Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 20/04/2024 , 01:49 pm
Cập nhật : 09/12/2016 , 09:12(GMT +7)
Nhà khoa học “nâng tầm” cây nghệ
ThS Nguyễn Ngọc Thanh trong xưởng thực nghiệm của TT Hóa thực vật (Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam
Nếu không có đồng nghiệp giới thiệu thì tôi không thể ngờ rằng Nguyễn Ngọc Thanh là Thạc sĩ, Giám đốc Trung tâm Hóa thực vật (thuộc Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam) và đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ. Trông anh giống như một nông dân miền núi hơn một nhà khoa học. Thế nhưng khi hỏi về cây nghệ thì anh nói rất say sưa. Đồng nghiệp của anh ở Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam khẳng định với tôi rằng: Thanh là nhà khoa học đã và đang “nâng tầm” cây nghệ Việt Nam...

“Hàn Quốc có cây sâm, Việt Nam có cây nghệ...”

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thanh tặng tôi tập tài liệu dày đến cả gang tay về cây nghệ và nói: “Nếu Hàn Quốc có cây sâm thì Việt Nam có cây nghệ. Tôi xin khẳng định với anh rằng, giá trị phòng, chữa bệnh và giá trị kinh tế của cây nghệ còn cao hơn cây sâm nếu chúng ta tập trung đầu tư cho việc chế biến chất curcumin và quảng bá sản phẩm...”.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thanh kể rằng, nếu so sánh với nhiều nước trên thế giới thì Ấn Độ không phải là nước giàu, thu nhập bình quân của họ khá khiêm tốn, nhưng Ấn Độ lại là nước có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư thấp nhất thế giới. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học có uy tín thì nguyên nhân chính để tạo ra sự khác biệt này là người dân Ấn Độ ăn nhiều nghệ trong món cà-ri truyền thống. Nghệ có tác dụng phòng bệnh ung thư. Ở nước ta, củ nghệ rất quen thuộc và được trồng chủ yếu để làm gia vị. Trong dân gian, chúng ta thường nghiền bột nghệ để làm thuốc. Bài thuốc khá phổ biến là trộn bột nghệ với mật ong hấp vào nồi cơm ăn hằng ngày vào 10 giờ sáng, 10 tối hoặc lúc dạ dày đói nhất để chữa viêm loét dạ dày, giúp thông ứ, hành huyết…, dùng khoảng 3-6 tháng sẽ thấy hiệu quả. Bột nghệ còn được dùng ngoài để chữa thấp khớp, tay chân đau nhức, ngã tổn thương tụ máu, mụn nhọt, ghẻ. Nghệ tươi giã nát lọc lấy nước uống có thể chữa ngộ độc...

Tuy nhiên, giá trị lớn nhất nhưng lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong củ nghệ và không phải củ nghệ ở đâu cũng có, đó là chất curcumin. Chất này chiếm khoảng 3% trong củ nghệ vàng của Việt Nam, đây là tỷ lệ cao so với nghệ trồng ở nhiều nước trên thế giới. Từ lâu, các nhà khoa học đã chứng minh tác dụng tuyệt vời của curcumin trong phòng, chống bệnh ung thư và giá bán curcumin trên thế giới rất đắt. Curcumin có ảnh hưởng đến hơn 700 gene trong cơ thể, có khả năng giữ cho các tế bào làm việc một cách có trật tự  và quy củ, giúp cho cơ thể phòng và chống ung thư, giảm cân, chống lại bệnh béo phì và chống lão hóa. Hoạt tính quý nói trên của curcumin có liên quan tới khả năng ức chế quá trình Angiogenesis (quá trình phát triển của hệ thống mạch máu giúp nuôi dưỡng và thúc đẩy sự tăng trưởng các tế bào ung thư cũng như quá trình ức chế sự hình thành các mạch máu trong mô mỡ, tạo điều kiện cho sự hình thành mỡ trong cơ thể).

Thực tế tại Việt Nam, những người sử dụng curcumin thường xuyên rất ít bị mắc bệnh ung thư và nếu bị ung thư, điều trị bằng curcumin, khối u ác tính đều được thu hẹp, thể trạng tốt hơn so với trước khi dùng.

Vấn đề mấu chốt là công nghệ chiết xuất curcumin như thế nào, bởi lẽ theo công nghệ truyền thống làm bột nghệ của bà con nông dân Việt Nam thì phần lớn chất curcumin trong nghệ bị mất đi. Nếu chiết xuất thành công curcumin bằng công nghệ phù hợp với giá thành hợp lý, có thể đưa cây nghệ ở Việt Nam sánh với cây sâm ở Hàn Quốc.

Hành trình đưa curcumin từ phòng thí nghiệm đến thị trường

Ý tưởng chiết xuất curcumin từ củ nghệ vàng bằng công nghệ của Việt Nam đã được Nguyễn Ngọc Thanh ấp ủ từ rất lâu, bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam rất thích hợp với cây nghệ. Mặt khác, tỷ lệ curcumin trong củ nghệ vàng trồng tại Việt Nam được xếp vào loại cao nhất thế giới. Đến năm 2004, sau khi bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, Nguyễn Ngọc Thanh chính thức đăng ký và triển khai đề tài khoa học: “Hoàn thiện công nghệ chiết xuất curcumin từ củ nghệ vàng Curcuma longa Linn của Việt Nam để sử dụng trong dược phẩm và thực phẩm”.

Được các đồng chí lãnh đạo Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam động viên giúp đỡ, Thanh lao vào việc nghiên cứu quên cả ngày đêm. Từ các thư viện đến phòng thí nghiệm, rồi lại đến các cánh đồng của nông dân để tìm tòi cách thức sản xuất curcumin với giá thành có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Mải mê nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm curcumin, Thanh quên cả chuyện yêu đương, gần 40 tuổi mà vẫn còn là “lính phòng không”. Đến năm 2006 thì mẻ curcumin đầu tiên của Nguyễn Ngọc Thanh được sản xuất thử nghiệm thành công trong niềm vui trào dâng của các nhà khoa học Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam.

Tiếp theo đó là việc hoàn thiện quy trình sản xuất, đặt hàng nông dân trồng nghệ. Nguyễn Ngọc Thanh cùng các cộng sự đã đi đến khắp mọi miền của Tổ quốc khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và lựa chọn giống nghệ vàng có hàm lượng curcumin để nông dân trồng, bán cho trung tâm.

Hiện nay sản phẩm “Curcuminoid 95%” do Trung tâm Hóa thực vật (thuộc Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam) sản xuất đang là nguyên liệu đầu vào của nhiều hãng dược phẩm nổi tiếng trên thế giới. Sản phẩm curcumin do Trung tâm Hóa thực vật sản xuất cũng đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam và được kiểm nghiệm khẳng định chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại trên thế giới, giá thành lại rẻ hơn. Điều quan trọng là từ việc sản xuất curcumin của Trung tâm Hóa thực vật đã tạo ra những vùng nguyên liệu và đã mở ra hướng cho bà con nông dân làm giàu từ cây nghệ.  

Hiện thực hóa ước mơ “nâng tầm” cây nghệ

Sau khi nghiên cứu chế xuất thành công curcumin, Nguyễn Ngọc Thanh và cộng sự ở Trung tâm Hóa thực vật bắt tay ngay vào nghiên cứu sản xuất nano curcumin. Nano curcumin là dạng bào chế công nghệ cao, ứng dụng công nghệ Nano để tạo thành curcumin có kích thước siêu nhỏ, chỉ bằng 1/80.000 sợi tóc, tan tốt trong nước, hấp thu nhanh vào máu, tăng hiệu quả điều trị so với curcumin thông thường. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, nano curcumin ức chế quá trình nhân lên của tế bào ác tính trong các khối u, ức chế hoạt động của các enzym gây viêm, giảm sinh các gốc tự do, do đó giảm sự biến đổi các tế bào thường thành tế bào ác tính. Nano curcumin tiêu diệt các tế bào ác tính bằng cách lựa chọn thông qua các tín hiệu hoạt động bất thường của tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến các tế bào lành tính, khỏe mạnh. Nano curcumin còn có tác dụng ngăn ngừa sự di căn của tế bào ung thư và làm giảm các tác dụng phụ do các hoạt động điều trị ung thư gây ra: Truyền hóa chất, xạ trị… Nano curcumin ức chế và ngăn chặn việc cung cấp máu đến tế bào ung thư, khiến các tế bào ung thư tự diệt do không còn dưỡng chất nuôi chúng. Ngoài ra, nano curcumin còn làm tăng cường hệ thống miễn dịch, ức chế các tác nhân gây viêm, giúp giảm đau đớn, mệt mỏi, cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân ung thư.

Lao vào đề tài sản xuất nano curcumin, Nguyễn Ngọc Thanh lại quên ăn quên ngủ, suốt ngày suốt đêm ở phòng thí nghiệm và xưởng sản xuất. Thế rồi công sức, trí tuệ của Thanh và cộng sự đã được đền đáp. Mới đây Trung tâm Hóa thực vật do Thanh làm Giám đốc đã sản xuất thành công nano curcumin đạt kích thước từ 50nm đến 120nm và đã triển khai sản xuất ở quy mô công nghiệp. Với kích thước siêu nhỏ 50nm-120nm, nano curcumin do Trung tâm Hóa thực vật sản xuất có khả năng phân tán trong nước, tăng độ hòa tan lên 7.500 lần so với curcumin thường; mang lại hiệu quả sử dụng gấp 42 lần curcumin thường.

Việc sản xuất thành công nano curcumin tại Trung tâm Hóa thực vật lại tiếp tục mở hướng sản xuất mới cho bà con nông dân Việt Nam. Theo phân tích của Nguyễn Ngọc Thanh, với giá bán hiện nay của sản phẩm nano curcumin trên thị trường thế giới và khả năng tiêu thụ tốt sản phẩm, thì việc trồng nghệ vàng sẽ có giá trị kinh tế cao hơn gấp hàng chục lần so với việc trồng lúa và các loại cây công nghiệp khác. Và khi đó, giấc mơ “nâng tầm” cây nghệ Việt Nam của Thanh sẽ thành hiện thực.

Ngoài việc là chủ nhiệm đề tài “Hoàn thiện công nghệ chiết xuất curcumin từ củ nghệ vàng Curcuma longa Linn của Việt Nam để sử dụng trong dược phẩm và thực phẩm”, trong những năm qua, Nguyễn Ngọc Thanh còn làm chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học khác, trong đó có 3 dự án cấp Bộ Công Thương đã được nghiệm thu là “Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm chữa bệnh Zona từ cây thồm lồm Polygonum Chinenensis L”; “Nghiên cứu bán tổng hợp tetrahydrocurcumin (curcumin trắng) ứng dụng trong mỹ phẩm và thực phẩm chức năng”; “Nghiên cứu phân lập hoạt chất mangiferin từ lá cây dó bầu Aquilaria crassna Pierre và bào chế sản phẩm ứng dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng”. Bên cạnh đó, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thanh còn tham gia nghiên cứu nhiều đề tài  khoa học khác do Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam chủ trì như: “Sàng lọc hoạt tính trừ sâu của các loài cây độc Việt Nam”;  “Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm diệt ốc bươu vàng trong nông nghiệp từ vỏ hạt điều Anacardium occidentale”...

Hiện nay, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thanh và các cộng sự đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ bán tổng hợp tetrahydrocurcumin từ curcumin trong củ nghệ làm nguyên liệu cho dược, mỹ phẩm”. Đây là đề tài thuộc chương trình hóa dược cấp Nhà nước giai đoạn 2015-2017. Nếu đề tài thành công sẽ lại tiếp tục “nâng tầm” cây nghệ Việt Nam.


 

Nguồn tin: Quân đội Nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner