Cụm công trình “Ngữ dụng học” có tính chất tiên phong, đặt nền móng cho việc nghiên cứu ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp gắn với chức năng vốn có của ngôn ngữ là chức năng giao tiếp. Đây là đóng góp nổi bật nhất của cụm công trình của cố GS. Đỗ Hữu Châu.
Mở ra hướng nghiên cứu mới
PGS.TS. Đặng Thị Hảo Tâm, Khoa Ngữ văn, trường Đại học sư phạm Hà Nội cho biết, cụm công trình có tên chung là “Ngữ dụng học”, bao gồm 04 công trình đã công bố, bao gồm: Đỗ Hữu Châu, Đại cương ngôn ngữ học tập hai – Ngữ dụng học, NXBGD, 2001; Đỗ Hữu Châu, Giáo trình Ngữ dụng học (Dành cho Hệ đào tạo Tại chức và Từ xa), NXB ĐHSP, 2003; Đỗ Hữu Châu, Cơ sở ngữ dụng học, NXB ĐHSP, 2003 và Đỗ Hữu Châu, Giáo trình Ngữ dụng học, NXB ĐHSP, 2007. Cụm công trình có tính chất tiên phong, đặt nền móng cho việc nghiên cứu ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp gắn với chức năng vốn có của ngôn ngữ là chức năng giao tiếp.
Trước những năm 1990, nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam bó hẹp trong hệ thống ở trong cấu trúc chủ ngữ - vị ngữ, nhưng khi công trình nghiên cứu của cố GS. Đỗ Hữu Châu xuất hiện thì nghiên cứu ngôn ngữ chuyển sang hướng mới.
Ngôn ngữ được nghiên cứu không phải trong hệ thống nữa mà trong mối quan hệ với con người, trong mối quan hệ của tâm lý học, trong mối quan hệ của xã hội học và văn học. Đây được coi là đóng góp lớn nhất của cố GS. Đỗ Hữu Châu ở cụm công trình “Ngữ dụng học”.
Cụm công trình đã đặt vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ trong mối quan hệ với người sử dụng, cụm công trình “Ngữ dụng học” đã mở ra một hướng nghiên cứu liên ngành giữa văn học với ngôn ngữ.
Đặc biệt, từ nghiên cứu này, khái niệm “tín hiệu thẩm mỹ”, những đặc trưng của tín hiệu thẩm mỹ, lần đầu tiên xuất hiện, được đề cập một cách tường minh và có hệ thống, trở thành cơ sở lí luận vững chắc cho những nghiên cứu tiếp theo về ngôn ngữ văn học. Hệ các khái niệm thuộc về ngữ dụng học lần đầu tiên được đặt ra như: Chiếu vật và chỉ xuất, Hành vi ngôn ngữ, Lí thuyết lập luận, Lí thuyết hội thoại,...Các khái niệm này được nghiên cứu theo hướng mở rộng nội hàm khái niệm, cung cấp thêm hệ thuật ngữ mới về ngữ dụng học; giới thiệu các tư tưởng, quan điểm cùng kết quả nghiên cứu ngữ dụng trên thế giới.
Cụm công trình đã sử dụng ngữ liệu tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn, tươi mới để làm rõ cho hệ lí thuyết, khiến những khái niệm mới lạ, phức tạp trở nên cụ thể, dễ hiểu. Bằng cách thẩm thấu lí thuyết ngữ dụng học thế giới qua hệ thống ngữ liệu tiếng Việt như vậy, nên nội dung của cụm chuyên khảo đã mở rộng sang hướng dụng học Việt ngữ. Nội dung cụm chuyên khảo một mặt mang tính lí thuyết, mặt khác lại mang tính vận dụng lí thuyết để nghiên cứu đặc điểm tiếng Việt trong giao tiếp.
Cả hai chuyên khảo “Đại cương ngôn ngữ học”, “Ngữ dụng học và Cơ sở ngữ dụng học” cho thấy nội dung của chúng đã vượt ra khỏi nội hàm của đại cương và cơ sở theo như nhan đề chuyên khảo.
Cụm công trình “Ngữ dụng học” đưa lí thuyết ngữ dụng học của thế giới vào Việt Nam một cách hệ thống, tạo cơ sở nền tảng cho nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ - văn học - văn hóa trên một bình diện mới, thông qua những ngữ liệu tiếng Việt sống động, thuyết phục.
Khi được hỏi về còn vấn đề gì băn khoăn trong công trình của cố GS. Đỗ Hữu Châu mà lớp trẻ cần nghiên cứu không, PGS. TS. Đặng Thị Hảo Tâm chia sẻ, nếu nói đến sự hoàn thiện về khoa học thì thật khó vì khoa học nó là một cánh cửa luôn rộng mở. Đã là nghiên cứu khoa học thì không có sự tĩnh tại, khoa học mà tĩnh tại là khoa học chết.
Làm phong phú thêm ngôn ngữ Việt Nam
Cụm công trình “Ngữ dụng học” của cố GS. Đỗ Hữu Châu đã làm rõ một hệ các khái niệm mà thời điểm trước năm 1990 còn rất xa lạ với các nhà nghiên cứu Việt Nam. Với cách đó đã giải quyết được 2 việc là xây dựng cơ sở nền tảng lý thuyết ngữ dụng học và mở ra một hướng ứng dụng lý thuyết ngữ dụng học vào nghiên cứu tiếng Việt với tính chất luôn mở.
Tại thời điểm đó, cố GS. Đỗ Hữu Châu đã ứng dụng lý thuyết ngữ dụng học vào nghiên cứu văn học. Cho tới nay, các nghiên cứu đi sau kế thừa kết quả nghiên cứu của cố GS. Đỗ Hữu Châu đã ứng dụng nghiên cứu ngôn ngữ và văn học được mở sang một hướng nghiên cứu mới, đó là nghiên cứu văn học, nghiên cứu tác phẩm theo hướng cấu trúc, theo hướng văn hóa, theo hướng ký hiệu học.
GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực Lịch sử - Văn hóa nhận định, công trình nghiên cứu “Ngữ dụng học” của cố GS. Đặng Hữu Châu có thể coi là sự nghiệp của cả một đời người. Công trình đã có đóng góp to lớn vào lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ tại Việt Nam.
“Trong thời gian khoảng ba thập kỷ trở lại đây có rất nhiều công trình được công bố và nhiều đề án cấp quốc gia đã được thực hiện. Điều đó được thể hiện trên nhiều phương diện, từ cơ cấu chuyên môn của các ngành khoa học xã hội, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo cho đến đội ngũ các nhà khoa học và các sản phẩm nghiên cứu. Có thể kể đến các công trình như “Ngữ dụng học”; “ Lịch sử tư tưởng Việt Nam”” ,GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam nhận định.
Với những đóng góp của cụm công trình, Hội đồng cấp Nhà nước về KH&CN đợt 5 vừa đề nghị trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình.
Hoàng Anh