“Giáo sư Hoàng Trọng Yêm là một nhà giáo, nhà khoa học có nhân cách lớn, giản dị, mô phạm và rất gần gũi với mọi người” – đó là lời chia sẻ của PGS. Tạ Ngọc Đôn - Trưởng Phòng Thiết bị cung cấp khi nhắc tới người Thầy, người đồng nghiệp đáng kính của mình. Tuy đã đi xa mãi mãi nhưng hình ảnh về một nhà giáo nhân dân tâm huyết với nghề, một nhà khoa học tài năng, một nhà quản lý mẫu mực, công tâm vẫn luôn hiện hữu trong trái tim người thân, bạn bè, đồng nghiệp, nhà khoa học và biết bao thế hệ học trò...
Một Nhà giáo tâm huyết với nghề
NGND.GS.TSKH. Hoàng Trọng Yêm sinh năm 1934, quê tại Quảng Bình. Ông xuất thân trong một gia đình gia giáo, có truyền thống yêu nước, hiếu học. Chính hoàn cảnh đó của gia đình đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách và đạo đức nghề nghiệp của Giáo sư sau này.
Khi còn nhỏ, ông học tiểu học tại trường Vĩnh Diện (Quảng Nam), học trung học tại thị xã Đồng Hới (Quảng Bình), sau đó theo học trường Trung cấp Sư phạm Liên khu 4 và tiếp tục học trường PTTH Phan Đình Phùng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông rời quê nhà ra Thủ đô Hà Nội học Đại học Sư phạm, chuyên ngành Hóa học. Có lẽ, nghề giáo đã bén duyên với ông từ đó. Với kết quả học tập xuất sắc, tháng 6/1957, ông tốt nghiệp đại học và được cử về giảng dạy tại Trường ĐHBK Hà Nội. Tại thời điểm đó, Trường ĐHBK Hà Nội mới được thành lập chưa lâu (tháng 10/1956) nên có muôn vàn khó khăn, thử thách. GS Hoàng Trọng Yêm đã cùng với đội ngũ những giảng viên đầu tiên của Trường từng bước khắc phục khó khăn xây dựng cơ sở vật chất của ĐHBK Hà Nội, cũng như đã đặt nền móng xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình cho sinh viên khóa 1 và những khóa tiếp theo. Ông là một trong những người sáng lập và là Tổ trưởng đầu tiên của Bộ môn Hóa hữu cơ thuộc Khoa Hóa Trường ĐHBK Hà Nội (nay là Viện Kỹ thuật Hóa học - ĐHBK Hà Nội). Sau khi cơ cấu tổ chức và hoạt động của Bộ môn đã đi vào ổn định, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, giảng viên, ông đã được Trường cử đi thực tập tại Liên Xô (trước đây). Những năm sau đó, ông làm nghiên cứu sinh, rồi thực tập sinh cao cấp tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1984, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ khoa học.
Một nhà quản lý mẫu mực và công tâm
Trở về Trường sau những năm tu nghiệp tại Liên Xô, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, GS Hoàng Trọng Yêm còn được giao nhiều trọng trách quan trọng như: Chủ nhiệm Khoa Hóa – Thực phẩm giai đoạn 1984 - 1987, Phó Bí thư Đảng ủy Trường 1987 - 1989. Năm 1989, được sự tín nhiệm của đông đảo giảng viên và cán bộ viên chức của Trường, GS. Hoàng Trọng Yêm đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội nhiệm kỳ 1989 - 1994. Đây là lần đầu tiên, Trường ĐHBK Hà Nội lựa chọn Hiệu trưởng bằng cơ chế “bầu cử”.
Giữ trên vai trọng trách của người đứng đầu, GS. Hoàng Trọng Yêm luôn trăn trở làm sao để phát triển Trường ĐHBK Hà Nội thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo chất lượng đào tạo trong giai đoạn đổi mới từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thử thách, GS. Hoàng Trọng Yêm đã cùng với tập thể lãnh đạo Trường phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm tìm biện pháp khắc phục những trở ngại để đưa Trường ĐHBK Hà Nội phát triển ngày càng vững mạnh. Những giải pháp tức thời đã được đưa ra và mang lại hiệu quả tích cực như: đa dạng hóa và mở rộng quy mô các loại hình đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế… Không chỉ đổi mới trong đào tạo mà GS còn quan tâm đến đời sống của CBVC Trường. Với quan niệm “có an cư mới lạc nghiệp”, GS. Hoàng Trọng Yêm đã cùng với Ban Giám hiệu đề xuất với Thành phố giải quyết đất ở cho cán bộ, nhân viên trong Trường,…. Những đóng góp của ông đã tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển tiếp theo của ĐHBK Hà Nội sau này.
Ngoài cương vị Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội, GS. Hoàng Trọng Yêm đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Hóa – Thực phẩm – Luyện kim từ năm 1991-2001; Ủy viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia giai đoạn 1991-1996; Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam; Tổng biên tập Tạp chí Hóa học và Ứng dụng giai đoạn 1991-2010…
Là một nhà giáo tâm huyết, một nhà quản lý có trách nhiệm, công tâm, ông luôn được đồng nghiệp quý mến, nể trọng. Chính vì thế, khi nhắc đến người đồng nghiệp đáng kính, PGS. Phạm Văn Bình – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội (cùng nhiệm kỳ với GS. Hoàng Trọng Yêm) cho biết: “GS. Hoàng Trọng Yêm là người bác ái, uyên thâm, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của mình”.
Có lẽ, chính “nghiệp giáo dục” đã ăn vào “máu” nên khi nghỉ hưu nhưng GS. Hoàng Trọng Yêm không hề “nghỉ”. Năm 2003, ông tiếp tục giữ vai trò Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Lương Thế Vinh (nay là Đại học Lương Thế Vinh).
GS.TSKH. Hoàng Trọng Yêm tiếp khách quốc tế
Khi đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, GS. Hoàng Trọng Yêm vẫn hoạt động tích cực trong Hội Cựu Giáo chức Trường và đã có nhiều đóng góp, tư vấn hữu ích cho Trường trong các lĩnh vực: vấn đề tự chủ, quy hoạch, xây dựng Trường, nâng cao chất lượng đời sống cho giảng viên, cán bộ viên chức….
Một nhà khoa học say mê nghiên cứu
Không chỉ là một nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, một nhà quản lý có tinh thần trách nhiệm cao, GS. Hoàng Trọng Yêm còn là nhà khoa học uy tín, mẫu mực và luôn quan tâm, dìu dắt các thế hệ trẻ trên con đường khoa học. GS đã hướng dẫn thành công 36 tiến sĩ, trong đó có 2 tiến sĩ khoa học (GS.TSKH Từ Văn Mặc – Viện Kỹ thuật Hóa học và GS.TSKH Đinh Phạm Thái – Viện Khoa học và Công nghệ Vật liệu); công bố 281 công trình khoa học, bài báo trong nước và quốc tế; 9 đầu sách giáo trình, sách tham khảo và chuyên khảo. Ông đã từng làm Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước KC.06 (1991-1995), uỷ viên Chương trình nghiên cứu Khoa học cơ bản (KT.04),... Giáo sư còn có nhiều sáng chế và công trình nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất như: nhôm oxit, phân bón qua lá, cacbon trắng, sản xuất bột giặt… Đặc biệt, những nghiên cứu về vật liệu zeolite đã được ứng dụng thành công vào sản xuất và được đánh giá cao tại Việt Nam.
Trong những năm 80 của thế kỷ XX, ở Liên Xô, ứng dụng zeolite trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp đã rất phổ biến, trong khi ở nước ta, hướng nghiên cứu này còn chưa phát triển. Trong thời gian học tập tại Liên Xô, GS. Hoàng Trọng Yêm nhận thấy đây là lĩnh vực có thể ứng dụng rộng rãi trong một tương lai không xa. Vì vậy, sau khi về nước, ông kiên trì theo đuổi hướng nghiên cứu về zeolite. Nhờ hướng nghiên cứu này của GS. Hoàng Trọng Yêm mà những sản phẩm liên quan đến zeolite đã được ứng dụng rộng rãi trong thực tế, mở ra một tương lai mới cho ngành công nghệ hoá học ở Việt Nam. Một trong các hướng đó là zeolite ứng dụng trong nuôi trồng thuỷ sản (năm 2003, dây chuyền công nghệ có công suất 3.000 tấn/năm đã được chuyển giao cho 2 nhà máy ở Cần Thơ và Quảng Bình). Hiện nay, dây chuyền công nghệ sản xuất các vật liệu zeolit từ khoáng sét Việt Nam, phục vụ chăn nuôi gia súc và bảo vệ môi trường của nhóm nghiên cứu này đã và đang được xem xét chuyển giao cho một số doanh nghiệp sản xuất với giá trị chuyển giao trên 20 tỷ đồng. Đó chính là thành quả của một tầm nhìn xa trong nghiên cứu khoa học và sự kiên trì, khổ nhọc trên con đường khoa học mà thầy - trò GS. Hoàng Trọng Yêm đã đạt được.
Mặc dù rất bận rộn với công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhưng GS.Hoàng Trọng Yêm vẫn dành nhiều thời gian và tâm huyết hướng dẫn các học viên, nghiên cứu sinh. Học trò của GS có rất nhiều người thành đạt trong những cương vị công tác khác nhau như: PGS.TS Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn sơn Kova; PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy – nguyên Giám đốc Viện chuyên ngành Vật liệu xây dựng và Bảo vệ công trình – Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải)…
Với những thành tích, cống hiến trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý, GS.Hoàng Trọng Yêm đã được Nhà nước phong học hàm Giáo sư năm 1991, Nhà giáo Nhân dân năm 2002 và Huân chương Lao động hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
NGND.GS.TSKH. Hoàng Trọng Yêm sinh năm 1934 tại Quảng Bình. Giáo sư mất ngày 25/8/2014. Ông thuộc thế hệ giảng viên đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và được học tập, nghiên cứu nhiều năm tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ). Năm 1984-1987: Ông là chủ nhiệm Khoa Hóa – Thực phẩm. Năm 1987-1989: Ông là Phó Bí thư Đảng ủy Trường. Từ tháng 9/1989 đến tháng 10/1994, ông giữ cương vị Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội.
|
Bài, ảnh: Vũ Thơm
(Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)