TS. Nguyễn Đắc Bình Minh, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng- Bộ KH&CN chia sẻ, anh đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài, dự án khoa học. Đặc biệt, phần lớn những đề tài, dự án này đều nằm ở những vùng nông thôn, miền núi điều kiện kinh tế khó khăn. Nhưng với TS. Minh, được đưa những thành tựu KH&CN đến với nông dân là niềm đam mê được cống hiến một phần kiến thức của mình vào nhiệm vụ phát triển nông nghiệp.
Duyên nợ với nông dân
PV: Thưa, TS. Nguyễn Đắc Bình Minh, anh có thể cho biết, cơ duyên nào khiến anh theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học? Anh có thể kể về kỷ niệm đầu tiên sâu sắc nhất khi anh quyết định theo con đường nghiên cứu khoa học không?
TS. Nguyễn Đắc Bình Minh: Từ thời sinh viên đại học tôi đã lựa chọn và gón bó với chuyên ngành về đất đai và nông nghiệp, sau khi thực hiện xong chương trình nghiên cứu sinh và có thời gian công tác gần 10 năm tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tôi chuyển về Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ vào tiếp tục theo con đường về lĩnh vực nông nghiệp, tôi luôn muốn được cống hiến một phần kiến thức của mình vào nhiệm vụ phát triển nông nghiệp. Như các bạn đã biết, Việt Nam là một đất nước nông nghiệp và chúng ta có tiềm năng to lớn, rõ ràng là chúng ta cần phải tập trung hơn nữa để hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong ngành nông nghiệp đầy tiềm năng này. Chính vì lý do đó tôi đã quyết định theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, tôi luôn đặt ra mục tiêu cụ thể cho bản thân đó là nghiên cứu khoa học thì phải áp dụng được thành quả đó vào thực tế, luôn gắn thực nghiệm với nghiên cứu lý thuyết và điều này đã giúp tôi có được niềm đam mê mạnh mẽ hơn với khoa học.
Nếu nói về kỉ niệm sâu sắc khi tôi quyết định đi theo con đường nghiên cứu này thì có lẽ chính là những lần đi thực tế tại vùng cao, những gắn bó với những dự án và chương trình về nông nghiệp từ thời sinh viên khi tôi con trong giảng đường đại học. Một trong những kỷ niệm thú vị trong quá trình tôi đang thực hiện đề tài nghiên cứu cây trồng xen trên nương cao su ở Tây Bắc. Tôi đã cùng với người phụ nữ dân tộc Mông đeo gùi và leo từ chân đến đỉnh đồi nơi khi vực trồng cây và trong khi những người đàn ông dân tộc lại không làm điều này, có lẽ là do tập quán hay thói quen của người dân tộc địa phương. Việc tự mình hòa cùng người dân ở đó đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn sự vất vả của họ và càng quyết tâm hơn để có thể phần nào cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân vùng cao.
PV: Được biết, anh là một TS khoa học trẻ tham gia nhiều đề tài nghiên cứu đối với các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa kinh tế còn khó khăn. Tại sao anh lại chọn những vùng này mà không phải là những đồng bằng có điều kiện thuận lợi khác?
TS. Nguyễn Đắc Bình Minh: Câu hát này có lẽ sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất của tôi. Trịnh Công Sơn có một câu hát rất hay mà tôi khá tâm đắc “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Theo quan niệm của tôi, nghiên cứu khoa học là để giúp phát triển nông nghiệp đất nước và muốn vậy thì việc tìm đến những nơi “khó” để biến chúng thành “dễ” sẽ cần thiết hơn rất nhiều cho một sự phát triển tổng thế. Hơn thế nữa, mong muốn lớn nhất của tôi là khai thác được tiềm năng của đất nước ta. Vùng đồi núi Việt Nam còn nghèo, còn khổ nhưng tôi cảm nhận ở nơi đây mong muốn được vươn lên mạnh mẽ, nhất là khi tiếp xúc với người dân địa phương. Họ có sức người, họ có niềm tin phấn đấu, vậy tại sao chúng ta không là người định hướng và giúp họ để đưa những vùng đó phát triển hơn.
Hiện nay tôi đang chủ nghiệm một số đề tài nghiên cứu về cây trồng xen trên nương cao su trên vùng Tây Bắc; đề tài cấp nhà nước về Nghiên cứu phát triển bền vững hệ thống rừng phòng hộ dải ven biển Bắc Trung Bộ tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Tôi cùng các đồng nghiệp tích cực tham gia vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, như quy hoạch các xã nông thôn mới, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyển giao các kỹ thuật mới, đặc biệt quan tâm đến vấn đề tổ chức sản xuất nông nghiệp nâng cao giá trị sản xuất.
Nghiên cứu là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự đam mê
PV: Để đạt được những thành tích trong nghiên cứu khoa học phải vượt qua nhiều khó khăn, anh có lời khuyên gì cho lớp nghiên cứu trẻ đam mê khoa học?
TS. Nguyễn Đắc Bình Minh: Nghiên cứu là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự đam mê. Có rất nhiều bạn trẻ hứng thú với việc nghiên cứu, họ có thể có nhiều sáng kiến, sáng tạo tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu cũng sẽ gặp những khó khăn, thử thách nhất định. Chính vì lí do đó, các bạn nên tìm tòi dần dần, tích trữ kiến thức mọi lúc mọi nơi. Cha ông ta đã có câu “tích tiểu thành đại”, hãy góp nhặt mọi thứ liên quan đến vấn đề bạn nghiên cứu trong cuộc sống hàng ngày, chịu khó đọc và tổng hợp các tài liệu, tự xây dựng một nguồn kiến thức cho bản thân thì khi bắt tay vào làm một đề tài nghiên cứu.
Một yếu tố khó khăn đặc thù đối với việc nghiên cứu khoa học chính xác định mục tiêu cụ thể và phải gắn bó sâu sắc với thực tiễn. Phải đi thực địa hay tiến hành các khảo sát tại địa phương, dựa trên nhu cầu thực tế và điều kiện cụ thể,...
TS. Nguyễn Đắc Bình Minh trong một hội nghị đầu bờ tại Tây Bắc (ảnh: H.A)
PV: Theo TS thì điều gì cần thiết nhất để các nghiên cứu viên trẻ có lòng đam mê với khoa học có điều kiện phát triển tốt nhất? Anh có dự định gì cho con đường nghiên cứu khoa học của mình trong thời gian tới?
TS. Nguyễn Đắc Bình Minh: Bên cạnh cơ chế chính sách, đãi ngộ thì theo tôi, để các nghiên cứu viên trẻ đam mê với khoa học có điều kiện phát triển tốt nhất thì cần có sự học hỏi, sự hỗ trợ, truyền đạt của những người đi trước, những người có kinh nghiệm, các chuyên gia, thậm trí là cả những người nông dân lão nông chi điền riêng trong lĩnh vực nông nghiệp. Nghiên cứu khoa học không dễ và đam mê thôi theo tôi là chưa đủ, các bạn cũng cần có kiến thức và có định hướng rõ ràng cho đam mê đó. Chúng ta cần cung cấp cho lớp trẻ thư viện kiến thức tổng hợp, tổ chức các buổi tọa đảm, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực khoa học cho các nghiên cứu viên trẻ.
Còn về dự định cho con đường nghiên cứu khoa học của tôi trong thời gian tới thì hiện tại tôi đang đảm nhiệm vị trí trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, bên cạnh các đề tài trong nước liên quan đến nông nghiệp, nông thôn mới, tôi đang hướng tới các đề tài khoa học có sự tham gia, trợ lực từ đối tác nước ngoài để có thể tận dụng tối đa sự phát triển của các nước tiên tiến có trình độ công nghệ cao hơn, áp dụng chúng hiệu quả và tích cực vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Xin chân thành cảm ơn TS Nguyễn Đắc Bình Minh!
Hoàng Anh (Thực hiện)