Đó là những nông dân tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa tay cuốc tay cày lại vừa làm “khoa học” trong phòng lab nuôi cấy mô.
Không ít nông dân đã bỏ hàng tỉ đồng để lập phòng lab nuôi cấy mô và thuê các kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên cao cấp về làm việc, tạo ra những dòng cây giống sạch bệnh có chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Trong 58 phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật ở Đà Lạt có tới 90% là do nông dân, tư nhân bỏ tiền ra đầu tư.
“Giám đốc nông dân”
Trước cổng trại giống cây PH của “giám đốc nông dân” Trương Đức Phú tại P.11, TP Đà Lạt có một tấm biển với nét mực còn mới: “Cần tuyển 2 kỹ sư sinh học và 6 kỹ thuật viên nuôi cấy mô”. Phía trong, trên khu đất rộng 0,5ha là những vườn ươm cây giống, khu dưỡng cây bố mẹ, nhà xưởng, gara xe hơi cùng dãy phòng nuôi cấy mô được anh Phú đầu tư xây dựng khang trang, sạch sẽ. “Tính đến nay, riêng phòng nuôi cấy mô với 12 tủ cấy nhân giống tôi đã phải đầu tư trên 2 tỉ đồng” - anh Phú ước tính.
Anh Phú là nông dân thứ thiệt và đã gắn với nghề trồng hoa từ những năm 1980. Nghe mọi người kháo nhau nhiều về việc tạo giống bằng phương pháp cấy mô sẽ cho ra những cây con mới đạt chuẩn, không sâu bệnh, anh Phú bàn với vợ - chị Hương, cử nhân ngành sinh học - quyết tâm đầu tư mở phòng cấy mô sản xuất giống tại nhà, xây dựng phòng nuôi cấy mô cho mình với chỉ hai buồng cấy. Đó là thời điểm của sáu năm trước đây, khi đó “nhìn lứa cây giống nuôi cấy mô đầu tiên bán cho bà con trồng trên ruộng phát triển tốt, cho hoa đẹp, tôi nhủ thầm: thắng rồi!” - anh Phú nhớ lại.
Đến nay anh Phú đã có thể cung cấp mỗi năm khoảng 2 triệu cây giống hoa các loại như hồng môn, cúc, salem, đồng tiền, cẩm chướng, layơn, sao tím, bibi, tuylip... và cả dâu tây cho thị trường giống cả nước. Với giá giống hiện thời từ 700-5.000 đồng/cây (tùy loại hoa) và chỉ tính lượng giống bán ra thì doanh thu một năm của anh Phú có thể đạt 3-4 tỉ đồng. Để có đủ cây giống giao cho bạn hàng, hiện phòng nuôi cấy mô của nông dân Phú phải thuê đến 4 kỹ sư, 20 kỹ thuật viên với mức lương 3,5-5 triệu đồng/tháng.
Cũng giống như anh Phú, nông dân Lê Văn Hải giờ đây còn là ông chủ phòng nuôi cấy mô với ba kỹ sư và một kỹ thuật viên đang ngày ngày miệt mài sản xuất giống các loại hoa cúc. Trong căn nhà hai tầng rộng chừng 40m2, anh Hải dành nguyên một tầng lầu để làm phòng cấy mô phục vụ việc nhân giống cây trồng. Căn phòng vô trùng ấy là một thế giới khác hẳn với vùng đất nông nghiệp Thái Phiên (P.13, TP Đà Lạt) hăng hắc bụi đất đỏ và ngai ngái mùi phân bón.
Phòng cấy mô của anh Hải hằng năm cho ra khoảng 100.000 cây giống của 25 chủng loại cúc khác nhau. Anh Hải chỉ vào hai tủ cấy mô, tủ hấp tiệt trùng và vài thiết bị hay gặp ở các phòng thí nghiệm hóa sinh cười vui: “Thiết bị nhà nông của tôi đây. Nhờ có nó mà tôi cũng như bà con dần “lên đời” làm nông dân mới, cuộc sống ngày càng khỏe hơn”.
Vui khi là “lính” nông dân
Vị sư “nuôi cấy mô”
Đó là sư thầy Thích Huệ Đăng, giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu hoa lan Thanh Quang (P.3, TP Đà Lạt), đã có nhiều năm cùng với 40 kỹ sư nghiên cứu, sản xuất khoảng 20 giống lan quý hiếm cung cấp cho bà con nông dân và xuất khẩu đi các nước.
Mới đây, để làm phúc cho bá tánh - bà con nông dân hơn nữa, sư thầy cùng với các kỹ sư đã nuôi cấy mô và sản xuất thành công giống sâm ngọc linh.
Hiện tại trong phòng nuôi cấy mô của sư thầy đang có khoảng 1,5 triệu phôi giống sâm ngọc linh.
Ngoài ra, còn hơn 1 triệu cây sâm ngọc linh sản xuất theo công nghệ cấy mô đã được đem trồng thực nghiệm tại các tỉnh Quảng Trị, Kon Tum, Lào Cai, Vĩnh Phúc và TP Đà Lạt.
|
Nguyễn Thị Mỹ Thắm, tốt nghiệp khoa sinh học Đại học Đà Lạt và đã có thâm niên làm “lính” cho các ông chủ nông dân hơn năm năm, cho rằng rất thoải mái khi làm việc tại các phòng nuôi cấy mô của bà con nông dân. “Ngành sinh học không nhất thiết phải gắn với các cơ quan, viện, trường. Môi trường làm việc thoải mái và có đãi ngộ thỏa đáng như tại phòng nuôi cấy mô của anh Hải này làm chúng tôi rất yên tâm” - Thắm bộc bạch.
Cử nhân sinh học Phan Thị Ngọc Hiền, đang làm cho nông dân Trương Đức Phú, cụ thể hơn trong suy nghĩ: “Làm việc với ông chủ là nông dân tôi càng thêm yêu và gắn bó với ngành nông nghiệp Đà Lạt hơn”. Hiền cũng cho biết làm “lính” cho nông dân thì học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thực tế từ ruộng đồng mà điều này chẳng sách vở nào có được. Hiền đang đi học thêm văn bằng hai và dự định: “Tích lũy kinh nghiệm, gom vốn, một thời gian sau tôi mong ước cũng sẽ mở được một phòng nuôi cấy mô cho riêng mình”.
Bà Nguyễn Thị Tường Vi - cán bộ Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, chủ nhiệm chương trình Quản lý giống cây trồng sản xuất bằng phương pháp cấy mô - cho rằng hầu hết các cơ sở đều có cán bộ kỹ thuật là cử nhân, kỹ thuật viên có kinh nghiệm lâu năm với trình độ chuyên môn cao. Những cơ sở này một năm sản xuất ra trung bình khoảng 500.000 cây giống/cơ sở với chất lượng tương đối tốt, kháng bệnh, tỉ lệ sống cao.
Bà Vi cũng kiến nghị thêm: “Nhà nước nên lập các trung tâm phân tích, test để đánh giá chất lượng cây giống nhằm hỗ trợ thêm cho bà con nông dân đang sản xuất giống theo mô hình phòng nuôi cấy mô đạt hiệu quả hơn nữa”.