Sau hơn mười năm, các nhà khoa học nước ta đã từng bước nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc (TBG) trong điều trị các bệnh về máu, tim mạch, nhãn khoa, da liễu, bỏng, xương...
Những thành công bước đầu đó đã góp phần đưa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân của ngành y tế ngày càng nâng cao; là cơ sở để các nhà khoa học mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng nhiều hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.
Sau hơn mười năm, các nhà khoa học nước ta đã từng bước nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc (TBG) trong điều trị các bệnh về máu, tim mạch, nhãn khoa, da liễu, bỏng, xương...
Những kết quả bước đầu
Theo GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng (Ban điều phối nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Nhà nước về TBG), từ những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà huyết học Việt Nam đã thu được những kết quả bước đầu trong lĩnh vực TBG qua triển khai nghiên cứu ghép tủy xương (bản chất là ghép các tế bào gốc tạo máu) để điều trị các bệnh lý huyết học. Trong thập kỷ 1995-2005, các cơ sở mạnh về huyết học ở nước ta, như: Trung tâm Huyết học - Truyền máu TP Hồ Chí Minh, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, Trung tâm Huyết học - Truyền máu Bệnh viện T.Ư Huế, Khoa Huyết học - Truyền máu Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đều đã triển khai các nghiên cứu thuộc lĩnh vực này. Ðến nay, các nhà huyết học Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật cơ bản từ ghép TBG tạo máu lấy từ tủy xương đến ghép TBG tạo máu được huy động từ tủy xương ra ngoại vi và ghép TBG tạo máu lấy từ máu dây rốn trẻ sơ sinh. Việc cấy ghép cũng đã được thực hiện với các trường hợp ghép tự thân cũng như các trường hợp ghép khác gien đồng loại từ người này sang người khác (có sự hòa hợp). Bên cạnh lĩnh vực huyết học, các nhà khoa học trong nước cũng có những nghiên cứu tiên phong về TBG và nhân bản vô tính về phôi gà, sao la, bò, chuột nhắt cũng như các nghiên cứu nuôi cấy tinh tử, nuôi cấy nguyên bào sợi và tế bào sừng...
Trong hai năm 2006-2007, các nhà khoa học và công nghệ nước ta đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu về TBG. Hàng loạt đề xuất nghiên cứu do các cá nhân, đơn vị đưa ra được chọn triển khai ở các cấp khác nhau, từ cơ sở, thành phố đến bộ, ngành, nhà nước. Giới hạn nghiên cứu cũng không chỉ dừng lại ở TBG tạo máu điều trị bệnh lý huyết học mà tiến dần đến các lĩnh vực TBG khác, như: biểu mô dây rốn, vùng rìa giác mạc, niêm mạc miệng, trung mô từ tủy xương, trung mô màng dây rốn, trung mô màng ối... Các nghiên cứu, ứng dụng TBG dần được hoàn chỉnh thành ba mảng lớn: Tạo nguồn TBG gốc; biệt hóa TBG và ứng dụng TBG. Từ đó, một nhóm các nhà khoa học ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã đề xuất ý tưởng khung xây dựng hệ thống ngân hàng và tổ chức mạng lưới nghiên cứu, ứng dụng và trị liệu TBG ở Việt Nam. Trên cơ sở đề xuất này, Bộ Khoa học và Công nghệ tập hợp thêm ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong cả nước để xây dựng thành một nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước nhằm tập trung nguồn lực triển khai nghiên cứu TBG ở Việt Nam.
Ðến nay, các nhà khoa học trong nước đang đề xuất và triển khai chín đề tài cấp Nhà nước liên quan TBG, phần lớn các đề tài đều đang trong giai đoạn thực hiện. Các ứng dụng TBG tạo máu trong lĩnh vực huyết học, một số ứng dụng trong lĩnh vực tạo xương cho kết quả tương đối rõ ràng. Ngoài ra, ứng dụng TBG trong điều trị bệnh suy tim sau nhồi máu cơ tim được Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện trên sáu trường hợp bước đầu đem lại hiệu quả tốt. Bệnh viện Mắt T.Ư và Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh ứng dụng thành công việc cấy ghép TBG điều trị bệnh lý giác mạc... Nước ta có hai cơ sở có khả năng thu thập, xử lý và bảo quản dài hạn các TBG từ máu dây rốn là Bệnh viện Truyền máu huyết học TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng TBG MekoStem. Các ngân hàng này bước đầu đáp ứng yêu cầu và tỏ ra có hiệu quả, là cơ sở cất giữ TBG theo yêu cầu cho các đối tượng có mục đích sử dụng để cấy ghép tự thân hoặc cho người thân trong gia đình.
Cần một chiến lược tổng thể
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu ứng dụng TBG ở Việt Nam trong những năm qua vẫn còn ở mức khiêm tốn do hạn chế về đầu tư, thiếu định hướng có tính chiến lược. PGS,TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Y tế cho biết: Với dân số cả nước là gần 86 triệu người (năm 2009), hơn 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 200 nghìn giường bệnh, việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ cao trong y học như công nghệ TBG vào điều trị bệnh là một nhu cầu, một nhiệm vụ cấp bách đối với các đơn vị nghiên cứu y, sinh học. Vì thế, cần có một chiến lược tổng thể dài hạn mang tầm quốc gia để đưa lĩnh vực này hòa nhập và dần bắt nhịp với trình độ khu vực và thế giới. Lần đầu một hội thảo mang tầm quốc gia do hai bộ Y tế và Khoa học và Công nghệ vừa phối hợp tổ chức đã mở ra hướng mới đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng TBG trong y học. Tại hội thảo, các đại biểu đóng góp ý kiến xây dựng định hướng và chương trình nghiên cứu ứng dụng TBG trong y học của nước ta đến năm 2020. Xây dựng các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng cấp bộ, cấp nhà nước và đưa vào chương trình công nghệ sinh học trình Chính phủ phê duyệt.
GS,TSKH Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: Cần đề xuất một chương trình thống nhất trong toàn quốc cũng như lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu phù hợp với Việt Nam và có đầu ra. Các nhà nghiên cứu cần biến sản phẩm khoa học thành hàng hóa... Trong khi đó, GS,TS Trương Việt Dũng, Vụ trưởng Khoa học và Ðào tạo (Bộ Y tế) cho biết: Bộ Y tế sẽ bàn bạc với các viện về lộ trình triển khai cụ thể. Về nguồn lực, do còn thiếu, tản mạn cho nên cần tập trung lại để cùng bàn bạc, xây dựng. Nếu tập hợp các nhóm làm việc lại với nhau thì sẽ tổng hợp được nguồn lực, trí tuệ. Kinh phí của Nhà nước chủ yếu dành cho đầu tư ban đầu, còn lại phải từ các nguồn khác và tự vận động, tính toán được đầu ra sản phẩm. Dựa trên tình hình thực tế, nhiều ý kiến kiến nghị Nhà nước cần đầu tư xây dựng một Trung tâm TBG quốc gia hoàn chỉnh ở Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư. Trung tâm này vừa sản xuất TBG, vừa có la-bo nghiên cứu, là nơi thực hiện ghép TBG cho người bệnh bị bệnh máu. Trung tâm này cũng là nơi cung cấp TBG cho tất cả các viện, bệnh viện khác ứng dụng các liệu pháp ghép TBG.
Hy vọng các nhà khoa học Việt Nam ngày càng có nhiều thành công trong nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật TBG.
Mười sản phẩm dự kiến của nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Nhà nước
1. Ngân hàng tế bào gốc ở ba miền: bắc- trung- nam.
2. Quy trình kỹ thuật phân lập, bảo quản TBG từ các nguồn khác nhau.
3. Quy trình biệt hóa TBG thành các tế bào tiền thân như tế bào cơ tim, thần kinh, da, sụn, xương, mỡ.
4. Quy trình nuôi cấy và biệt hóa TBG sinh tinh để ứng dụng trong điều trị vô sinh ở nam giới.
5. Mô hình sử dụng TBG và tế bào biệt hóa từ TBG trong đánh giá tác dụng của thuốc.
6. Một số thuốc y học cổ truyền có tác động đến sinh trưởng, biệt hóa của TBG trên thực nghiệm.
7. Quy trình ứng dụng TBG để điều trị vết bỏng và vết thương khó liền.
8. Quy trình ứng dụng TBG để điều trị bệnh xương khớp.
9. Quy trình ứng dụng TBG để nâng cao hiệu quả điều trị một số bệnh ung thư.
10. Quy trình ứng dụng TBG để điều trị một số bệnh ở trẻ em.
Nhân Dân