Hướng tới ngày KH&CN Việt Nam 18-5 Thứ bảy, 20/04/2024 , 11:14 am
Cập nhật : 21/05/2015 , 20:05(GMT +7)
PGS.TS Trần Thanh Hải- Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015: Nâng tầm kết quả nghiên cứu nhờ thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế
PGS.TS Trần Thanh Hải cùng các đồng nghiệp QT tại một lần thực địa tại Canada
Bên cạnh những kết quả nghiên cứu mới mang tính cách mạng bổ sung vào văn liệu khoa học và thay đổi quan điểm về lịch sử tiến hóa địa chất và sinh khoáng vàng cho khu vực Đông Dương và lãnh thổ Việt Nam, công trình nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015 của PGS.TS Trần Thanh Hải (Trường ĐH Mỏ Địa chất) đã góp phần định hình hướng nghiên cứu mới trong đó có việc xây dựng một dự án nâng cấp phòng thí nghiệm với cơ sở vật chất mới và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên sâu. Điều quan trọng, từ quá trình triển khai đề tài này đã mở ra nhiều hướng tiếp cận để nâng tầm nghiên cứu khoa học.

Thúc đẩy và mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học

Chia sẻ về những kết quả đạt được từ  công trình đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015, PGS.TS Trần Thanh Hải cho biết: Trong quá trình triển khai cũng như xây dựng các bài báo khoa học trong đó có công trình này, tập thể tác giả đã thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và đã có sự tham gia nhiệt tình của các nhà khoa học từ Trường đại học Tasmania (Australia), Trường Đại học Địa chất Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng như các nhà chuyên môn cỉa Công ty Olympus Pacific Minerals Inc (Canada). Các nhà khoa học quốc tế đã tham gia trực tiếp vào các công đoạn từ thu thập số liệu thực địa tới phân tích và xử lý kết quả. Các  tổ chức quốc tế liên quan tới các nhà khoa học nói trên cũng đã tài trợ một phần cho các công đoạn nghiên cứu, trong đó quan trọng nhất là các chi phí khảo sát thực địa và gia công phân tích các mẫu đồng vị và tuổi tuyệt đối đòi hỏi tính định lượng cao nhưng khá đắt đỏ lại không thể thực hiện được tại các phòng thí nghiệm trong nước. 

Nhờ vậy, không chỉ chất lượng các bài báo được nâng cao mà còn giảm đáng kể giá thành cho công tác nghiên cứu. Chính vì vậy, mặc dù ngồn tài trợ từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) khá hạn hẹp nhưng đề tài vẫn đạt được những kết quả tốt với hai bài được đăng trong tạp chí Gondwwana Research, một bài đăng trên tạp chí Asian Jourrnal of Earth Sciences và một bài đăng trên tạp chí Envirronmental Earth Sciences. Trên cơ sở các hợp tác nói trên, các tác giả liên quan tới các bài báo đã có cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ và tạo thành một nhóm nghiên cứu quốc tế mạnh, thường xuyên có các hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật và là đồng tác giả của các công trình công bố khác.

Công bố khoa học: “Bản chất đới trượt Tam Kỳ - Phước Sơn ở miền Trung Việt Nam: Ý nghĩa kiến tạo và sinh khoáng của nó” đã có phát hiện mới quan trọng về lịch sử tiến hóa kiến tạo của địa khối Đông Dương. Với một nghiên cứu tổng hợp bao gồm từ khảo sát và giải đoán tổng thể về cấu trúc địa chất khu vực, thu thập và phân tích các mẫu thạch học vi cấu tạo, đồng vị và tuổi tuyệt đối cho đá và các khoáng vạt quặng, đến luận giải một cách biện chứng về các mối quan hệ địa chất, trật tự hình thành và tiến triển của các sự kiện địa chất, tác giả đã đưa ra một mô hình kiến tạo và sinh khoáng vàng ở phần trung tâm Đông Dương trong đó có lãnh thổ Việt Nam trong khoảng hơn 400 triệu năm trước một cách định lượng và có cơ sở khoa học chặt chẽ. Kết quả mới này không chỉ có ý nghĩa trong việc bổ sung một mô hình định lượng về lịch sử tiến hóa địa chất khu vực mà còn có ý nghĩa quan trọng đối vói việc định hướng các nghiên cứu khác như giải đoán địa chất khu vực, vẽ bản đồ địa chất cũng như nghiên cứu và đánh giá tiềm năng một số khoáng sản nội sinh, đặc biệt là vàng ở miền Trung Việt Nam. Tổ hợp phương pháp áp dụng trong nghiên cứu này còn có thể áp dụng một cách có hiệu quả đối với các khu vực khác ở Việt Nam, nơi các kiết quả nghiên cứu tổng hợp về địa chất còn nhiều hạn chế.

Bài báo khoa học tham gia xét giải thưởng Tạ Quang Bửu này được đăng trên tạp chí Gondwana Research, là một tạp chí hàng đầu về công bố các công trình nghiên cứu khoa học địa chất trên thế giới với chỉ số đánh giá (IF) hiện nay là 8.122.

Đồng bộ các giải pháp

Thông qua việc thực hiện đề tài, PGS.TS Trần Thanh Hải cũng là người định hình hướng nghiên cứu mới trong đó có việc xây dựng một dự án nâng cấp phòng thí nghiệm với cơ sở vật chất mới và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên sâu. Trong quá trình thực hiện công trinh nghiên cứu, nhóm tác giả đã tập trung vào hai vấn đề cơ bản là giải đoán cấu trúc địa chất khu vực một cách định lượng hóa và định tuổi tuyệt đối của các sự kiện địa chất bằng phương pháp LA-ICP-MS. Đây là những hướng nghiên cứu đã trở thành công cụ thông dụng trong các nghiên cứu địa chất khu vực nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Thông qua việc tiếp thu về phương pháp, nguyên lý kỹ thuật và kỹ năng thực hành trong quá trình thực hiện đề tài từ các nhà khoa học và phòng thí nghiệm quốc tế, tác giả đã trực tiếp xây dựng đề án và triển khai một phòng thí nghiệm mới trong đó có trang bị thiết bị LA-ICP-MS tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Phòng thí nghiệm này được xây dựng từ năm 2012 và đang trong quá trình lắp đặt thiết bị. Việc xây dựng phòng thí nghiệm đã tạo tạo ra một định hướng nghiên cứu mới, dẫn tới việc gửi hàng loạt cán bộ trẻ đi đào tạo ở nước ngoài về các phương pháp và kỹ thuật liên quan.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện công trình, một số học viên cao học và nghiên cứu sinh cũng đã được tham gia thực hiện và đào tạo theo hướng chuyên sâu về luận giải định lượng về cấu trúc địa chất, địa hóa và đồng vị, góp phần nâng cao đội ngũ cán bộ chất lượng cao cho ngành địa chất. 

PGS.TS Trần Thanh Hải ngoài cùng bên trái tại Lễ trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015

Nhận thức rõ việc công bố khoa học và các phát minh, sáng chế thông qua các tạp chí khoa học uy tín, được thế giới công nhận là một trong những thước đo quan trọng nhất trình độ khoa học của một quốc gia, PGS.TS Trần Thanh Hải cho rằng, Quỹ Nafosted đã đáp ứng được yêu cầu đó.

Việc ra đời Quỹ này đã thổi một luồng gió mới vào cộng đồng khoa học và tạo ra sự hứng khởi trong con đường nghiên cứu và phát huy sáng tạo của đội ngũ những người làm khoa học cả nước, đặc biệt là các nhà khoa học mới thành danh ở các cơ quan nghiên cứu, các giảng viên trẻ trong các trường đại học. Nhờ những đột phá trong cơ chế tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ mà số công bố ISI của Việt Nam trong những lĩnh vực được tài trợ đã tăng tới trên 20% hàng năm chỉ sau một khoảng thời gian khởi động ngắn. Đây là thành công lớn đối với các nghiên cứu cơ bản và là định hướng đúng đắn trong quản lý nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên ở Việt Nam hiện nay. Thêm vào đó, nó tạo ra động lực mới cho đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam nâng cao đáng kể tư duy khoa học, khả năng hợp tác trong nghiên cứu, kỹ năng viết và công bố kết quả nghiên cứu trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín.

PGS.TS Trần Thanh Hải nhấn mạnh, để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, cần  một sự kết hợp đồng bộ những ý tưởng khoa học lớn với bản lĩnh và sự phấn đấu không ngừng của các nhà khoa học trong việc khắc phục những khó khăn hiện tại để theo đuổi những mục tiêu nghiên cứu lâu dài. Các đề án nghiên cứu lớn còn phụ thuộc vào các nhóm nghiên cứu mạnh với các thí nghiệm được tiến hành trong các phòng thí nghiệm với các thiết bị nghiên cứu hiện đại nhất. Hơn thế nữa, các chương trình nghiên cứu cơ bản lớn thường kéo dài, đòi hỏi những khoản kinh phí không nhỏ cùng một chiến lược đầu tư phát triển nhất quán và kiên định. Đây chính là thách thức lớn không chỉ đối với từng cá nhân tham gia nghiên cứu mà còn đối với các cơ quan quản lý và nhà tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Bài, ảnh: Minh Châu

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner