Tiềm lực KH&CN Thứ năm, 25/04/2024 , 09:43 pm
Cập nhật : 31/08/2015 , 18:08(GMT +7)
Nghiên cứu khoa học là cái duyên
TS. Dương Tuấn Hưng (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp tại Nhà máy alumin Lâm Đồng (Ảnh: NVCC)
Sinh năm 1982, chàng trai quê Đông Anh, Hà Nội Dương Tuấn Hưng chia sẻ niềm đam mê nghiên cứu hóa học là cái duyên đến với anh. Với sự quan tâm, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ phát huy sở trường của lãnh đạo Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, anh cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu công nghệ xử lý bùn thải và chế tạo thành công thép và các vật liệu xây dựng từ bùn đỏ sau quá trình sản xuất alumin.

Dương Tuấn Hưng tốt nghiệp khoa hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2004. Đó cũng là lúc tin vui đến với Hưng khi anh giành học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam để làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Illinois tại Urbana – Champaign, Illinois, Hoa Kỳ. Năm 2009, Hưng trở về Việt Nam với tấm bằng tiến sĩ về hóa học khi mới 27 tuổi. Năm 2010 Hưng công tác tại Phòng Hóa phân tích, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với vị trí công tác là nghiên cứu viên. 

Hưng chia sẻ, đi du học ngay sau khi tốt nghiệp đại học, rồi trở về nước làm việc, bản thân Hưng tự thấy mình chưa có trải nghiệm thực tế ở Việt Nam, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường làm việc khiến anh thấy đây thực sự là khó khăn đối với anh. Bởi vậy, 5/2011 Hưng rời viện để nhận vị trí trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Vietserve Technology, TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù có thu nhập cao nhưng Hưng thấy mình không hợp với công việc kinh doanh. 

Sau thời gian 7 tháng rời Viện Hóa học đi làm kinh doanh nhưng niềm đam mê nghiên cứu đã đưa Hưng quay trở lại Viện Hóa học vào tháng 5/2012. Từ đó đến nay Dương Tuấn Hưng đã “gắn mình” với Viện Hóa học. Hưng cho biết, lãnh đạo Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ phát huy sở trường. Anh cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu công nghệ xử lý bùn thải và chế tạo thành công thép và các vật liệu xây dựng từ bùn đỏ sau quá trình sản xuất alumin.

Với kinh phí 13,5 tỷ đồng, nhóm thực hiện đề tài "Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quy trình sản xuất alumin tại Tây Nguyên" đã hoàn thành dự án sớm hơn dự kiến một nửa thời gian, vào tháng 6/2014. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm quan và kiểm tra việc thực hiện sản xuất thử nghiệm của đề tài (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Từ nguồn nguyên liệu bùn đỏ do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cung cấp, nhóm nghiên cứu đã cùng với Nhà máy thép Thái Hưng thuộc Công ty cổ phần BCH (Hải Dương) sản xuất thử nghiệm thành công trên quy mô công nghiệp một số sản phẩm. Đó là thép mác CT5 (hơn 60 tấn so với kế hoạch ban đầu 30 tấn), sắt xốp (20 tấn), tinh quặng sắt (hơn 100 tấn, đã sử dụng 90 tấn để sản xuất sắt xốp), gạch không nung (3.000 viên, cao hơn dự kiến là 1.000 viên).

Tháng 12/2014, sáng chế “quy trình sản xuất tinh quặng sắt và sắt xốp từ bùn đỏ” của nhóm nghiên cứu đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cấp bằng Độc quyền sáng chế.

Sáng chế đề cập đến quy trình sản xuất tinh quặng sắt từ bùn đỏ bao gồm các bước: loại bỏ xút và dịch bám theo bùn đỏ để thu hồi bùn đỏ ở dạng khô và tái sử dụng xút và dịch bám theo bùn đỏ; nghiền và phối trộn bùn đỏ khô với than, vôi sống và đôlômit vảy theo tỷ lệ thích hợp; tạo cầu mẫu phối liệu đến kích thước viên từ 1 đến 3 cm; thiêu kết viên thu được trên thiết bị thiêu kết dạng băng tải bằng cách sử dụng khí dư của lò cao có hàm lượng khí CO nằm trong khoảng từ 19 đến 23% thể tích tại nhiệt độ nằm trong khoảng từ 900 đến 1000°C trong thời gian từ 10 phút đến 15 phút nhằm khống chế tỷ lệ Fe2O3/FeO nằm trong khoảng từ 0,85 đến 1,15 để chỉ hoàn nguyên oxit sắt Fe2O3 có trong bùn đỏ về dạng oxit sắt từ Fe3O4. Thứ năm là làm nguội mẫu, nghiền và tuyển từ ướt qua hệ tuyển từ kép bao gồm lô từ thứ nhất sử dụng nam châm đất hiếm và lô từ thứ hai sử dụng nam châm ferit để thu hồi tinh quặng sắt có hàm lượng tổng sắt lớn hơn 62% và hàm lượng nhôm dư nhỏ hơn 2%. 

Ngoài ra, sáng chế còn đề cập đến quy trình sản xuất sắt xốp từ bùn đỏ. Sau khi hoàn thành nghiên cứu, nhóm đã chuyển giao cho Công ty BCH lập dự án khả thi để sản xuất trên quy mô lớn.

Hiện nay, Hưng đang thực hiện dự án "Nghiên cứu chế tạo hệ thiết bị phân tích vết thủy ngân phục vụ quan trắc môi trường và kiểm soát thực phẩm" với mong muốn chế tạo được thiết bị nhỏ gọn, giúp phát hiện chính xác thủy ngân. Bởi thủy ngân là chất có độc tính cao dù với hàm lượng nhỏ, thực trạng ô nhiễm kim loại nặng hiện nay sẽ ảnh hưởng tới môi trường và chuỗi thức ăn, tác động xấu tới sức khỏe con người. 

Trong nghiên cứu khoa học, đối với Hưng điều quan tâm hơn cả là các hoạt động dành cho giới nghiên cứu còn ít, hiện các sinh hoạt khoa học mỗi năm chỉ có một đến hai lần. Điều đó khiến những tiến sĩ trẻ như Hưng cảm thấy ít có điều kiện kết nối và trao đổi với những người cùng làm nghiên cứu khoa học.

Phương Nga

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner