Hướng tới ngày KH&CN Việt Nam 18-5 Thứ sáu, 29/03/2024 , 09:10 am
Cập nhật : 13/05/2014 , 13:05(GMT +7)
Ngày hội lớn của các nhà khoa học
GS.VIỆN SĨ NGUYỄN VĂN HIỆU
Năm nay, lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ (KH - CN) tổ chức Ngày KH và CN trên quy mô toàn quốc theo quy định Luật KH và CN sửa đổi năm 2013. Đây là niềm vui, niềm tự hào vì Đảng, Nhà nước đã đặt niềm tin và đánh giá cao sự cống hiến, đóng góp của giới khoa học trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Đất nước. Nhân sự kiện này, là nhà khoa học tôi mong muốn KH - CN thực sự là quốc sách, là động lực phát triển KT - XH.

Như chúng ta đã biết, sự phát triển của một thời đại, một đất nước phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng nhân tố quyết định vẫn là con người và KH - CN. Nếu không nhận rõ vai trò quyết định của KH - CN, mọi viêc làm đều vô ích. Lấy ví dụ đơn giản: Chúng ta sẽ không có Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu cách đây 60 năm, nếu không có sự lãnh đạo thiên tài của Đảng, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân, kết hợp với pháo cao xạ 37 ly, đại bác 105 ly, các dàn đại pháo nhiều nòng “Cachiusa”. Trong Nông nghiệp, trước năm 1986, Việt Nam vẫn thiếu lương thực, đói ăn, nhưng nhờ có cuộc “cách mạng xanh” - thay giống lúa Chiêm bằng giống lúa Xuân và cơ chế “khoán 10”,  đến nay chúng ta đã đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Vì vậy, muốn thành công trong tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam cần nhận thức rõ vai trò quyết định của KH - CN. Từ lãnh đạo cao cấp, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, đến các nhà khoa học, các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân hãy cùng nhau hành động để thực hiện tốt một số đổi mới cơ bản trong luật KH - CN (sửa đổi) năm 2013.

Bên cạnh đó, phải tạo sự đột phá về xây dựng đội ngũ KH - CN. Phải có đột phá trong chiến lược tập hợp, thu hút và đào tạo nhân tài. Có người nói vì điều kiện kinh tế khó khăn nên ta không lôi cuốn được người tài hoặc nước ta có ít nhân tài, lại có nhiều tiến sỹ giấy, bằng dởm… Liệu thực hư ra sao? Trong lịch sử và hiện tại, Việt Nam không hiếm người tài, chúng ta có nhà bác học Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, đại thi hào Nguyễn Du. Khi kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, kinh tế ta còn khó khăn gấp bội, nhưng Bác Hồ (năm 1946) vẫn mời được các nhân tài như Gs. Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Bác sỹ Trần Hữu Tước, sau này là GS Tạ Quang Bửu, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ... Hiện nay ta có Gs Đặng Thái Sơn, đoạt giải Chopin về Piano, Gs Ngô Bảo Châu đoạt giải Toán học Quốc tế (tương đương với giải Nobel) và hàng trăm học sinh đoạt giải quốc tế...

Phải tạo đột phá trong hệ thống tổ chức, cơ sở vật chất đủ mạnh và hiện đại. Cần thống nhất trên toàn quốc hệ thống tổ chức KH - CN công lập, gọn, nhẹ theo nhu cầu của sản xuất, đời sống, xã hội và quốc phòng. Các cơ sở giáo dục đại học là tổ chức KH - CN sẽ đăng ký hoạt động KHCN. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp KH - CN và tổ chức KH - CN ngoài công lập.

Đồng thời phải tạo đột phá trong công tác quản lý KH - CN. Tạo đột phá trong việc đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH - CN. Mô hình đặt hàng đối với tổ chức KH - CN được coi là phương thức tối ưu nhằm gắn mục tiêu của nghiên cứu KH - CN với những vấn đề thực tiễn. Cần có những cải cách cơ bản trong việc kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu các đề tài và dự án KH - CN gắn với nghiệm thu sản phẩm cuối cùng bằng các Hội đồng chuyên sâu và các chuyên gia độc lập. Cần tạo đột phá trong cơ chế đầu tư và tài chính: Kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH - CN được cấp thông qua quỹ phát triển KH - CN quốc gia và các quỹ phát triển KH - CN của các bộ, ngành, các địa phương và các cơ sở nghiên cứu. Huy động tối đa kinh phí ngoài ngân sách, từ các doanh nghiệp và quốc tế. Quy định việc áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ KH - CN,  khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.

Ngoài ra, còn tạo đột phá trong chuyển giao kết quả nghiên cứu KH - CN. Người ta hay nói kết quả nghiên cứu khoa học để “ngăn kéo”. Thực tế cũng có hiện trạng như vậy. Nhưng cần tìm cho ra nguyên nhân tại đâu? Ví dụ trong nông nghiệp, chúng ta cũng đã có giống lúa lai nhãn hiệu Việt Nam, nhượng bản quyền hàng chục tỷ đồng, thậm chí có giống bán cho công ty nước ngoài, hàng năm, chúng ta chủ động sản xuất được hàng triệu tấn hạt giống lúa thuần, bảo đảm cho trên 7 triệu hecta trồng lúa của nước ta, chúng ta cũng đã có những giống, gạo bán được 600 USD/1 tấn, trong khi giá gạo bình quân của ta chỉ đạt dưới 400 USD/tấn, gần đây chúng ta đang có giống lúa japonica - hạt tròn có thể xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, năng suất đạt từ 6 - 8 tấn/ha, ta có giống ngô đạt 8 - 10 tấn/ha, nhưng năng suất ngô bình quân cả nước chỉ đạt 4,3 tấn/ha, ta có giống đậu tương đạt 3 - 3,5 tấn/ha, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt 1,5 tấn/ha, ta có giống lạc đạt 4 - 5 tấn/ha, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt 2 tấn/ha... Vậy vấn đề ở chỗ không phải do không có giống tốt mà do tổ chức sản xuất kém, hệ thống chuyển giao công nghệ không đồng bộ, không theo chuỗi ngành hàng, công nghệ sau thu hoạch kém. Trong khi ở Australia họ chỉ trồng 100 nghìn hecta với 1 giống lúa, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm, xuất khẩu cho 60 nước, thu về 1 tỷ USD. Giá trị 1ha trồng lúa là 10.000 USD/ha.

Như vậy, chúng ta hãy đoàn kết lại, bản thân nhà quản lý, các nhà khoa học phải nhìn lại mình, gắn KH - CN với thực tiễn. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam hãy phát huy vai trò tập hợp đội ngũ trí thức cả nước làm tốt vai trò phổ biến KH - CN, tư vấn, phản biện, Bộ KH và CN làm tốt vai trò quản lý KH - CN. Cụ thể, Luật KH và CN sửa đổi năm 2013 đã quy định Bộ KH và CN với các quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng trong việc toàn quyền hoạch định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH - CN 5 năm và nhiệm vụ KH - CN cấp quốc gia hàng năm. Đề xuất dự toán chi sự nghiệp KH - CN để Bộ tài chính tổng hợp, dự toán chi đầu tư phát triển KH - CN. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, bao gồm cơ cấu, tỷ lệ chi; quản lý, giám sát sử dụng hiệu quả kinh phí trên toàn quốc.

Cuối cùng, kiến nghị Chính phủ xây dựng “Đề án đưa cán bộ khoa học, đặc biệt các cử nhân, kỹ sư mới ra trường về nông thôn” để đồng hành cùng bà con nông dân xây dựng nông thôn mới, đưa Việt Nam trở thành “cường quốc nông nghiệp” trong tương lai gần. Hãy để cho Ngày khoa học công nghệ hàng năm trở thành ngày hội “Diên hồng” của mọi tầng lớp làm khoa học và chuyển giao công nghệ, để KH - CN thực sự trở thành động lực trực tiếp phát triển KT - XH.

GS.TSKH.VIỆN SĨ ĐẶNG VŨ MINH: Việc tổ chức Ngày KH và CN hàng năm sẽ làm cho mọi người có dịp hiểu thêm về ngành KH - CN nước nhà.

Hầu hết các ngành đã có ngày truyền thống, song ngành KH - CN thì chưa có. Luật KH và CN sửa đổi lần đầu tiên lấy ngày 18.5 là Ngày KH và CN. Đây là sự động viên và cổ vũ rất lớn đối với tất cả người đang làm công tác nghiên cứu và triển khai KH - CN trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ sở sản xuất  cũng như đối với những người làm công tác tập hợp và đoàn kết trí thức KH - CN trong các hội thành viên của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trên cả nước. Tôi hy vọng rằng nhân ngày KH - CN, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mọi người sẽ có dịp hiểu thêm về ngành KH - CN nước nhà, về những thành tựu mà nền KH - CN đã đạt được cũng như những thách thức mà ngành KH - CN còn đang gặp phải. Tôi cũng mong rằng  việc tổ chức ngày KH - CN hàng năm sẽ làm cho các bạn trẻ lựa chọn nghề nghiệp có liên quan đến  KH - CN, góp phần phát triển đội ngũ trí thức KH - CN ở nước ta.

Tuy nhiên, để KH - CN thực sự trở thành quốc sách, là động lực phát triển KT - XH, một mặt phải quan tâm đến việc đào tạo một đội ngũ cán bộ KHCN có đức, có tài, có khả năng giải quyết những vấn đề KH - CN xuất hiện trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Mặt khác phải đầu tư thích đáng cho KH - CN theo những hướng trọng điểm có vai trò quyết địnth đến sự phát triển của đất nước. Đồng thời phải có một cơ chế quản lý KH - CN phù hợp, tạo điều kiện động viên, khuyến khích những người có tài đem hết trí tuệ và sức lực của mình cống hiến cho đất nước.

GS.VIỆN SĨ NGUYỄN VĂN HIỆU: Phải nhanh chóng thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 trong lĩnh vực đào tạo người trẻ.

Mặc dù Đảng và Nhà nước luôn khẳng định KH - CN cùng với giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, tuy nhiên trong thực tế khi triển khai thì KH - CN chưa được nhìn nhận một cách toàn diện. Để KH - CN trở thành quốc sách hàng đầu, thực sự trở thành động lực phát triển KT - XH phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ như về cơ chế, chính sách đầu tư. Thực tế vẫn còn nhiều nhà khoa học trẻ đang làm việc ở nước ngoài vẫn đam mê, tâm huyết với nền khoa học nước nhà. Tuy nhiên, họ đang gặp những “rào cản” khiến chưa thể phát huy hết khả năng của mình để về nước cống hiến được. Vì vậy, tôi đề nghị phải nhanh chóng thực hiện triệt để Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI), ít nhất là trong lĩnh vực đào tạo người trẻ.

GS.TS, ANH HÙNG LAO ĐỘNG VÕ TÒNG XUÂN: Tôi hy vọng, từ đây mọi công dân Việt Nam sẽ quan tâm đến khoa học và hành động theo khoa học

Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày KH và CN, đây là sự kiện đáng mừng, khẳng định vai trò quan trọng của KH - CN trong sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. Tôi hy vọng, từ đây mọi công dân Việt Nam sẽ quan tâm đến khoa học và hành động theo khoa học.

Đất nước ta đang trong giai đoạn hội nhập nền kinh tế thế giới nên rất cần nhiều sáng kiến đổi mới trong tất cả các lĩnh vực. Đây là điều kiện tiên quyết cho đất nước ta vươn lên tầm cao trong thế giới. Đảng và Nhà nước luôn nêu cao mục tiêu này, nhưng cả hệ thống của chúng ta không được tổ chức để thực hiện mục tiêu đó một cách hợp lý cho nên nhiều nhân tài và nhiều ý tưởng hay được ấp ủ và đam mê của giới trẻ đã và đang bị bỏ phí, thay vào đó là những sự chụp giật, xin cho... của những cá nhân thân thế, bất tài. Nếu điều này cứ tiếp tục, và thiếu vắng chương trình quốc gia “nâng cao năng lực cạnh tranh” thì đất nước ta khó đi lên tầm cao trong thế giới. Tôi cũng xin nói thêm, cần phải hiểu, thông cảm, song hành, tiếp sức cho các nhà khoa học trẻ. Không để xảy ra tình trạng người có tài mà không được sử dụng. Việc “chảy máu chất xám” là vấn đề lớn, nhà nước nên có những quyết sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, tạo điều kiện và môi trường tốt cho người trẻ nghiên cứu khoa học. Khi phát hiện được những công trình nào có hiệu quả, có thể ứng dụng thì nên đầu tư làm, đừng để bị mai một.

 

Nguồn tin: Đại biểu nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner