Phát biểu khai mạc hội nghị “Vật lý học tại máy va chạm hadron lớn và xa hơn” tại Quy Nhơn (Bình Định) từ ngày 11 đến 17-8-2014, GS François Englert nói ông rất vinh hạnh.
“Tôi cảm thấy vinh hạnh khi được phát biểu mở đầu phiên khai mạc hội nghị tại trung tâm tráng lệ này - một trung tâm dành cho nghiên cứu cơ bản. Tôi cũng hài lòng khi hội nghị được tổ chức ở VN, đất nước có lịch sử đã trở thành bài học cho tất cả chúng ta”.Nhà bác học chia sẻ giải Nobel vật lý năm 2013 với GS Peter Higgs, do đã khám phá sự tồn tại của hạt BEH (còn gọi là hạt Higgs), cũng như cơ chế tạo nên khối lượng cho các hạt cơ bản khác, phát biểu.
Tình cảm nồng hậu
Gặp gỡ VN lần thứ X
Diễn ra từ hạ tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 8-2014, bao gồm một chuỗi năm hoạt động quốc tế: 1. Hội nghị vật lý. 2. Hội nghị hiện tượng năng lượng rất cao trong vũ trụ. 3. Hội nghị vật lý học tại máy va chạm hadron lớn và xa hơn. 4. Trường Vật lý VN (VSOP) năm thứ 20 chuyên về vật lý hạt. 5. Trường Vật lý thiên văn VN (VSOA) năm thứ hai chuyên về vật lý thiên văn và vũ trụ học.
|
Từng nếm trải cảnh sống nghẹt thở dưới ách thống trị của phát xít, F. Englert luôn dành tình cảm nồng hậu cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của VN. Ông nhắc lại tại Quy Nhơn rằng VN là “đất nước có lịch sử đã trở thành bài học cho tất cả chúng ta”. Câu nói giản dị nhưng hàm chứa bao trân trọng, thiết tha.
Tại Quy Nhơn, GS F. Englert cho biết hạt BEH có mặt khắp nơi trong vũ trụ và nhờ chúng mà các hạt cơ bản khác có khối lượng, thông qua tương tác. Điều đó có nghĩa các hạt BEH có thể chuyển đổi tương tác tầm xa thành tương tác tầm gần. Đây là cơ chế giải thích nguồn gốc khối lượng của các hạt cơ bản.
Về vai trò của nghiên cứu cơ bản, F. Englert gợi cho ta nhớ lại: trong tất cả các nền văn minh cổ - trung đại, con người luôn bị bao vây bởi biết bao điều bí ẩn của tự nhiên. Họ sợ hãi trước bệnh tật và cái chết. Họ muốn tìm kiếm nguyên nhân của những mối đe dọa đó.
Sức mạnh siêu nhiên, thần linh hay ma quỷ, chắc hẳn là kẻ mang lại tai ương? Nhưng rồi họ thất vọng bởi vì khẩn cầu chẳng mang lại ích lợi gì! Và họ bắt đầu nghĩ tới một thế giới không có thần linh. Các nghiên cứu cơ bản cung cấp cho họ những câu trả lời đầy sức thuyết phục. Mọi hiện tượng trong tự nhiên đều là hệ quả của các quy luật vật lý, hóa học, sinh học...
Khoa học cơ bản giúp ta hiểu biết thế giới này. Nó nhào nặn nên xã hội và nền văn minh chúng ta đang sống. Không có nghiên cứu cơ bản thì không có công nghệ mới. Một dân tộc không phát minh, sáng chế thì chỉ có thể giản đơn sao chép những gì nhanh chóng “quá đát”, không sao thoát khỏi cảnh lạc hậu.
Hành trình nửa thế kỷ đến với giải Nobel
“Thương hiệu” ưa thích của giới vật lý
“Trung tâm tráng lệ” (magnificent center) mà GS F. Englert nói tới chính là Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (viết tắt tiếng Anh là ICISE). Trung tâm giờ đây đã trở thành một “thương hiệu” được giới vật lý quốc tế ưa thích: 6 nhà bác học đoạt giải Nobel, 1 huy chương Fields, 1 giải Shaw (Nobel phương Đông) và gần 500 giáo sư, tiến sĩ thuộc hơn 30 quốc tịch đã tới trung tâm này trong ba năm qua.
Hiếm có một mảnh đất nào đáng mơ ước như mảnh đất này: trên mặt bằng 187.000m2, vừa có bãi biển cát vàng, vừa có núi biếc lam, lại còn có thêm một dòng sông nhỏ lặng lờ chảy qua. Rồi những mặt hồ vuông vắn và những lối đi len lỏi dưới tán lá dừa màu lục thẫm...
|
François Englert sinh ngày 6-11-1932 trong một gia đình gốc Do Thái tại Bỉ. Thời niên thiếu bi thương và phiêu bạt, cậu bé sống “chui lủi” trong các trại mồ côi, xa cha mẹ, giấu biệt tung tích vì bọn Hitler ráo riết tìm diệt người Do Thái! Phải đến khi xe tăng quân đồng minh tiến vào Brussels, cậu mới được cắp sách đến trường như một đứa trẻ bình thường.
Không được cảnh ngộ nuông chiều nhưng Englert vẫn học rất giỏi. 23 tuổi, tốt nghiệp kỹ sư tại Đại học Tự do Brussels và bốn năm sau bảo vệ luận án tiến sĩ. Hai năm sau đó, ông làm việc tại Đại học Cornell, một đại học danh tiếng ở New York, lúc đầu là trợ lý của Robert Brout, sau đó là phó giáo sư.
Nhưng rồi tình cảm gắn bó với Vương quốc Bỉ đưa ông cùng R. Brout trở về Brussels. Ông được Quốc vương Albert II trân trọng phong tặng danh hiệu nam tước.
Năm 1964, độc lập với P. Higgs, Englert và Brout khám phá một loại hạt boson vô hướng, về sau quen gọi là “hạt Higgs”. Để khách quan và công bằng hơn, gần đây giới vật lý nhiều nước muốn đặt lại tên cho hạt Higgs là “hạt Brout - Englert - Higgs” (gọi tắt là “hạt BEH)”.
Khi công bố khám phá hạt BEH, F. Englert mới 32 tuổi. Thế mà nay đến Quy Nhơn, ông đã là một cụ già “ngoại bát tuần”, râu quai nón trắng như bông!
Khác với công trình toán học có thể kiểm tra rất nhanh tính đúng đắn, công trình vật lý lý thuyết đòi hỏi một quá trình kiểm chứng có khi kéo dài gần... nửa thế kỷ!
Phải chờ tới lúc khánh thành máy va chạm hadron lớn ở Geneva, gồm nhiều tổ hợp máy cồng kềnh và phức tạp nhất thế giới, đặt trong đường hầm dài 27km ở độ sâu 50-175m trên miền biên cương Pháp - Thụy Sĩ, giữa núi Jura và dãy Alps, tạo ra một vùng năng lượng cực lớn với đội ngũ 8.000 nhà vật lý của 15 nước làm việc suốt ngày đêm, mới có thể lần đầu tiên thoáng “thấy” loại hạt cực nhỏ mà phân rã cực nhanh ấy!
Rất may, F. Englert cũng như P. Higgs vẫn còn sống đến ngày “mã đáo thành công”, 8-7-2013, để nhận giải Nobel! Chứ R. Brout - người thầy của Englert - thì đã qua đời! Thế mà giải Nobel lại không... “truy tặng”!