Nuôi cá lồng thương phẩm - Hướng làm giàu của nông dân Gia Lai
Nuôi cá lăng nha lồng - hướng làm giàu mới của nông dân Gia Lai (ảnh: Internet)
Nuôi cá ở huyện Chư Sê (Gia Lai) có từ những năm 1978 – 1986, khi công trình hồ chứa nước IaGlai, huyện Chư Sê được xây dựng và đi vào hoạt động, nhưng nó chỉ dừng lại ở việc nuôi tự nhiên nên năng suất, chất lượng thấp.
Nuôi cá chỉ trở thành “Nghề” từ khi dự án của Chương trình Nông thôn miến núi “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nuôi cá thương phẩm cá rô phi, diêu hồng và cá lăng nha tại hồ chứa IaGlai, huyện Chư Sê” được thực hiện.
Đưa KH&CN vào sản xuất
Năm 1986, ở Chư Sê mới chỉ có vài hộ nông dân nuôi cá với hình thức hợp đồng thuê lại hồ trong thời gian ngắn. Hình thức nuôi gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, con giống,… Vì những khó khăn này mà việc nuôi cá của người dân Chư Sê dần mai một và gần như biến mất hoàn toàn vào những năm 2008.
Ở nhiều địa phương khác của Gia Lai cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hàng loạt hồ nước lớn có thể nuôi cá như YaLy, Ayunhạ, YaGrai đều không được khai thác đúng mức, không được áp dụng KH&CN vào nuôi cá nên năng suất chỉ đạt khoảng 50kg/ha/năm, quá thấp so với tiềm năng có thể khai thác.
Hơn nữa, cái khó của việc phát triển việc nuôi cá ở Gia Lai còn ở chỗ người nuôi cá đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số với trình độ học vấn thấp, còn quen lối sản xuất tự cung tự cấp nên việc đưa KH&CN vào chăn nuôi cá rất khó khăn, hạn chế.
Nhằm giúp nông dân Chư Sê nói riêng và Gia Lai nói chung tận dụng tiềm năng vốn có và thoát khỏi cảnh nghèo khó, từ tháng 4/2010 đến 3/2012, Chương trình Nông thôn miền núi - Bộ KH&CN đã hỗ trợ Gia Lai thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nuôi cá thương phẩm cá rô phi, diêu hồng và cá lăng nha tại hồ chứa IaGlai, huyện Chư Sê”.
Với dự án này, nhiều loại cá có chất lượng cao như cá rô phi, diêu hồng và cá lăng đã được đưa vào chăn nuôi thay thế các loại cá bình dân mà người dân nuôi trước đây là cá mè, cá chép, trắm cỏ… Công nghệ áp dụng trong dự án được kế thừa từ những nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực thủy sản và Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung được giao việc ương san cá giống. Công nghệ nuôi cá rô phi, diêu hồng, cá lăng được thực hiện bằng hình thức nuôi lồng ở hồ chứa.
Đây là hình thức nuôi cá thâm canh tiên tiến với sự tận dụng các biện pháp kỹ thuật như dòng nước, mật độ, thức ăn,… để đạt sản lượng cao trong thời gian ngắn. Công nghệ nuôi cá lồng áp dụng với dự án này có cải tiến nhằm khắc phục những hạn chế của loại lồng cũ. Kết cấu lồng nuôi theo mẫu lồng của Thái Lan nhưng có tiên tiến hơn là khung bằng sắt hộp, sắt V hay gỗ và tre, phao bằng phi nhựa, lồng bằng lưới 2 lớp, các góc lồng được cố định bằng can nhựa, tuổi thọ khoảng 3 năm dài hơn gỗ. Lồng nuôi cá của dự án có thể đặt ở nơi nước sâu.
Để khắc phục tình trạng cá không đạt năng suất và chất lượng cao vì cá giống kém chất lượng, dự án đã tiến hành chọn lọc đầu vào là những đàn cá giống có kiểm định chất lượng ương lên thành giống đạt tiêu chuẩn quốc gia để phục vụ cho mô hình tại hồ chứa IaGlai, huyện Chư Sê. Dự án còn bán lại cho người nuôi cá trong tỉnh Gia Lai một phần cá giống đạt chất lượng quốc gia với giá ưu đãi.
Một hướng đi triển vọng
Năm 2010, vì mô hình còn khá mới mẻ nên các hộ dân chưa dám tham gia nhưng đến năm 2011, được sự vận động của đơn vị chủ trì dự án và chính quyền địa phương, 5 hộ dân đã đồng ý nuôi cá theo quy trình của dự án. Các hộ dân này đã nuôi 10 lồng nuôi gồm 2 lồng cá lăng nha, 4 lồng cá diêu hồng, dự án chịu trách nhiệm đầu tư giống, kỹ thuật chăm sóc theo quy trình và thuốc chữa bệnh; người dân bỏ công chăm sóc và bảo vệ cá.
Sau 2 đợt nuôi, kết quả thu được là 6,8 tấn cá rô phi; 7,2 tấn cá diêu hồng; 1,5 tấn cá lăng nha. Tổng giá trị thu được từ mô hình này là 464,6 triệu đồng, trong đó người dân được hưởng 40% giá trị, tương đương với 184,8 triệu đồng, bình quân mỗi hộ thu được 37 triệu đồng/năm.
Kỹ thuật ương từ cá hương lên cá giống, nuôi thả cá trong hồ chứa tận dụng thức ăn tự nhiên và kỹ thuật nuôi cá lồng ở lòng hồ chứa IaGlai là công nghệ hoàn toàn phù hợp với điều kiện của xã.
Sau khi kết thúc dự án, đơn vị chủ trì và 5 hộ dân có kế hoạch mở rộng diện tích lồng nuôi gấp 2 – 3 lần so với lúc làm dự án. Năm 2013, đơn vị chủ trì lắp thêm 30 lồng nâng tổng số lồng của đơn vị lên 50 cái. Năm hộ dân nhận 10 lồng của dự án cũng tăng thêm 25 lồng nuôi cá các loại.
Với thành công của dự án, nhiều hộ nông dân và các đoàn thể trong tỉnh Gia Lai đã biết đến và tổ chức một số đoàn đến trực tiếp tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm nhằm đưa mô hình này về huyện, xã của mình trong thời gian tới.