TP.HCM đã sớm xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) để sản xuất nông nghiệp thu được sản lượng và hiệu quả vượt trội trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, TP.HCM tập trung lực lượng đông đảo các viện, trường, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghệ sinh học nên còn là nơi nghiên cứu và chuyển giao các thành tựu KH-KT có tính ứng dụng cao phục vụ nông nghiệp cho toàn khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL.
Việc đi trước một bước trong lĩnh vực NNCNC được thể hiện ngay từ năm 2000, TP.HCM đã bắt tay vào việc xây dựng 1 khu NNCNC trong lĩnh vực trồng trọt với quy mô 88ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Đây là nơi triển khai nghiên cứu, ứng dụng nhằm hoàn thiện công nghệ, nhân giống cây trồng (rau, hoa, cây cảnh); đào tạo, trình diễn và chuyển giao công nghệ, cũng như kêu gọi đầu tư tập trung trong lĩnh vực trồng trọt.
Theo ông Lê Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ngay từ đầu nhận thức của lãnh đạo TP.HCM về nghiên cứu, ứng dụng NNCNC là tạo mọi điều kiện để DN sẽ giữ vai trò chủ lực còn Nhà nước chỉ làm “nền”, tạo cơ chế, chính sách cho DN hoạt động. Để cụ thể hóa, TP.HCM đang triển khai hình thành 4 dự án lớn liên quan đến công nghệ sinh học và NNCNC để tạo cơ sở vật chất ban đầu, kích thích DN mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Kết quả cho đến nay nhiều DN hoạt động trong khu NNCNC đã tập trung đầu tư mạnh cho sản xuất với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghệ sinh học hiện đại. Như Công ty TNHH nông nghiệp Chánh Phong - ông Huỳnh Đoàn Thông, GĐ công ty cho biết hiện công ty đang triển khai nghiên cứu các loại giống rau, củ, quả và trình diễn mô hình các loại rau cho năng suất rất cao với hệ thống bón phân, tưới nước nhỏ giọt hoàn toàn tự động, giúp giảm 70% lượng phân, thuốc, nước và tiết kiệm được 50% chi phí nhân công. Hay như Công ty Việt Quốc Thịnh đến nay đã sản xuất được hàng chục loại chế phẩm sinh học, thân thiện với môi trường và cho năng suất cao. Các sản phẩm này ngày càng được nông dân ưa chuộng tìm mua để sản xuất, giảm chi phí, cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trần Phước Dũng, Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao (AHTP) cho biết chỉ trong vòng 2 năm gần đây AHTP đã chuyển giao 15 mô hình cho hơn 20 cá nhân, tổ chức ở TP.HCM và vùng lân cận. Tổ chức 9 khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng trồng và chăm sóc các loại cây trồng ứng dụng công nghệ cao với 582 học viên tham gia. AHTP ký hợp đồng ươm tạo 7 doanh nghiệp và hỗ trợ 9 doanh nghiệp tham gia giai đoạn tiền ươm tạo. Các nhà đầu tư trong khu tư hoàn thiện 16 quy trình và chuyển giao 13 mô hình trồng các loại nấm, dinh dưỡng cây trồng. Đến nay, AHTP đã cung cấp ra thị trường 54 tấn hạt giống F1 các loại chất lượng cao như bầu, bí, ớt, dưa leo, mướp, bí đao… 13/14 nhà đầu tư đã được thành phố cấp giấy chứng nhận và đã xây dựng gần như khép kín 56ha quy hoạch. Tổng vốn đầu tư vào AHTP trên 600 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 152 tỷ đồng. Từ nay đến 2015 TP.HCM sẽ đầu tư thêm khu nông nghiệp công nghệ cao tại Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ để mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản là hạt nhân làm động lực chuyển đổi, nâng diện tích mở rộng lên 378ha.
Có thể nói khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM là một điển hình giúp các địa phương tìm hiểu kinh nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn vốn đầu tư và kết quả đầu ra của những kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học trong nông nghiệp. Vì thế TP.HCM đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho 3 giai đoạn phát triển NNCNC. Cụ thể giai đoạn 2010-2015 sẽ hình thành thêm 3-4 khu NNCNC về chăn nuôi, thủy sản; Giai đoạn 2015-2020 đưa vào hoạt động 4-5 khu NNCNC, hỗ trợ phát triển các DN nông nghiệp tạo các giống cây trồng ứng dụng CNSH; đẩy mạnh công nghệ vi nhân giống, SX 8-10 triệu cây giống cấy mô/năm; ứng dụng công nghệ phôi để nhân giống đàn bò sữa; xây dựng các mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC theo từng vùng sinh thái; Giai đoạn 2025 đưa sản xuất nông nghiệp của TP.HCM đạt trình độ thâm canh và ứng dụng CNC ngang tầm khu vực theo đặc trưng của nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái.
Ngoài ra trên bình diện vĩ mô để cụ thể hóa chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng NNCNC, Chính phủ đã có chính sách ưu đãi rất lớn cho DN. Cụ thể, bất cứ DN nào tham gia sẽ được Nhà nước hỗ trợ về đất đai, thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển CNC./.