KH&CN địa phương Thứ sáu, 19/04/2024 , 12:55 pm
Cập nhật : 28/09/2015 , 18:09(GMT +7)
Nhiệm vụ KH&CN cấp thiết mới phát sinh: Hiệu quả từ “Lực lượng phản ứng nhanh”
Nghiên cứu nuôi cấy nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh
Được đánh giá như “lực lượng phản ứng nhanh”- sau một thời gian triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp thiết mới phát sinh đã cho thấy hiệu quả của hoạt động này đối với việc giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để hoạt động này thực sự phát huy, cần có sự phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng để quản lý và giám sát quá trình triển khai thực hiện.

Giải quyết ngay các vấn đề phát sinh tại địa phương

Nói về hiệu quả của nhiệm vụ KH&CN cấp thiết mới phát sinh tại địa phương, ThS. Lê Kim Phương, Phó Vụ trưởng -Vụ Phát triển KH&CN Địa phương, Bộ KH&CN cho biết, sau 6 năm thực hiện 44 nhiệm vụ cấp thiết. Cụ thể đã tạo ra được 43 quy trình công nghệ, trong đó có những quy trình có hàm lượng khoa học cao; Thiết kế được 11 phần mềm máy tính; Xây dựng được 57 đề án, quy hoạch, luận chứng kinh tế kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi…; Thiết kế được 133 bộ bản đồ các loại; Tổ chức được 106 lớp tập huấn cho 4.239 lượt người thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn; Có 85 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín trong nước và đặc biệt có 7 bài báo đăng trên các tạp chí nước ngoài; Đào tạo trên đại học được: 05 tiến sĩ; 41 thạc sĩ; In ấn và phát hành hàng vạn tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật từ các kết quả nghiên cứu như: 6.000 tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật phòng trị bệnh ruồi đục quả thanh long; 3.000 tờ rơi  và 400 cuốn sách hướng dẫn phòng chống sét…;

Ngoài ra, hoạt động này còn tạo ra nhiều kết quả khác có giá trị về kinh tế và xã hội lớn như: Nghiên cứu đề xuất được phương pháp phòng chữa cháy rừng cho vườn quốc gia U Minh, tại tỉnh Kiên Giang; nghiên cứu chế tạo được các loại thiết bị cảnh báo và phòng chống sét cho Quảng Nam; đặc biệt nghiên cứu đưa ra 3 nhóm giải pháp có tính khả thi cao để phòng ngừa cá dữ tấn công người ven bờ biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định…

Có thể kể đến một số nhiệm vụ có kết quả ấn tượng như cây sâm Ngọc Linh. Đây là một cây dược liệu rất quý hiếm, có giá trị kinh tế cao ở tỉnh Kon Tum có chất lượng tốt như sâm Triều Tiên. Hiện nay do tình trạng khai thác sâm tự nhiên đã cạn kiệt và đặc biệt tỷ lệ cây giống sinh sản và phát triển trong tự nhiên từ hạt rất thấp (chỉ đạt khoảng10%), việc nghiên cứu và nhân giống vô tính thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô, đưa ra trồng thử nghiệm thành công tại Kon Tum  đã đưa ra một triển vọng rất khả quan cho việc bảo tồn, phục hồi và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Tỷ lệ cây sống trồng từ công nghệ này đạt tới 75% thông qua kết quả của đề tài "Nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh". Đề tài đã Nhân giống và đưa ra trồng tại vườn thí nghiệm và đưa ra trồng tại núi Ngọc Linh được hơn 2500 cây giống bằng nhân in vitro; đã thử nghiệm nhân thành công sinh khối callus tạo ra được 1.000 g sinh khối từ rễ sâm; đã tổ chức tập huấn và chuyển giao kỹ thuật nhân giống vô tính sâm cho Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Kon Tum.  Đặc biệt, khi nhiệm vụ kết thúc đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc và có 2 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành uy tín.

Hay như hiện tượng cá dữ tấn công người liên tục tại Bình Định trong năm 2009 và 2010 đã gây hoang mang cho ngư dân, khách du lịch và người dân ở vùng biển Quy Nhơn. Trước tình hình đó UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ KH&CN xem xét hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ "Nghiên cứu cơ sở khoa học của hiện tượng cá dữ tấn công người tắm biển tại vùng biển ven bờ Quy Nhơn  và đề xuất các giải pháp phòng ngừa". Kết quả nhiệm vụ đã xác định được các loài cá dữ đã tấn công người và các nguyên nhân liên quan đến hiện tượng cá dữ tấn công người ở vùng biển Quy Nhơn; Đưa ra 3 nhóm giải pháp cụ thể có tính khả thi cao đó là: nhóm giải pháp về quản lý, giải pháp về truyền thông; nhóm giải pháp về kỹ thuật và đặc biệt đã đề xuất ý tưởng sử dụng hợp lý và khai thác có hiệu quả sự tồn tại của cá mập trong vùng biển Quy nhơn để khai thác du lịch.

Hoặc đề tài phòng chống sét trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong hơn chục năm gần đây hoạt động dông sét mạnh gây ảnh hưởng trực tiếp lên kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam. Sét phá hủy công trình, từ nhà dân đển các khu công nghiệp, điện lực, viễn thông... đặc biệt sét  gây chết người ở một số địa phương trong tỉnh, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Lắp đặt thiết bị cảnh báo sét sớm tại xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam

Do vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề xuất đặt hàng Bộ KH&CN nhiệm vụ “Nghiên cứu giải pháp tổng thể phòng chống sét trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tình hình dông sét ở Quảng Nam trong những năm gần đây; Đề xuất và tổ chức thử nghiệm các giải pháp về phòng chống sét trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về hiện tượng sét và cách thức phòng, tránh một cách hiệu quả để người dân yên tâm; phổ biến những giải pháp công nghệ phòng, chống sét cho các công trình dân sinh, sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đến nay 4 trạm cảnh báo dông sét sớm (đặt tại các huyện, thị: Tam Kỳ, Thăng Bình, Đại Lộc, Hội An) đã được bàn giao cho Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Nam để quản lý và duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả cảnh báo sét cho người dân.

Phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng   

Sau 6 năm triển khai hoạt động này, Th.S Lê Kim Phương đã đúc kết được một số yếu tố để dẫn đến thành công của các nhiệm vụ KH&CN cấp thiết mới phát sinh. Đó là, tất cả các nhiệm vụ KH&CN đều phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của sản xuất và đời sống, do địa phương đặt hàng và được UBND tỉnh cam kết có địa chỉ áp dụng kết quả cụ thể ngay sau khi nhiệm vụ kết thúc; thậm chí ngay trong khi triển khai nhiệm vụ, một số giải pháp, kết quả thấy hiệu quả có thể chuyển giao cho địa phương để được áp dụng ngay.

Bên cạnh đó, trong qúa trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết phải huy động đồng bộ các nguồn lực (nhân lực, vật lực và tài lực) từ các tổ chức KH&CN ở cả trung ương và địa phương, chính quyền các cấp và cả người dân cùng tham gia, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương (thông qua Sở KH&CN và các ngành liên quan) cùng tham gia giám sát, đề xuất điều chỉnh các nội dung cho phù hợp với thực tiễn.

Một yếu tố nữa cũng phải kể đến là sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành địa phương có liên quan trong quá trình thực hiện, để cùng tham gia quản lý, giám sát và sau này tiếp nhận và nhân rộng các kết quả khi nhiệm vụ kết thúc (như Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài Nguyên môi trường, các Trung tâm khuyến nông…).
Trên đà những thành công này, tiếp thu và điều chỉnh những vấn đề còn tồn tại để các nhiệm vụ KH&CN đột xuất phát sinh thực sự giải quyết vấn đề kinh tế xã hội địa phương, nhiều nhà quản lý, chuyên gia đề xuất: Trong các nhiệm vụ cấp thiết, ngoài phần nghiên cứu, cần có phần xây dựng các mô hình áp dụng giải pháp kỹ thuật đã được nghiên cứu để hướng dẫn người dân học tập trực quan thông qua các mô hình hiệu quả.

Ngoài ra, các giải pháp kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn… phải được in ấn dưới dạng sổ tay, tờ rơi và được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, có hình ảnh minh họa sinh động, in màu để phát miễn phí cho người dân dễ hiểu, dễ áp dụng (một số ngôn ngữ phải dùng tiếng địa phương).

Một yếu tố cũng rất quan trọng cần được chú ý đó là khâu truyền thông. Cần tăng cường công tác tuyên truyền các kết quả nghiên cứu thông qua báo, đài phát thanh truyền hình của địa phương và trung ương để phổ biến cho người dân biết áp dụng. Ngoài những kết quả về khoa học, các nhiệm vụ cấp thiết còn cần quan tâm chú trọng đến công tác đào tạo, tập huấn các kết quả nghiên cứu.

Để giám sát quá trình triển khai và thực hiện, việc nghiệmthu cấp cơ sở phải do UBND tỉnh, thành phố (giao cho Sở KH&CN) chủ trì tổ chức hội đồng KH&CN chuyên ngành nghiệm thu để đóng góp ý kiến thiết thực sát với nội dung đặt hàng, giúp cho chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thiện kết quả đáp ứng yêu cầu đặt hàng của địa phương. Các quy trình kỹ thuật phải được các Sở chuyên ngành của địa phương nghiệm thu trước khi nghiệm thu đề tài.

Cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp thiết, mới phát sinh ở địa phương đã hình thành một mô hình quản lý mới về nhiệm vụ KH&CN triển khai trên địa bàn địa phương. Đó là, Bộ KH&CN phối hợp chặt chẽ với sở KH&CN của các tỉnh, thành phố, có sự phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng để quản lý và giám sát quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. UBND tỉnh, thành phố là đơn vị tổ chức đánh giá, nghiệm thu cơ sở việc thực hiện nhiệm vụ; Bộ KH&CN là người tổ chức đánh giá, nghiệm thu cấp nhà nước đối với nhiệm vụ. Quá trình này tạo nên sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức KH&CN trung ương về triển khai nhiệm vụ trên địa bàn địa phương.

Bài và ảnh: Minh Châu


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner