Những thành công bước đầu của Chương trình KC.08/06-10
Công trình Thủy điện Khe Bố (ảnh minh họa)
Trong giai đoạn 2006 -2010, các Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Khoa học và công nghệ ngày càng khẳng định vị trí chiến lược của mình trong sự phát triển chung của đất nước.
100% đề tài đã có kết quả được ứng dụng GS. TS Lê Đình Hợi, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu “Khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên” (KC.08/06-10) cho biết, 40% đề tài có kết quả làm tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng giai đoạn tiếp theo; 100% đề tài đã có kết quả được ứng dụng phục vụ trực tiếp cho việc quy hoạch sử dụng hợp lý lãnh thổ, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và phòng tránh thiên tai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng lãnh thổ.
Theo đăng ký, 20 % đề tài có kết quả được ứng dụng rộng rãi trong việc phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Đây là một chỉ tiêu khó xác định và khó đạt được bởi lẽ các kết quả nghiên cứu thường là đối với các địa bàn trọng tâm, điển hình. Việc áp dụng kết quả này để ứng dụng cho các địa bàn khác có điều kiện tự nhiên và xã hội khác cần phải có các nghiên cứu bổ sung để điều chỉnh cho phù hợp.
Bên cạnh những kết quả ứng dụng vào thực tiễn, Chương trình KC.08/06-10 còn có 100% đề tài nghiên cứu có kết quả công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước với tổng số 176 bài báo; số đề tài có kết quả công bố trên tạp chí quốc tế chiếm 42,4%. Ngoài ra, còn có 16 báo cáo của 7 đề tài được mời tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế tổ chức trong nước và quốc tế. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, được giới khoa học trong nước đánh giá là đã vượt mức chỉ tiêu về sản phẩm công bố, kể cả công bố quốc tế.
Các sản phẩm công nghệ của chương trình chủ yếu thuộc dạng quy trình công nghệ như: quy trình công nghệ sản xuất chất keo tụ có công suất 10 tấn/ngày phục vụ xử lý nước sông cấp nước sinh hoạt cho nhiều vùng đang khó khăn về nước sinh hoạt; quy trình công nghệ phục hồi đất ô nhiễm bởi kim loại nặng do khai thác khoáng sản; công nghệ dự báo quỹ đạo bão, nước dâng, sóng ven bờ. Về cơ bản những sản phẩm công nghệ cụ thể mới đạt yêu cầu của trình độ công nghệ trong nước, chưa có nhiều công nghệ mang tính đột phá. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước thì các công nghệ có chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại trong khu vực rất có giá trị. Và điều quan trọng hơn, theo đánh giá của các chuyên gia thì các sản phẩm công nghệ này hoàn toàn có đủ điều kiện đưa vào ứng dụng thực tế và nhiều sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao. Kết quả điển hình Đặc biệt, Bộ hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là công viên địa chất cấp quốc tế (Công viên địa chất Toàn cầu KC.08.20) góp phần làm tăng thêm vị thế của tài nguyên đất nước với bạn bè thế giới. Công viên đá Đồng Văn là công viên địa chất đầu tiên tại Việt Nam chính thức có danh hiệu, sánh ngang với các danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới và chỉ đứng sau Di sản thế giới. Cùng với việc phát hiện các nguyên tố quý hiếm đi kèm quặng chì kẽm, đồng và xây dựng được quy trình công nghệ tách chiết thu hồi của Chương trình KC.08. 24, các tài liệu khoa học mới về một số di sản địa chất và công viên địa chất cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh đã tạo ra một hướng nghiên cứu mới rất triển vọng trong việc xác lập các nguồn tài nguyên địa chất mới, không truyền thống góp phần làm giàu thêm nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam.
Những chương trình nghiên cứu của KC.08.19 còn cho ra đời quy trình công nghệ điều tra, đánh giá tìm kiếm nước ngầm vùng karst tại huyện Quản Bạ, Hà Giang. Quy trình công nghệ này được kiểm nghiệm thành công bằng các lỗ khoan nước với lưu lượng khai thác lớn, giải quyết phần nào khó khăn về nước cho nhân dân. Cũng từ chương trình nghiên cứu này sẽ mở ra hướng nghiên cứu có triển vọng nhân rộng đối với các vùng khan hiếm và cực kỳ khó khăn về nước, đặc biệt là vùng karst dọc biên giới phía bắc của đất nước.
Chương trình nghiên cứu khoa học mang mã số KC.08/06-10 đã góp phần đưa khoa học đến với nhiệm vụ phòng chống giảm nhẹ thiên tai, nâng cao giá trị khoa học và thực tiễn, tạo ra một cơ hội mới cho khoa học Việt Nam đến với những lĩnh vực so với trình độ công nghệ trong nước còn khá khó khăn.
Đặc điểm của Chương trình KC.08/-6-10 là khó đánh giá định lượng về hiệu quả kinh tế các sản phẩm khoa học theo lợi nhuận thu được như các Chương trình công nghệ hay giống cây và vật nuôi. Tuy nhiên, theo đánh giá về trình độ công nghệ của Chương trình thì chứng tỏ rằng các sản phẩm nghiên cứu đã đáp ứng được phần nào yêu cầu của thực tế, có hàm lượng khoa học cao.
Một số kết quả nghiên cứu mà ứng dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả phải kể đến như: Xây dựng và hoàn thiện một bước các công nghệ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo bão; dự báo lũ sông Thái Bình, sông Hồng; quy hoạch chiến lược hệ thống công trình quản lý lũ vùng biên giới ĐBSCL. Điều đáng chú ý là các công nghệ dự báo bão này hoàn toàn được xây dựng ở trong nước và bước đầu hướng tới mục tiêu dự báo sớm các thiên tai này. Ngoài ra, cùng với kết quả về dự tính sự biến đổi các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 21. Đây thực sự là những cơ sở khoa học cho các giải pháp chiến lược và kế hoạch quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững của nước ta trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Lần đầu tiên xác lập một phương cách tương đối đầy đủ cơ sở khoa học về biến đổi khí hậu và các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam phục vụ kịp thời cho việc “Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam".