Năng lượng nguyên tử Thứ bảy, 18/05/2024 , 06:28 pm
Cập nhật : 07/01/2014 , 13:01(GMT +7)
"Niềm tin quốc tế tạo thuận lợi cho VN chuẩn bị dự án ĐHN"
Việt - Nga ký hiệp định về hợp tác để đưa vào Liên bang Nga nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng
" Đối với việc chuyển trả 106 bó nhiên liệu uranium độ giàu cao đã qua sử dụng tại lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt về Liên bang Nga một lần nữa thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh".

Sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Đình Tiến cho biết như trên tại lễ tổng kết Chương trình chuyển đổi nhiên liệu Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt do Bộ KH&CN tổ chức mới đây.

Thực hiện mục tiêu quản lý và không để nhiên liệu sử dụng trong các lò phản ứng nghiên cứu (Lò PƯNC) trên thế giới bị sử dụng vào mục đích phi hòa bình, năm 1999 Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hoa Kỳ và Liên bang Nga đã khởi xướng Chương trình hợp tác 3 bên để thực hiện chuyển đổi các Lò PƯNC trên thế giới từ sử dụng nhiên liệu uran có độ làm giàu cao (HEU) sang nhiên liệu uran có độ làm giàu thấp (LEU) và đưa số nhiên liệu HEU về lại nước cung cấp (Hoa Kỳ hoặc Liên bang Nga). Lò PƯNC Đà Lạt nằm trong số 106 Lò PƯNC trên thế giới được đề nghị tham gia Chương trình này.

Sau khi nhận được đề nghị của phía Hoa Kỳ, Bộ KH&CN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành, như Văn phòng Chính phủ, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Tài chính, Giao thông Vận tải... tổ chức nghiên cứu một cách toàn diện các vấn đề liên quan, tiến hành công tác chuẩn bị, đàm phán và phối hợp với IAEA, Hoa Kỳ và Liên bang Nga triển khai thực hiện Chương trình.

Từ tháng 12/2003 đến tháng 9/2007, Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu đàm phán Chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho Lò PƯNC Đà Lạt. Giai đoạn 1 kết thúc với việc tháng 9/2007 Việt Nam tiếp nhận 36 bó nhiên liệu LEU chưa qua sử dụng, đưa trả về Liên bang Nga 35 bó nhiên liệu HEU chưa qua sử dụng. Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nạp 6 bó nhiên liệu LEU và chuyển đổi Lò PƯNC Đà Lạt sang vận hành hỗn hợp bằng nhiên liệu HEU và LEU.

Từ tháng 10/2007 đến tháng 7/2013, Việt Nam tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ và Nga về việc thay thế toàn bộ số nhiên liệu HEU đang sử dụng trong Lò PƯNC Đà Lạt và chuyển trả 106 bó nhiên liệu HEU đã qua sử dụng về lưu giữ vĩnh viễn tại Liên bang Nga.

Bước đệm quan trọng cho việc vận hành nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam

Chương trình Chuyển đổi nhiên liệu cho Lò PƯNC Đà Lạt đã mang lại những kết quả và ý nghĩa lớn. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến cho biết, việc hoàn thành chuyển đổi nhiên liệu từ nhiên liệu uranium có độ làm giàu cao sang độ làm giàu thấp chuyển trả về Nga và hoàn tất một quá trình 10 năm Việt Nam đã triển khai thực hiện chương trình này.

Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam ký kết bản ghi nhớ về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình

Về kỹ thuật, các thông số kỹ thuật của Lò PƯNC Đà Lạt như thông lượng nơtron nhiệt tại các vị trí chiếu mẫu giảm không đáng kể, thậm chí có một vài vị trí được cải thiện tốt hơn nên hiệu quả về khai thác và sử dụng lò phản ứng không bị ảnh hưởng.

Về an toàn hạt nhân, đảm bảo các điều kiện về dự trữ dập lò đủ lớn và cũng có đủ dự trữ độ phản ứng cho vận hành và khai thác lò; các giới hạn về thuỷ nhiệt, độ bất đồng đều về phân bố công suất,… tương tự hoặc tốt hơn vùng hoạt dùng nhiên liệu HEU trước đây.

Về quản lý nhiên vật liệu hạt nhân, trong vòng 10 năm tới không còn nhiên liệu đã qua sử dụng trong bể chứa nhiên liệu để quản lý và bảo quản, điều này sẽ tạo thuận lợi về kỹ thuật và tiết kiệm kinh phí trong việc quản lý nhiên liệu LEU đã qua sử dụng sau này.

Qua việc tham gia Chương trình, đội ngũ cán bộ của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trưởng thành, trình độ chuyên môn được nâng cao, có khả năng tiếp cận nhanh hơn với công việc thiết kế, thẩm định cho Lò PƯNC đa mục tiêu, công suất cao của dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân trong thời gian tới. Các cán bộ quản lý của các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN và các Bộ, ngành liên quan đã có điều kiện thực tế tham gia quản lý và thực hiện nhiều công đoạn khác nhau trong quá trình triển khai Chương trình, thu được nhiều kinh nghiệm bổ ích trong công tác quản lý an toàn, an ninh vật liệu hạt nhân.

“Với việc chuyển đổi này, thời gian vận hành Lò PƯNC Đà Lạt được kéo dài hơn khoảng 10 năm. Theo kết quả tính toán, số lượng 140 bó nhiên liệu HEU đã có từ năm 1983 chỉ cho phép vận hành Lò PƯNC Đà Lạt đến khoảng năm 2021, trong lúc đó với số lượng 102 bó nhiên liệu LEU hiện có, cho phép Lò PƯNC Đà Lạt vận hành đến khoảng năm 2030 với cùng chế độ làm việc 1.300 giờ mỗi năm. Như vậy, ngành NLNT Việt Nam vẫn có một thiết bị hạt nhân, tuy công suất không cao nhưng sẽ tiếp tục phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT”, Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho hay.

Về ý nghĩa quốc tế, Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho rằng đây là ý nghĩa quan trọng nhất. Vì trong thời gian vừa qua Việt Nam đã tham gia rất nhiều điều ước, công ước quốc tế liên quan đến không phổ biến vũ khí hạt nhân, an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân. Về cơ bản Việt Nam đã hoàn thành. Tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển đổi nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là minh chứng rõ ràng Việt Nam thực hiện nghiêm túc, không những ở trên các văn kiện, mà đã thực hiện trên thực tế. Từ minh chứng này cộng đồng quốc tế, IAEA đánh giá rất cao những thực hiện của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho rằng niềm tin của cộng đồng quốc tế tạo thuận lợi cho Việt Nam khi đang chuẩn bị dự án điện hạt nhân.

Sự kiện này một lần nữa thể hiện Chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an  ninh; đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam trong các Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất, tháng 4 năm 2010 tại Hoa Kỳ và Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai, tháng 3 năm 2012 tại Hàn Quốc; góp phần tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc nhận được sự ủng hộ và tài trợ của IAEA, các tổ chức quốc tế và các nước trong việc thực hiện Chiến lược Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, đặc biệt là chương trình phát triển điện hạt nhân...

Đánh giá về tác động của sự kiện này đối với việc nghiên cứu trong lĩnh vực NLNT, Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt là cơ quan trực tiếp vận hành an toàn lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trong nhiều năm qua. Qua sự kiện này đội ngũ cán bộ KH&CN đã tự chủ được trong nghiên cứu, thiết kế và trong thực hiện việc chuyển đổi  nhiên liệu – một quá trình tương đối phức tạp.

Đội ngũ cán bộ KH&CN đã rút ra nhiều kinh nghiệm, kiến thức cần thiết để giúp cho Việt Nam có được tiền đề để xây dựng một Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia, trong đó Việt Nam sẽ xây dựng mới một lò phản ứng nghiên cứu với công suất lớn hơn rất nhiều lần so với lò cũ. Đây là một thực hành để chúng ta bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn Việt Nam sẽ vận hành Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia để phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia.

Năm 2013, Việt Nam có rất nhiều hoạt động liên quan đến việc nghiên cứu, sử dụng năng lượng hạt nhân. Trong đó có ba sự kiện nổi bật đó là: Việt Nam chuyển trả 106 bó nhiên liêu Uranium độ giàu cao đã qua sử dụng tại lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt về Liên bang Nga; hợp tác giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh trong việc nghiên cứu năng lượng nguyên tử phục vụ hòa bình; ký Hiệp định hợp tác với Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (gọi tắt là Hiệp định 123). 

Bài, ảnh: Mai Chi

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner