩm chức năng và dược phẩm có chất lượng cao.
Tham dự lễ ký kết, về phía Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng có PGS.TS. Lê Tất Khương - Viện trưởng; TS. Nguyễn Đắc Bình Minh - Phó Viện trưởng; và các lãnh đạo phòng chuyên môn; về phía Công ty cổ phần Công nghệ và Dược phẩm quốc tế có ông Trần Văn Thái - Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuyên môn; ông Đào Duy Tuấn - Phó Tổng Giám đốc kinh doanh cùng các đại diện phòng, ban có liên quan.
Trên thế giới, cây Chùm Ngây được trồng và sử dụng phổ biến ở gần 90 nước. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đều đề cao cây Chùm Ngây, coi cây Chùm Ngây là cứu tinh cho người nghèo, đặc biệt ở các nước thuộc thế giới thứ 3. Một số nguồn nghiên cứu cho biết, Chùm Ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp, bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại acid amin, 46 chất chống ôxi hóa, liều lượng lớn các chất chống viêm nhiễm, các chất kháng sinh, kháng độc tố, các chất giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, giúp ổn định huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ gan. Lá Chùm Ngây chứa nhiều dưỡng chất, tính theo trọng lượng, 100g lá Chùm Ngây tươi có hàm lượng vitamin C hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 4 lần, canxi gấp 4 lần sữa, sắt gấp 3 lần cải bó xôi, đạm nhiều gấp đôi sữa chua và potassium gấp 3 lần trái chuối. Toàn bộ các phần trên cây đều có tác dụng, vì vậy, trên thế giới cây, Chùm Ngây được sử dụng làm rau ăn hàng ngày, thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm làm đẹp.
Nhận thấy tiềm năng lớn của cây Chùm Ngây, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, giá trị dinh dưỡng cũng như hiệu quả kinh tế của loại cây này từ năm 2013 đến nay. Từ đó, Viện đã xây dựng quy trình trồng, chăm sóc, phát triển cây Chùm Ngây đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm (rau tươi ăn trực tiếp, bột pha, mỳ, bánh, trà,...) và bước đầu nghiên cứu sản xuất dược liệu.
Việc kết hợp với Công ty cổ phần Công nghệ và Dược phẩm quốc tế thể hiện thành công bước đầu của Viện nghiên cứu và Phát triển Vùng trong quá trình phát triển theo định hướng liên kết doanh nghiệp, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Đây cũng là nền tảng cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa 2 cơ quan trong lĩnh vực phát triển, bảo tồn và sản xuất dược liệu từ các loại thảo mộc quý của Việt Nam trong tương lai.
Tin, ảnh: HA