Khoa học và công nghệ được coi là “chìa khóa” để ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước vùng nuôi thủy sản, trồng trọt ven biển để từ đó đưa ra các giải pháp khai thác thích hợp, hạn chế rủi ro do hạn mặn cho khu vực này.
Đây là kết quả của đề tài KH&CN cấp Quốc gia (KC08-25/16-20) “Nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế rủi ro thiên tai (hạn mặn) vùng nuôi thủy sản, trồng trọt ven biển ĐBSCL” mã số KC.08.25/16-20 thuộc chương trình: Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai (KC.08) do GS.TS Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam làm chủ nhiệm. Đề tài đã được Bộ KH&CN tổ chức nghiệm thu và được Hội đồng đánh giá loại xuất sắc trong buổi nghiệm thu vào tháng 7/2021 vừa qua
Xác định được các yếu tố chính tác động đến nguồn nước ven biển ĐBSCL
Trong những năm qua, nhất là sau các năm hạn nghiêm trọng gần đây, nhiều nghiên cứu về ĐBSCL đã được triển khai, trong đó có một số nghiên cứu về nguồn nước và xâm nhập mặn. Các nghiên cứu đã đi vào một số vấn đề nguồn nước, nhất là trong mùa khô, cùng với các mô hình sản xuất. Tuy vậy, chưa có nghiên cứu đánh giá toàn diện về nguồn nước cho cả hiện tại và tương lai của ĐBSCL nói chung và vùng ven biển nói riêng. Trước thực tế đó, Bộ KH&CN giao Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam chủ trì thực hiện đề tài trên.
Với mục tiêu đánh giá được diễn biến nguồn nước, chất lượng nước vùng mặn lợ ven biển ĐBSCL, theo không gian và thời gian (theo các mùa vụ); Đề xuất được các vùng tiềm năng và vùng thích hợp cho nuôi thủy sản (tôm,...) và trồng trọt nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai cho vùng mặn lợ, Đề tài đã dùng các phương pháp nghiên cứu như khảo sát điều tra thực tế và thí nghiệm; chuyên gia (tham khảo tài liệu, chuyên gia, tham vấn, hội thảo); phân tích thống kê, xác suất; mô hình hóa. Qua đó, đã xác định được các yếu tố chính tác động đến nguồn nước ven biển ĐBSCL, bao gồm dòng chảy thượng lưu về Đồng bằng, triều biển, sử dụng nước trên Đồng bằng (lấy nước phục vụ kinh tế xã hội, xả thải), địa hình (lún, biến đổi lòng dẫn).
GS.TS. Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam - Chủ nhiệm đề tài
GS.TS. Tăng Đức Thắng - Chủ nhiệm đề tài cho biết, theo nghiên cứu, chất lượng nước trên sông Cửu Long và các vùng gần sông, cửa sông hiện còn tốt. Tuy nhiên, ở các vùng xa sông, gần biển, cuối các vùng ngọt hóa, chất lượng nước bị suy giảm, nhiều vùng không đạt các QCVN 08.2015. Với việc suy giảm lũ trong hiện tại và tương lai, phần thượng ĐBSCL (vùng ngập lũ thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long) cần điều chỉnh lại mô hình canh tác theo hướng chủ động sản xuất quanh năm.
Từ đó, đề tài đã xác định các vùng thích hợp chuyển đổi sản xuất, hướng chính vẫn là chuyển từ sinh thái ngọt (trồng trọt) sang mặn/lợ (hoặc lợ-ngọt luân phiên). Đồng thời, thiết kế hạ tầng cho 2 vùng chuyển đổi là vùng ngọt ven biển Đông (phía bắc Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu) và vùng ngọt ven biển Tây (huyện Hòn Đất, Kiên Giang).
Các kết quả trên tạo ra các phương pháp, cách thức mới trong việc đánh giá về chế độ nguồn nước Mê Công và ĐBSCL, tạo thuận lợi khai thác tài nguyên đất - nước ven biển.
Đề tài có ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn cao
Với những kết quả đáng ghi nhận, giải pháp công trình phục vụ cho đảm bảo nguồn nước vùng ven biển của đề tài đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào kế hoạch xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất ĐBSCL giai đoạn trung hạn 2021-2025, bao gồm: Dự án Thủy lợi tổng hợp Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu; Cụm công trình Tắc Thủ đảm bảm nguồn nước cho vùng Bắc Cà Mau; Đề xuất xây dựng trạm bơm điện Đại Ngãi cấp nước bổ sung cho vùng Long Phú - Trần Đề tỉnh Sóc Trăng.
Bộ công cụ mô hình thủy động lực ĐBSCL và phương pháp dự báo dòng chảy thượng lưu do đề tài xây dựng, đã được Bộ NN&PTNT sử dụng để chỉ đạo sản xuất ở ĐBSCL hằng năm. Đặc biệt, mô hình dự báo nguồn nước đã được sử dụng rất hiệu quả trong dự báo hạn mặn, với độ tin cậy cao, trong mùa hạn mặn lịch sử 2019-2020, giúp Chính phủ, Bộ NN&PTNT chỉ đạo chống hạn mặn thành công. Trong đó, đóng góp chính là mô hình đã dự báo hạn mặn rất sớm, từ tháng 9/2019, giúp Bộ NN&PTNT và địa phương dịch chuyển lịch canh tác vụ Đông Xuân gần 1 tháng ở vùng ven biển, nhờ đó tránh được hạn mặn.
Ngoài ra, kết quả của đề tài phục vụ cho Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam báo cáo Ban Kinh tế Trung ương (2020), Ủy ban Khoa học và công nghệ Môi trường Quốc hội (2020), Ủy ban đối ngoại Quốc hội (2020), Chiến lược phát triển ĐBSCL (Bộ NN-PTNT báo cáo TW Đảng, 2020); Bộ Kế hoạch Đầu tư (Tư vấn, đánh giá Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL theo NQ 120/NQ-CP, năm 2020, 2021).
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đã đánh giá cao kết quả sản phẩm của nhóm nghiên cứu cả về số lượng, khối lượng và chất lượng khoa học, hội đồng cũng đóng góp thêm các ý kiến cụ thể để đề tài chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện các nội dung sản phẩm nghiên cứu sau nghiệm thu với chất lượng tốt nhất để giao nộp sản phẩm cho các cơ quan quản lý theo quy chế quản lý khoa học công nghệ.
GS.TS. Trần Thục, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả đề tài. GS.TS. Trần Thục nhấn mạnh, đây là đề tài có ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn cao, đề tài đã thực hiện khối lượng nghiên cứu rất lớn, tổng thể từ thượng lưu sông Mê Công ra các vùng ven biển, một số sản phẩm vượt trội cả về số lượng và chất lượng khoa học tốt.
Bài, ảnh: Huyền Minh