Vợ chồng GS Trần Thanh Vân (giữa) cùng hai cháu nội và GS viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu trong lễ khởi công ICISE.
|
Giáo sư Trần Thanh Vân: Muốn giàu mạnh phải đầu tư khoa học
Tận tụy đến không thể tận tụy hơn, giản dị đến không thể giản dị hơn, hai vợ chồng GS Trần Thanh Vân, hai nhà khoa học đã là hai điểm sáng đẹp nhất giữa lòng bạn bè quốc tế. Nhìn hai ông bà lo cho từng người từ chuyện ăn, chuyện ở, chuyện đi lại, đến những việc đại sự cho ICISE, mới hiểu vì sao các nhà khoa học thế giới đều quý trọng và ngưỡng mộ tấm lòng của hai vị giáo sư già cho khoa học, và cho Việt Nam suốt mấy chục năm qua
Kinh nghiệm nào đã giúp ông làm được những việc đầy ý nghĩa như thế cho Việt Nam?
Tôi luôn mong được trời thương mà thôi. Tất cả những việc tôi làm từ trước đến nay đều hoàn toàn độc lập, không có sự hỗ trợ của chính phủ, kể cả Việt Nam và Pháp. Nhưng khi thấy mình làm được, sau đó cả hai chính phủ đều giúp rất nhiều. Tôi hiểu hơn ai hết rằng nếu phụ thuộc vào chính quyền thì khi chính quyền thay đổi, sẽ rất khó cho mình. Tôi chỉ làm việc với cá nhân, những người có nhiệt huyết. Ở Việt Nam hỗ trợ tôi nhiều nhất là anh Nguyễn Văn Hiếu. Năm 1963, Nam Bắc còn chưa thống nhất, ở Paris tôi đã gặp anh, người luôn đặt khoa học lên trên tất cả mọi chuyện. Vào những năm 90, ở miền Bắc, chỉ có anh là người không sợ bị chỉ trích, sẵn sàng giúp tôi mọi thủ tục để làm cuộc Gặp gỡ Việt Nam đầu tiên. 50 năm qua rồi anh vẫn nhiệt tình như thế, tình nghĩa giữa chúng tôi rất sâu, rất đậm. Sau này tôi còn có nhiều người bạn khác, nhưng anh Hiếu vẫn là người che chở chúng tôi nhiều nhất
Tài trợ cho nhiều chương trình phát triển giáo dục Việt Nam, tìm kiếm học bổng cho sinh viên học sinh, hơn 10 năm qua ông còn rất tâm huyết với chương trình “Bàn tay nặn bột”?
Đó là chương trình dạy cho các giáo viên cấp tiểu học kiến thức để có thể nâng cao trí tò mò của học sinh, tập cho các em cách đặt câu hỏi, tự tìm ra những giải pháp, và viết lại về sự hiểu của mình…Những chuyện nho nhỏ như thế chính là tạo tiền đề cho một tư chất khoa học tương lai. Phải dạy ngay từ bậc tiểu học thì lên đại học các em mới có cơ sở tìm ra những cái mới, động lực quan trọng nhất trong khảo cứu khoa học. Chứ đợi lên đại học rồi thì không dạy được nữa. Năm vừa rồi tôi đã thuyết phục được Bộ Giáo dục đào tạo bằng lòng cho vào chương trình giáo khoa một phần nào đó của chương trình, để giáo viên có những nội dung giảng dạy mới hơn
Nhìn từ kinh nghiệm của các nước, ông thấy bài học nào là thiết thực nhất cho Việt Nam, để xây dựng một chiến lược phát triển khoa học?
Phải nhìn vào thực tế. Cách đây 30 năm, Mao Trạch Đông đã buộc tất cả các nhà khảo cứu, giáo sư đại học về thôn quê đi cày, Campuchia đã từng giết bao nhiêu nhà khoa học. Sau bao nhiêu năm, từ chỗ không có gì, họ đã có được một đội ngũ khoa học khiến các cường quốc phải nể sợ. Ngay như châu Âu bây giờ, để làm nhà máy điện năng lượng mặt trời, mọi vật liệu đều phải mua từ Trung Quốc. Cách đây 30 năm, chúng ta cũng có một nền khoa học khá tốt. Nhưng sau 30 năm khoa học mình chẳng phát triển gì, vì sao? Lo âu của chúng tôi ở nước ngoài là những vị lãnh đạo có nhìn thấy, để đầu tư cho khoa học không?Tôi ngạc nhiên là suốt chiều dài 3.000 km bờ biển, đi đến đâu cũng nói đặc kín hết rồi bởi các khách sạn năm sao, các khu du lịch. Làm sao du lịch có thể chiếm giữ tất cả bờ biển như thế? Chẳng lẽ chúng ta chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền ngay. Muốn tương lai đất nước giàu mạnh, chẳng còn con đường nào khác là đầu tư khoa học. Chúng ta đang có cái nhìn rất thiển cận về khoa học.
Hiện tôi đang chọn một số học sinh, sinh viên đưa sang học châu Âu trong các trường kỹ sư. Tôi mong trong tương lai có thể có một trường kỹ sư Việt Nam chất lượng tương đương châu Âu. Việc này không thể làm một mình, tôi chỉ tạo cơ hội để Bộ Giáo dục thực hiện. Không thể cái gì cũng kinh doanh, phải có đầu tư của chính phủ để có một trường công lập chất lượng cao
Với “ngôi nhà khoa học Quy Nhơn”, cách thức hoạt động của ICISE có gì đặc biệt?
Thủ tục làm mất ba năm, tôi tỏ ra sốt ruột thì anh em Việt Nam lại nói rằng như thế là quá nhanh rồi! Chỉ tiếc giá như được sớm hơn một năm thì chúng tôi sẽ không gặp phải khủng hoảng kinh tế, số tiển dành dụm được sẽ không bị mất đi đến 30%... Tôi muốn có chỗ để đón tiếp các giáo sư quốc tế trong mùa hè với gia đình của họ, gặp gỡ với các nhà khoa học VN, cùng chơi, cùng sống chung với nhau… Sáng tạo luôn nảy sinh từ những lúc thảnh thơi. Tôi chỉ mong nơi này trở thành một địa điểm giúp khoa học Việt Nam có sự liên lạc, để xây dựng tình cảm, từ đó có được những công trình khoa học và cùng tiến bộ với thế giới. ICISE chỉ là một chuyện nhỏ, giống như gieo những hạt giống, còn các nhà khoa học VN có đón nhận hay không là tùy họ.
Mối quan hệ với những nhà khoa học trong ngành vật lý hạt tôi đã xây dựng hơn 45 năm nay, từ khi chúng tôi còn rất trẻ, chưa có tên tuổi gì. Cái gì cũng phải có thời gian. Bạn bè khoa học lúc đầu chỉ có vài người, dần nhân lên, có lẽ các bạn thấy sự xông pha của mình nên thương. Giờ đã thành thông lệ mỗi lần Gặp gỡ Việt Nam ai cũng muốn có công trình mới để đến trình bày với bạn bè…
Sức mạnh nào khiến ông bà có thể theo đuổi bền bỉ như thế cho sự nghiệp trồng người?
Thấy cái gì làm được mà không làm thì tâm đâu có yên. Có rất nhiều người bạn hết sức tâm huyết với chúng tôi, nếu mình để mất cơ hội ấy cho Việt Nm thì rất uổng. Sống cho mình thì đơn giản lắm, nhưng tôi “bị bắt buộc” phải sống cho cộng đồng mình. Điều tôi buồn nhất là bạn bè nước ngoài thì rất nhiệt tình, làm việc chẳng quản ngại, nhưng tìm ra một người Việt Nam có tinh thần ấy sao khó quá, ai cũng đặt vấn đề tiền bạc cả. Những người như ông Hiếu, ông Nguyễn Văn Hiệu rất ít. Tôi mong những xông pha cực khổ của chúng tôi sẽ khiến mọi người có một cái nhìn khác, bớt đi tư tưởng phải kiềm tiền ngay. Các nhà khoa học VN phần lớn đều có công ty riêng, do lương bổng kém nên họ phải tập trung kiếm tiền để lo cho cuộc sống hàng ngày. Vậy thì làm sao có thời gian khảo cứu. Cũng không trách họ được...
|