Sáng 06/11, đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) công nghệ tế bào động vật.
PTNTĐ công nghệ tế bào động vật (đặt tại Viện Chăn nuôi) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2009. Mục tiêu hoạt động của PTNTĐ công nghệ tế bào động vật là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào động vật hiện đại trong lĩnh vực công nghệ sinh sản – thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi và công nghệ di truyền phân tử, nuôi cấy tế bào động vật. Đồng thời tạo mô hình nghiên cứu khoa học hiện đại, đạt trình độ tiên tiến trên thế giới và khu vực, kết hợp nghiên cứu khoa học với đào tạo nhân lực, mở rộng hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ tế bào động vật. Cùng với đó là triển khai các kết quả nghiên cứu nhằm cải tiến chất lượng, năng suất con giống, vật nuôi đưa vào sản xuất chăn nuôi góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp và phát triển nông thôn nước ta.
Báo cáo đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của PTNTĐ TS. Trần Xuân Hoàn – Giám đốc PTNTĐ cho biết: Mặc dù ở giai đoạn đầu nhưng Viện Chăn nuôi đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho PTNTĐ sớm đi vào hoạt động, khai thác các thiết bị phục vụ cho các đề tài nghiên cứu khoa học. PTNTĐ đã thực hiện một số nghiên cứu cơ bản. Từ 2003-2012, PTNTĐ đã tham gia và chủ trì thực hiện 9 đề tài cấp Nhà nước và 3 đề tài cấp Bộ, 3 dự án hợp tác với Cộng hòa Pháp tạo ra một số kết quả nổi bật. Cụ thể: xác định giới tính sớm của phôi; phân tích đa hình các gen ứng cử liên quan đến các tính trạng sản xuất của vật nuôi; giải trình tự một số gen có khả năng kháng bệnh của các giống gà nội; sử dụng kỹ thuật microsatellite, giải trình tự gen để phân tích đa dạng di truyền các giống vật nuôi, góp phần vào việc bảo tồn và khai thác nguồn gen bản địa.
Lần đầu tiên tại Việt Nam đã thực hiện thành công việc tách chiết ADN của bò hoang dã và bước đầu phân tích tính đa dạng di truyền của quần thể bò hoang dã. Đây là kỹ thuật không nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới có thể thực hiện được trên các đối tượng động vật hoang dã.
PTNTĐ đã đăng ký một số đoạn gen vật nuôi của Việt Nam trên ngân hàng gen quốc tế (EMBL/Genbank/ĐBJ). PTNTĐ đã nghiên cứu thành công thụ tinh ống nghiệm ở bò, đã có hàng chục con bê sữa đã được sinh ra bằng công nghệ này, góp phần tăng nhanh số lượng đàn bò sữa cao sản ở Việt Nam. Đây cũng là PTN đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu thành công cấy truyền phôi ở lợn; xây dựng được phương pháp xác định mối quan hệ huyết thống ở quần thể bò dựa trên chỉ thị ADN…
PTNTĐ cần nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để tạo nguồn thu
TS. Trần Xuân Hoàn cũng cho biết hạn chế của PTNTĐ hiện nay là thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực công nghệ sinh sản; chưa có chỉ tiêu biên chế để tạo điều kiện cho các cán bộ khoa học trẻ yên tâm công tác. TS. Trần Xuân Hoàn kiến nghị, để có thể học được công nghệ, kỹ thuật và kỹ năng phòng thí nghiệm Nhà nước cần có một chương trình đào tạo ngắn hạn nâng cao trình độ cho cán bộ khoa học. Cùng với đó là cấp kinh phí duy trì và đặt hàng nhiệm vụ cấp Nhà nước cho các PTNTĐ. Nhà nước cần định biên chỉ tiêu biên chế cho các PTNTĐ hoặc khoán kinh phí hoạt động, để các PTNTĐ chủ động hơn trong việc tuyển chọn cán bộ khoa học, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Việt Thanh ghi nhận những kết quả đạt được của PTNTĐ. Trong thời gian tới, PTNTĐ cần mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp thu kết quả nghiên cứu của các nước, chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực sinh sản vào Việt Nam. Đồng thời, PTNTĐ phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu mở rộng định hướng nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng của động vật nuôi; nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng để chuyển giao công nghệ đem lại nguồn thu và phát triển ngành chăn nuôi.
Tin, ảnh: Phương Nga