Hôm 11/10, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN – PTNT) cho biết sẽ dừng ngay việc nghiên cứu về lúa Thành Dền (xã Tự Lập, huyện Mê Linh – Hà Nội) vì thực chất lúa nó không phải là lúa cổ.
Ông Ngọc cho biết, “Không có hy vọng nào về sự kỳ diệu vì rất nhiều khả năng những hạt lúa này đã lọt vào khu di chỉ khảo cổ Thành Dền. Do vậy, Bộ NN - PTNT dừng tham gia và hỗ trợ đối với việc này vì câu chuyện đã khép lại”.
Đại diện Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN - PTNT) - cơ quan trực tiếp chăm sóc, gieo trồng những hạt “lúa cổ” - khẳng định kết quả phân tích cho thấy rõ ràng đây không phải là những hạt “lúa cổ”. Có thể những hạt lúa này xuất hiện do sự sơ sót của các nhà khảo cổ.
Báo cáo kết quả theo dõi quá trình sinh trưởng của những cây lúa Thành Dền, tiến sỹ Phạm Xuân Hội, trưởng phòng Bệnh học phân tử, Viện Di truyền Nông Nghiệp cho biết xét 13 chỉ tiêu hình thái thì lúa gieo từ các hạt thóc Thành Dền giống với lúa Khang Dân 18.
Trước đó, hôm 30/9, tại hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 45, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung và các cộng sự đã có báo cáo “Thóc, gạo và tàn tích động, thực vật ở di tích Thành Dền”. Theo đó, lúa thành Dền thực chất không phải là lúa cổ.
Kết quả gửi sang Nhật Bản phân tích AMS của vỏ hạt nảy mầm cây số 9 cho kết quả hàm lượng pMC vượt quá 40 (pMC được hiểu là hàm lượng nguyên tố carbon hiện đại trong mẫu vật).
Theo những gì mà TS Lâm Thị Mỹ Dung cùng cộng sự của mình nghiên cứu thì, mức 40 đơn vị được coi là mức chuẩn. Nếu hàm lượng này trong mẫu dưới 40 đơn vị, các nhà khoa học mới tiếp tục phân tích để tìm niên đại, vượt quá 40 là mẫu hiện đại.
VNN