Tiềm lực KH&CN Thứ sáu, 26/04/2024 , 05:13 am
Cập nhật : 30/12/2019 , 13:12(GMT +7)
Nghiên cứu, phát triển công nghệ chế tạo vật liệu có độ dẫn nhiệt cao
TS. Bùi Hùng Thắng – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Khoa học Vật liệu
Với sự hỗ trợ từ các chuyên gia người Việt Nam ở Hoa Kỳ và Đài Loan, Viện Khoa học Vật liệu đã nghiên cứu, phát triển công nghệ chế tạo vật liệu có độ dẫn nhiệt cao chứa thành phần cácbon cấu trúc nanô và ứng dụng vật liệu chế tạo được trong tản nhiệt cho một số linh kiện, thiết bị điện tử công suất lớn và đã chuyển giao thành công cho doanh nghiệp, đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

Kết quả này là một trong những “điểm sáng” về hiệu quả của việc thí điểm chính sách hỗ trợ, thu hút các chuyên gia giỏi nước ngoài về khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) về Việt Nam hợp tác với các tổ chức KH&CN – một trong những mục tiêu quan trọng Ngân hàng Thế giới và Bộ KH&CN đặt ra khi triển khai Dự án Đẩy mạnh Đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, KH&CN (FIRST).

TS. Bùi Hùng Thắng – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam – đơn vị thực hiện tiểu dự án “Nghiên cứu và phát triển công nghệ chế tạo vật liệu có độ dẫn nhiệt cao chứa thành phần cacbon cấu trúc nano và ứng dụng trong tản nhiệt cho linh kiện điện tử công suất lớn” thuộc Dự án FIRST đã có những chia sẻ về các kết quả, bài học thành công sau khi triển khai tiểu dự án. 

Đổi mới sáng tạo trong cách tiếp cận thực hiện

PV: Yếu tố đổi mới sáng tạo (ĐMST) của tiểu dự án và những giá trị tiểu dự án FIRST đem lại cho Viện là gì, thưa ông?

- TS. Bùi Hùng Thắng: Tiểu dự án 16/FIRST/1a/IMS do Viện Khoa học Vật liệu thực hiện đã tiếp cận đến yếu tố ĐMST thông qua việc tập trung nghiên cứu những vấn đề mới về ứng dụng vật liệu CNTs – Graphene trong tản nhiệt - lĩnh vực đang được thế giới quan tâm nghiên cứu. Thay vì tiếp nhận những công nghệ có sẵn từ các chuyên gia quốc tế, chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận thực hiện nghiên cứu những vấn đề mới thế giới cũng đang nghiên cứu với sự hỗ trợ của các chuyên gia giỏi nước ngoài. Cách tiếp cận này đã giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong việc tạo ra những kết quả, sản phẩm mới so với những kết quả, giải pháp đã biết trên thế giới, và đây cũng là tiêu chí quan trọng để chúng tôi được cấp bằng độc quyền sáng chế. Kết quả chúng tôi thu được không chỉ là bài báo quốc tế ISI mà còn có bằng độc quyền sáng chế và hợp tác chuyển giao kết quả nghiên cứu cho phía doanh nghiệp. 

Tiểu dự án FIRST đã đem lại cho Viện Khoa học Vật liệu nhiều lợi ích trong hoạt động ĐMST. Thứ nhất, Viện có được sự hỗ trợ của các chuyên gia giỏi nước ngoài về nhiều mặt, các cán bộ của Viện được truyền đạt những kinh nghiệm quý báu về cả chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu khoa học đến các kinh nghiệm về công bố kết quả nghiên cứu, triển khai ứng dụng. Thứ hai, với sự hỗ trợ của các chuyên gia giỏi nước ngoài, Viện đã đạt được nhiều kết quả mới về KH&CN, cụ thể là công bố khoa học quốc tế ISI và bằng độc quyền sáng chế. Thứ ba, Viện có cơ hội hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm thử nghiệm và ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào một số sản phẩm của doanh nghiệp.

PV: So với các sản phẩm cùng loại hiện nay, các sản phẩm nghiên cứu của tiểu dự án FIRSTcó ưu điểm như thế nào và đã mang lại lợi ích gì trong ứng dụng thực tế, thưa Ông?

- Tiểu dự án tập trung nghiên cứu chế tạo tạo vật liệu có độ dẫn nhiệt cao chứa thành phần cacbon cấu trúc nano do những vật liệu liệu này có độ dẫn nhiệt ưu việt, cụ thể CNTs có độ dẫn nhiệt lên đến 2.000 W/mK, Graphene có độ dẫn nhiệt lên đến 5.000 W/mK, trong khi độ dẫn nhiệt của kim loại đồng chỉ khoảng 400 W/mK. Vì vậy, khi CNTs và Graphene được đưa và phân tán tốt vào trong nền kem tản nhiệt và chất lỏng tản nhiệt, sẽ giúp nâng cao đáng kể độ dẫn nhiệt so với các vật liệu tản nhiệt thông thường.

Khi ứng dụng loại kem tản nhiệt và chất lỏng tản nhiệt này cho linh kiện thiết bị điện tử, sẽ giúp nâng cao hiệu suất, sự hoạt động ổn định cũng như kéo dài độ bền và tuổi thọ cho linh kiện, thiết bị. Viện cũng đã thành công trong việc ứng dụng vật liệu tản nhiệt nano vào đèn pha LED công suất 500W, đèn đường LED công suất từ 100 – 200W để giúp nâng cao tuổi thọ, độ bền, hiệu suất và sự hoạt động ổn định của đèn LED.

PV: Viện đã kết nối và được các chuyên gia giỏi nước ngoài hỗ trợ như thế nào khi thực hiện tiểu dự án này, thưa Ông?

- Tập thể nghiên cứu của Viện đã chủ động mời các chuyên gia giỏi nước ngoài tham gia hỗ trợ thực hiện tiểu dự án. Với những chuyên gia giỏi nước ngoài, việc liên hệ lúc đầu khá khó khăn, nhưng vì những chuyên gia trong dự án đều là nhà khoa học gốc Việt nên đơn vị đã nhận được sự nhiệt tình trong các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ. Đó chính là yếu tố quan trọng để các chuyên gia đóng góp và tạo ra sự thành công của tiểu dự án.

Tiểu dự án có sự tham gia của 2 chuyên gia gốc Việt Nam, trong đó có GS. Nguyễn Sơn Bình (Hoa Kỳ), là một nhà khoa học nổi tiếng, trong nhiều năm được bình chọn là một trong số ít nhà khoa học gốc Việt Nam có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Còn TS. Nguyễn Đức Dũng (Đài Loan) có nhiều kinh nghiệm trong quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng tại các doanh nghiệp ở nước ngoài.

GS. Nguyễn Sơn Bình (Hoa Kỳ) có nhiều đóng góp trong hoạt động nghiên cứu cơ bản chuyên sâu và học thuật, truyền đạt những kỹ năng nghiên cứu khoa học cho đến các kinh nghiệm về công bố kết quả nghiên cứu và triển khai ứng dụng, trong khi TS. Nguyễn Đức Dũng hỗ trợ nhiều hơn trong kinh nghiệm triển khai ứng dụng và phối hợp với doanh nghiệp để đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Đèn LED công suất 200W tản nhiệt bằng chất lỏng chứa thành phần Graphene/CNTs đã được chế tạo thành công

Thương mại hóa thành công kết quả nghiên cứu

PV: Viện Khoa học Vật liệu đã có được bài học, kinh nghiệm thành công như thế nào sau khi triển khai tiểu dự án, thưa Ông?

- Sau quá trình triển khai, chúng tôi rút ra được một số bài học kinh nghiệm như sau: trước hết nên tập trung vào những vấn đề nghiên cứu mới thế giới đang làm với sự hỗ trợ tối đa của các chuyên gia giỏi nước ngoài. Vì như thế sẽ có hội để tạo ra sản phẩm sáng tạo thuận lợi hơn để được cấp văn bằng sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, những vấn đề mới cần được ưu tiên lựa chọn sao có sự gần gũi với việc ứng dụng vào thực tế.

Thứ hai, cần tăng cường các hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ đối với những kết quả nghiên cứu mới đã đạt được, vì không giống như các công trình bài báo quốc tế, bằng độc quyền sở hữu trí tuệ là tài sản có giá trị, là thước đo của sự sáng tạo, căn cứ pháp lý để chuyển giao cho doanh nghiệp và là điều kiện ưu tiên để tạo sự cạnh tranh khi ứng dụng vào thực tiễn.

Thứ ba, đơn vị nghiên cứu cần kết hợp chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, vì phải kết hợp với doanh nghiệp mới tiếp cận được hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị và quy trình sản xuất, mới biết và hiểu được cần phải làm gì để nghiên cứu có thể ứng dụng được vào trong doanh nghiệp.

PV: Kết quả này có lợi ích như thế nào đối với xã hội và đã lan tỏa như thế nào? Ông có thể chia sẻ về kế hoạch phát triển các kết quả đạt được sau khi kết thúc tiểu dự án?

- Vật liệu tản nhiệt chứa thành phần cácbon cấu trúc nano có khả năng ứng dụng cao cho các linh kiện, thiết bị điện tử công suất lớn, đặc biệt là đèn LED. Việc tản nhiệt tốt sẽ giúp nâng cao độ bền, tuổi thọ, hiệu suất và hoạt động của linh kiện, thiết bị điện tử, mang lại lợi ích về kinh tế cho sản phẩm.

Chúng tôi đã thử nghiệm ứng dụng kem tản nhiệt và chất lỏng tản nhiệt chứa thành phần Gr/CNTs cho đèn pha LED công suất 500W và các đèn đường LED công suất từ 100 – 200W để giúp nâng cao tuổi thọ, độ bền, hiệu suất và sự hoạt động ổn định của thiết bị. Hiện Viện Khoa học Vật liệu và Công ty TNHH Công nghệ và Xúc tiến Thương mại HALEDCO đã tiến hành ký kết hợp đồng ứng dụng công nghệ tản nhiệt nano chứa thành phần Graphene – kết quả của tiểu dự án vào một số sản phẩm đèn LED của doanh nghiệp để đưa ra thị trường.

Ngoài ra sự lan tỏa của tiểu dự án còn được thể hiện qua việc nhiều cán bộ trong và ngoài Viện được truyền đạt những kinh nghiệm quý báu về cả chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu khoa học đến các kinh nghiệm về công bố kết quả nghiên cứu, triển khai ứng dụng.

Những kinh nghiệm này phần nào sẽ giúp các cán bộ nghiên cứu đạt được những kết quả tốt hơn trong hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng. Sau khi kết thúc tiểu dự án, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp để tiến hành nghiên cứu mở rộng ứng dụng vật liệu tản nhiệt CNTs/Graphene đến nhiều chủng loại sản phẩm khác, chẳng hạn như đèn pha LED công suất 1kW, tản nhiệt cho các vi xử lý máy tính hay các thiết bị công nghiệp khác.

PV: Ông đánh giá như nào về vai trò của việc thu hút các chuyên gia giỏi nước ngoài về hỗ trợ các tổ chức trong nước nâng cao năng lực nghiên cứu và việc thí điểm các chính sách đổi mới sáng tạo?

- Việc thu hút các chuyên gia giỏi nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ các tổ chức trong nước nâng cao năng lực nghiên cứu. Bởi đôi khi chỉ cần những trao đổi nhỏ, có một ý tưởng mới, hay có được kinh nghiệm mấu chốt nào đó cũng có thể tạo ra được những kết quả sáng tạo trong KH&CN. Vì KH&CN đòi hỏi những ý tưởng mới và sự đột phá, do vậy tập thể cán bộ nghiên cứu trong nước khi được sự hỗ trợ của các chuyên gia giỏi nước ngoài sẽ có thêm điều kiện và chất xúc tác để tạo ra được nhiều ý tưởng mới và sáng tạo, từ đó tạo ra được thành công nhiều hơn trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

PV: Hiện nay, Viện cũng như Trung tâm đã và sẽ có những giải pháp gì để thúc đẩy hoạt động ĐMST thông qua nghiên cứu KH&CN, thưa Ông?

- Hiện nay, chúng tôi đang áp dụng rất nhiều giải pháp hiệu quả và sẽ duy trì, phát triển hơn nữa nhằm thúc đẩy hoạt động ĐMST thông qua nghiên cứu KH&CN.

Thứ nhất, tăng cường và hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, trang thiết bị cho các nhóm nghiên cứu đang triển khai các nhiệm vụ KH&CN có tính ĐMST.

Thứ hai, tài trợ các đề tài của Viện trên cơ sở góp phần hình thành kết quả nghiên cứu có tính mới, tính sáng tạo và hình thành được đăng ký sở hữu trí tuệ.

Thứ ba, sẵng sàng bố trí diện tích tại Khu sản xuất thử nghiệm cho hoạt động ươm tạo, sản xuất thử nghiệm để hình thành các sản phẩm KH&CN mới và tiến đến việc thương mại hóa các sản phẩm đó.

Thứ tư, hỗ trợ kinh nghiệm, cung cấp các thông tin và tạo điều kiện để đẩy mạnh các hoạt động về đăng ký sở hữu trí tuệ.

Thứ năm, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc kết hợp với doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Quỳnh Chi (ghi)

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner