Trong 11 tháng năm 2010, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 4682,5 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2488 nghìn tấn, tăng 4,9%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2194,5 nghìn tấn, tăng 4,7% (khai thác biển đạt 2017,6 nghìn tấn, tăng 4,9%).
Để đạt được những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của việc nghiên cứu và ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học trong nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II về vấn đề này.
Thưa ông! Xin ông cho biết thực trạng ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành thủy sản Việt Nam?
Thủy sản là một ngành rất mới so với các ngành khác như trồng trọt, chăn nuôi trong nông nghiệp, do đó việc đưa nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ngành này là một mong muốn và cũng là một thách thức. Tại Việt Nam các viện, trường, trung tâm đã phối hợp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào ngành thủy sản. Những ứng dụng tiêu biểu đã tiến hành như trong tạo và chọn tạo giống đã phát triển những marker (đoạn đánh dấu trong ADN) về giới tính, marker tăng trưởng của cá rô phi, marker tăng trưởng và kháng bệnh của cá tra, sắp tới là là marker cho tôm sú… Ứng dụng công nghệ sinh học thành công trong các phương pháp chẩn đoán và kỹ thuật PCRđưa vào ứng dụng rộng rãi để giúp cho người nông dân có được những con giống sạch bệnh.
Một thành tựu quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào ngành thủy sản là việc sử dụng vắcxin trong việc phòng bệnh thủy sản với những mức độ tiến triển khác nhau như vắcxin chết (formalin vacxin), vắcxin nhược độc và đang tiến hành nghiên cứu nhiều văcxin mới. Vai trò của vi sinh vật - chế phẩm probiotic đã được ứng dụng khá rộng rãi trong lĩnh vực thủy sản. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã tiếp cận quorum sensing (cũng là một probiotic) trên nguyên lý sử dụng các vật dinh dưỡng trong môi trường làm cho các mầm bệnh mất động lực từ đó tránh gây hại cho thủy sản. Probiotic giải quyết vấn đề môi trường, tăng sức đề kháng, tăng hấp thu của động vật thủy sản. Công nghệ sinh học cũng đã giúp cho việc tách chiết các sản phẩm thủy sản có giá trị sinh học cao bằng cách dùng các enzim thay cho việc dùng hóa chất, đây là hướng tiếp cận rất tốt, dùng vi sinh vật, enzim để xử lý các phế phẩm trong thủy sản, tạo ra sản phẩm để dùng trong sản xuất. Công nghệ sinh học là một tiềm năng lớn, việc ứng dụng công nghệ sinh học được xem là điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững trong ngành thủy sản.
Theo ông, hạn chế lớn nhất trong ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành thủy sản là gì?
Một trong những hạn chế nổi cộm nhất hiện nay là vấn đề nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chúng ta còn tụt hậu so với một số nước trong khu vực như Thái Lan. Trong nền kinh tế số chúng ta có thể hiểu và tiếp cận những thành tựu trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, tuy nhiên chúng ta không có người thực hiện. Do đó cần đào tạo một nguồn nhân lực ở nhiều cấp độ khác nhau từ kỹ thuật viên, cán bộ nghiên cứu hay nhà khoa học lớn để đưa thành tựu công nghệ sinh học vào đời sống kinh tế - xã hội. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một chương trình riêng để đào tạo nguồn nhân lực cho việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong thủy sản. Trong vòng 10 năm tới với đội ngũ cán bộ sinh học được đào tạo theo ngân sách nhà nước, nguồn nhân lực thông qua chương trình hợp tác quốc tế và các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam chúng ta sẽ thu dần khoảng cách và trở nên độc lập hơn trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học một cách hiệu quả.
Xin ông cho biết vấn đề hợp tác trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành thủy sản tại Việt Nam hiện như thế nào?
Có thể nói chúng ta đang mở rộng hợp tác quốc tế, tuy nhiên chúng ta cần phân biệt, những sản phẩm có hàm lượng công nghệ sinh học rất cao nhưng có giá trị thương mại rất lớn thì chúng ta không thể hợp tác quốc tế được mà chúng ta phải tự lực làm bằng chính năng lực nội tại của nước ta. Ví dụ chương trình gia hóa tôm sú bố mẹ nhưng sản phẩm thương mại rất lớn nên chúng ta không thể hợp tác được mà chỉ bắt đầu phát triển từ nội tại của chúng ta hay chương trình sản xuất tôm chân trắng sạch bệnh và kháng bệnh… Do đó, cần phải xây dựng nội lực đủ mạnh để phát triển nghiên cứu và ứng dụng bằng chính khả năng của mình. Khía cạnh khác, các trường đại học, viện nghiên cứu mở rộng hợp tác quốc tế. Theo tôi chúng ta nên hợp tác quốc tế để học phương pháp luận và cách tiếp cận cơ bản để từng bước ứng dụng vào nước ta mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo ông, trong thời gian tới chúng ta có nên khuyến khích đẩy mạnh mô hình PPP trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào ngành thủy sản hay không?
Mô hình hợp tác công - tư (PPP) là xu hướng mới của thế giới trong đó có Việt Nam. Trong tương lai chúng ta cần đẩy mạnh mô hình PPP trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào ngành thủy sản góp phần đưa ngành thủy sản nước ta phát triển ổn định bền vững mang lại giá trị kinh tế cao. Trong năm 2011, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II sẽ phối hợp với Trường đại học Cần Thơ, Đại học Wageningen (Hà Lan) về việc nghiên cứu hệ thống tuần hoàn trong nuôi cá tra và sản xuất thức ăn nhằm giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cá tra. Ngoài 3 đơn vị trên, dự án còn có sự hợp tác giữa các DN Hà Lan và Việt Nam (Công ty Vĩnh Hoàn). Dự án sẽ được triển khai trong vòng 3 năm. Sau khi mô hình này thành công chúng ta sẽ đẩy mạnh việc nhân rộng trong công tác hợp tác nghiên cứu và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học vào ngành thủy sản nhằm mang lại giá trị kinh tế cao phù hợp với tiềm năng của thủy sản Việt Nam./.
Xin cảm ơn ông !
Hồng Ánh thực hiện