Hôm nay, 11.9, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với lực lượng này. Phóng viên Báo ĐBND đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ NGUYỄN QUÂN về sự kiện ý nghĩa này.
Giới trẻ là lực lượng tiềm năng của KH - CN
- Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu?
- Năm nay, ngành khoa học - công nghệ (KH - CN) sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển KH - CN theo Quyết định 418/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, bên cạnh việc tổ chức cho các nhà sáng chế không chuyên chia sẻ kinh nghiệm và gặp gỡ lãnh đạo Chính phủ, Bộ tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ. Đây là sự kiện rất quan trọng bởi các nhà khoa học trẻ luôn đam mê, có nhiều đóng góp nhưng chưa có cơ hội để được báo cáo với lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước về những kết quả của mình, khó khăn, thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, cũng như những kiến nghị với Đảng và Nhà nước để họ có thể cống hiến tốt hơn.
Lần này, chúng tôi tổ chức cho 70 nhà khoa học trẻ có kết quả nghiên cứu nổi bật hoặc đã có những sản phẩm khoa học được ứng dụng trong thực tiễn, có những công bố quốc tế có giá trị, hoặc đã có nhiều bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ, công nhận gặp gỡ với lãnh đạo Chính phủ, báo cáo kết quả hoạt động, thành tựu nghiên cứu của mình, đồng thời kiến nghị những cơ chế chính sách phù hợp để họ có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước, cho nền KH - CN.
- Bộ trưởng đánh giá thế nào về sức sáng tạo cũng như đóng góp của thế hệ trẻ tài năng với sự phát triển KH - CN cũng như nền kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có cả những nhà khoa học trẻ ở nước ngoài?
- Có thể nói, giới trẻ là lực lượng tiềm năng của nền KH - CN. Các bạn trẻ Việt Nam rất trí tuệ, đáp ứng được những yêu cầu trong giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Tuy nhiên, trong nhiều năm do điều kiện kinh tế - xã hội của chúng ta, nhiều bạn trẻ không tìm thấy vị trí của mình trong hệ thống các tổ chức KH - CN của Nhà nước và nhiều khi phải tìm đến những địa chỉ trong khu vực tư nhân, thậm chí ở nước ngoài để có điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sáng tạo của mình.
Nhưng bây giờ, đã đến lúc chúng tôi mong đợi các bạn trẻ tham gia vào hoạt động KH - CN ở Việt Nam. Bởi chúng ta đã vượt qua ngưỡng của một nước có thu nhập thấp. Chúng ta cũng đang có rất nhiều chính sách đổi mới, xây dựng nhiều cơ sở nghiên cứu mới, có điều kiện làm việc tốt nhất. Chúng tôi hy vọng các nhà khoa học trẻ của chúng ta sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước.
- Bộ trưởng có thể đưa ra một vài trường hợp cụ thể?
- Trong những năm vừa qua, chúng ta đã có một số nhà khoa học có tên tuổi trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ như các nhà khoa học Đàm Thanh Sơn và Vũ Hà Văn đã rất thành công ở Hoa Kỳ; nhóm các bạn trẻ có sản phẩm công nghệ Misfit được đánh giá là một trong 10 sản phẩm công nghệ hàng đầu của nước Mỹ năm 2013, hiện đang làm việc ở Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ). Trong nước có các nhà khoa học trẻ ở Viện Tiên tiến KH - CN của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các nhà khoa học trẻ ở các doanh nghiệp… đã có những sản phẩm KH - CN rất tốt. Kể cả như tác giả của trò chơi trên điện thoại thông minh nổi tiếng toàn cầu Flappy Bird từng được tải đến 2-3 triệu lượt mỗi ngày cũng ở tuổi còn rất trẻ.
Chúng tôi cho rằng, các nhà khoa học trẻ ở các viện nghiên cứu lớn như Viện Hàn lâm KH - CN Việt Nam, viện nghiên cứu của các bộ, các trường đại học của Việt Nam... có các sản phẩm tương đối tốt đóng góp cho đất nước.
Cơ hội để nhà khoa học trẻ cống hiến
- Thưa Bộ trưởng, hiện Nhà nước đã có những cơ chế, chính sách gì để đãi ngộ các nhà khoa học trẻ tài năng cũng như thu hút những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trở về làm việc, cống hiến cho đất nước?
- Luật KH - CN (sửa đổi) cũng như Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH - CN đã tạo ra một số cơ chế chính sách mới cho các nhà khoa học trẻ. Các nhà khoa học trẻ là một trong 3 đối tượng được trọng dụng và ưu đãi trong hoạt động KH - CN. Họ sẽ được hưởng những cơ chế, chính sách phù hợp và được Nhà nước tạo điều kiện tự chủ cao nhất trong nghiên cứu. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với Chính phủ thành lập Quỹ Phát triển KH - CN Quốc gia (Nafosted) - nơi các nhà khoa học trẻ có thể nộp hồ sơ đăng ký để được giao các nhiệm vụ KH - CN cấp nhà nước. Thông qua Quỹ Nafosted, họ sẽ có cơ hội làm chủ nhiệm các đề tài hoặc được giao phụ trách, trực tiếp triển khai các đề tài nghiên cứu theo khả năng của họ.
Chúng tôi cũng đã xây dựng và trình Chính phủ Nghị định 50/2015/NĐ-CP về thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST). Đây là viện nghiên cứu theo mô hình của thế giới và là nơi tạo môi trường làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học. Trong đó, chắc chắn những nhà khoa học trẻ sẽ có vị trí nhất định. V-KIST chính là địa chỉ để thí điểm những cơ chế chính sách mới. Khi những cơ chế này phát huy tác dụng và V-KIST thành công, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đề xuất với Quốc hội và Chính phủ biến những cơ chế đặc thù, cơ chế ưu đãi đặc biệt trở thành những cơ chế chung mang tính đại trà. Với môi trường và thu nhập phù hợp, các nhà khoa học nói chung và nhà khoa học trẻ nói riêng sẽ toàn tâm toàn ý cống hiến trí tuệ của mình cho KH - CN.
- Ngoài những cơ chế, chính sách Bộ trưởng vừa đề cập, chúng ta còn có chương trình như: Sáng tạo Việt, các vườn ươm doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, thương mại hóa kết quả nghiên cứu thông qua Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon… Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về cơ hội của nhà khoa học trẻ trong việc tham gia những “sân chơi” này?
- Trong Đề án Phát triển thị trường công nghệ mà chúng tôi xây dựng có đề cập đến việc hình thành các khu ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp KH -CN. Đồng thời, Bộ KH - CN cũng xây dựng Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon. Chúng tôi đang khởi động triển khai hoạt động khởi nghiệp cho doanh nghiệp trẻ. Sinh viên, hoặc cán bộ khoa học trẻ khi có ý tưởng khoa học có thể khởi nghiệp cho hoạt động khoa học của mình thông qua thành lập những doanh nghiệp KH - CN. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, sự hỗ trợ của các vườn ươm công nghệ hoặc các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH - CN, cơ sở dịch vụ của Nhà nước, họ có thể có được các nguồn lực để hoàn thiện công nghệ của mình, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và có những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, sau đó, sẽ trở thành những doanh nghiệp lớn đóng góp cho không chỉ KH - CN mà cả kinh tế - xã hội của đất nước.
- Như Bộ trưởng vừa nói, các nhà khoa học trẻ thường gặp khó khăn trong việc khó có điều kiện tham gia hoặc chủ trì các đề tài, dự án KH - CN. Vậy, Bộ trưởng có lời nhắn nhủ như thế nào để các nhà khoa học trẻ vững tâm hơn khi theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học của mình?
- Tôi nghĩ các nhà khoa học trẻ hãy dũng cảm, mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận với các nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời, tự tin hơn trong các hoạt động nghiên cứu. Bởi đã đến lúc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi tối đa, tạo môi trường làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học trẻ. Chúng ta nên tận dụng thời cơ này để có thể cống hiến tài năng và trí tuệ của mình cho đất nước.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
TS. Phạm Văn Phúc - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Ao ước có hệ thống giải pháp liên ngành về KH - CN
Phải nói rằng, ngày càng nhiều văn bản pháp lý và chương trình KH - CN cho phép các nhà khoa học trẻ tuổi có thể tham gia nghiên cứu. Đó là một trong những đổi mới đột phá trong lĩnh vực hoạt động KH - CN, góp phần thu hút đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ tuổi ở nước ngoài về phục vụ đất nước.
Tuy nhiên, bản thân tôi vẫn ước ao có một hệ thống giải pháp tổng thể liên bộ, liên ngành về KH - CN. Tôi ước một ngày nào đó, những người làm tế bào gốc như tôi hiểu rằng những gì họ đang làm sẽ nhận được sự ủng hộ của Nhà nước, những bệnh viện sẽ được Nhà nước đồng ý dùng công nghệ tế bào gốc trong điều trị, những doanh nghiệp biết rằng họ sẽ thành công khi đầu tư vào tế bào gốc và bệnh nhân biết rằng họ có thể dùng tế bào gốëc để điều trị bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Đức Toàn - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Nghiên cứu khoa học đem lại tầm cao trí tuệ
Làm nghiên cứu khoa học thuần túy thì không thể mong làm giàu nhanh được. Phải xác định ngay từ đầu đó là niềm đam mê. Nghiên cứu song song với đó là danh dự quốc gia và bản thân. Nghiên cứu khoa học đem lại tầm cao trí tuệ. Khi đã giải quyết được các vấn đề thì kết quả đó chính là niềm vui, là động lực để tiếp tục nghiên cứu. Theo nghiệp nghiên cứu khoa học tuy khó khăn nhưng sẽ là phát triển bền vững.
Đối với nhà khoa học trẻ, Nhà nước nên có các cơ chế, chính sách thật cụ thể; đầu tư trang thiết bị phục vụ thực nghiệm nhằm phát huy tinh thần say mê nghiên cứu. Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH - CN (trong đó có nội dung cụ thể liên quan đến nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng) ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt lớn. Tuy vậy, các thông tư hướng dẫn thực hiện cần sớm được hoàn thiện để đi vào đời sống của các nhà khoa học.
TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Trường ĐH Điện lực: Cần môi trường nghiên cứu khoa học bình đẳng
Khoa học là sáng tạo. Người trẻ thường có rất nhiều sáng kiến, đề xuất, cải tiến, đôi khi họ hơi cá tính... Nếu sử dụng được những sáng kiến của người trẻ sẽ giúp ích rất nhiều trong đời sống, kinh tế - xã hội... Tôi mong muốn có môi trường nghiên cứu khoa học bình đẳng, không phân biệt tuổi tác, địa vị mà trọng tâm là những công trình khoa học, đề tài khoa học có ý nghĩa. Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ hơn nữa đối với các nhà khoa học trẻ về thu nhập, điều kiện cuộc sống và đặc biệt là môi trường làm việc.
TS. Trương Trung Kiên - Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông: Nên thành lập quỹ hỗ trợ nhà khoa học trẻ
Theo kinh nghiệm của bản thân từ khi bắt đầu công việc nghiên cứu khoa học vào năm 2002, môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nói chung và ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - nơi tôi công tác nói riêng đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhà nước nên có những chính sách cụ thể ưu tiên cho các nhà khoa học trẻ. Ví dụ, giảm yêu cầu đối với các nhà khoa học trẻ lần đầu đăng ký đề tài. Bên cạnh đó, nên có những quỹ nghiên cứu khoa học hỗ trợ các nhà khoa học trẻ trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng nhóm nghiên cứu; xây dựng mạng lưới chia sẻ cơ hội việc làm trong các trường đại học và viện nghiên cứu.
ThS. Lưu Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm di động, Tổng công ty Mạng lưới Viettel: Tạo thêm sân chơi để khuyến khích nghiên cứu
Buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Chính phủ với 70 nhà khoa học tiêu biểu năm 2015 thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của các cấp quản lý đối với sự đóng góp của những người nghiên cứu nói chung cũng như thế hệ trẻ chúng tôi nói riêng.
Hiện đã có rất nhiều chương trình, dự án, đề án nghiên cứu KH-CN lớn, các vườn ươm công nghệ, cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp KH-CN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, Quỹ phát triển KH-CN, chương trình “Sáng tạo Việt”... để các tài năng trẻ đam mê KH-CN tham gia. Đây chính là những sân chơi rất tốt, khuyến khích các bạn trẻ trong đam mê nghiên cứu, sáng tạo. Thông qua đó, đã có rất nhiều bạn trẻ có thêm điều kiện, kinh phí, những hỗ trợ khác, đặc biệt là động lực phấn đấu, thi đua và có những thành công to lớn trong việc khởi nghiệp và sáng tạo ra những sản phẩm, công trình nghiên cứu phục vụ sản xuất, đời sống. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều sân chơi hơn nữa để gắn kết, tạo động lực cho các nhà khoa học trẻ.
ThS. Lương Trung Sơn - Học viện Kỹ thuật Quân sự: Kết nối chặt chẽ nghiên cứu KH và sản xuất hàng hóa
Nghiên cứu muốn đi vào cuộc sống cần phải xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Điều này cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ lĩnh vực sản xuất. Cần có một sự kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và sản xuất hàng hóa; giữa các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp. Nội dung nghiên cứu phải nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể vướng mắc của sản xuất, kết quả nghiên cứu phải được sẵn sàng ứng dụng trong sản xuất nhằm nâng cao ưu thế cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp chú trọng tái đầu tư cho nghiên cứu. Muốn vậy, cần có cơ chế chính sách phù hợp bắt buộc doanh nghiệp tăng cường sử dụng, cải tiến công nghệ được nghiên cứu trong nước thông qua liên kết với các viện nghiên cứu. Các viện nghiên cứu và doanh nghiệp xây dựng điểm nối chung thông qua các bộ phận nghiên cứu phát triển mạnh, cùng hoàn thiện và sản xuất các sản phẩm có tính thương mại hóa cao.
Hạnh Nguyên ghi
|
Nguyễn Hạnh thực hiện.