Việc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật giành được quyền lực vào tháng 12 vừa qua đã chính thức hiện thực hóa đề xuất gói ngân sách bổ sung trị giá 10,3 nghìn tỷ Yên (115 tỷ USD), và làm đảo ngược xu hướng “thắt lưng buộc bụng” mà chính quyền tiền nhiệm đã triển khai. Xu hướng đó đã khiến kinh phí nhiều dự án nghiên cứu và lương của nhiều nhà khoa học bị giảm.
Dự kiến được thông qua vào giữa tháng 2, gói ngân sách bổ sung đề xuất của chính quyền mới có mục tiêu nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, khuyến khích các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, và hỗ trợ đáng kể cho một số lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Bộ Công nghiệp hi vọng sẽ kích thích được nền kinh tế và giảm mức khí thải CO2. Để tăng số lượng ô tô chạy điện (EV), bộ này dự kiến sẽ dùng 100 tỷ Yên để tăng số lượng trạm sạc điện nhanh cho các xe EV trên khắp cả nước, từ con số 1400 hiện nay lên thành 35000. 200 tỷ Yên khác sẽ được dùng hỗ trợ cho các công ty giảm được tiêu thụ năng lượng thông qua đồng sản xuất điện hoặc các giải pháp khác. Cơ quan môi trường dự kiến sẽ dùng 1 tỷ Yên để lắp đặt đèn LED trên các tuyến đường.
Các nghiên cứu phát triển vật liệu thay thế đất hiếm cũng sẽ được tăng kinh phí, trong bối cảnh Nhật Bản và Trung Quốc đang căng thẳng về tranh chấp chủ quyền biển đảo và Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu nguồn tài nguyên mà họ chiếm ưu thế độc quyền này.
Trong số 750 tỷ Yên được đề xuất từ Bộ Khoa học và Giáo dục, 180 tỷ Yên sẽ được dùng để khuyến khích các trường đại học thương mại hóa kết quả nghiên cứu cơ bản, và 20 tỷ Yên khác sẽ được dùng hỗ trợ việc nghiên cứu tế bào gốc pluripotent (iPS). Như vậy số tiền dự kiến cấp cho lĩnh vực nghiên cứu iPS trong vòng 10 năm tới sẽ tăng thành 110 tỷ Yên.