Hiện, có rất nhiều ngành khác hấp dẫn hơn nghiên cứu khoa học. Các bạn trẻ hiện cũng rất thực dụng, họ muốn có một công việc thu nhập cao, không gò bó, vui vẻ thoải mái; trong khi đấy, nghiên cứu khoa học giống như ông bà già con mọn, suốt ngày cặm cụi trong phòng thí nghiệm, biệt lập với đời sống bên ngoài. Vì vậy, cần khơi dậy niềm tin và đam mê nghiên cứu khoa học cho giới trẻ và Nhà nước cần tiếp tục đưa ra những quyết sách mạnh mẽ đãi ngộ và xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn thu hút giới trẻ nghiên cứu khoa học - GS. TSKH Nguyễn Thu Vân chia sẻ như vậy nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
- Tới đây, lần đầu tiên chúng ta tổ chức Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Là một nhà khoa học, Bà có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về sự kiện này?
GS. TSKH Nguyễn Thu Vân: Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần đầu được tổ chức là một sự kiện quan trọng. Đáng ra, hoạt động này cần phải được tổ chức từ lâu rồi. Mặc dù, các nhà khoa học chân chính nghiên cứu và cống hiến cho xã hội, đất nước không đòi hỏi cần phải tôn vinh hay giải thưởng gì. Đích đến cuối cùng khi bắt tay vào nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học chân chính là các nghiên cứu, sản phẩm, ứng dụng của mình làm ra có lợi ích cho khoa học, cộng đồng, đất nước.
Việc tổ chức Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một sáng kiến thú vị để các nhà khoa học có dịp gặp gỡ nhau, cùng nhìn lại chặng đường đã qua, tôn vinh một số nhà khoa học, một số công trình tiêu biểu. Tôi nghĩ, đây cũng là dịp để tôn vinh nội lực của KHCN Việt Nam, người Việt Nam rất giỏi nhưng cũng còn thiếu thốn nhiều để đạt được các thành tựu như các quốc gia khác. Việc tổ chức sự kiện này cũng là công bằng hơn đối với đội ngũ những người làm khoa học trong các lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, cùng làm trong ngành y, trong khi bác sỹ được tôn vinh trong khi các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực y khoa thì lại không.
Đồng thời, Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng là dịp để người quản lý lĩnh vực này và các nhà khoa học nhìn nhận, đánh giá về những điều chưa được. Từ đó, có được những biện pháp, cách đi để tăng cường tính hiệu quả, sáng tạo trong nghiên cứu, phát triển KH-CN. Đặc biệt là vấn đề, chúng ta bỏ ra số tiền lớn dành cho nghiên cứu khoa học nhưng tính hiệu quả lại chưa cao. Chúng tôi đánh giá cao những đột phá mới, tạo hành lang thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Tuy nhiên, từ luật đến các văn bản dưới luật và thực thi trong cuộc sống còn là khoảng rất dài. Thực sự, khi thực hiện một đề tài thì cơ chế tài chính hiện hành quá khủng khiếp!
- Thưa Bà, trong lĩnh vực y học, Việt Nam đã sản xuất được hơn 10 loại vaccine. Đây cũng chính là những thành quả nghiên cứu khoa học đáng trân trọng thể hiện khả năng công nghệ của Việt Nam?
GS. TSKH Nguyễn Thu Vân: Kể từ loại vaccine đầu tiên được sản xuất từ những năm 1960 đến nay, Việt Nam đã sản xuất và cung ứng được 10 loại vaccine phòng các bệnh lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong đó, vaccine sởi được sản xuất nhờ chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản.
Những năm qua, chủ yếu trẻ em vẫn được tiêm chủng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng do Chính phủ tổ chức, miễn phí cho trẻ dưới 5 tuổi. Chương trình tiêm chủng được triển khai từ những năm 50 của thế kỷ trước, ban đầu vaccine được nhập ngoại. Dần dần, với sự nỗ lực của các nhà khoa học, cơ quan quản lý và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, chúng ta đã chế tạo thành công nhiều loại vaccine và đưa vào sử dụng thay thế dần các loại vaccine nhập ngoại. Hiện chúng ta đã chế tạo được vaccine 4 trong 1, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B. Vaccine sản xuất trong nước không chỉ sử dụng cho các Chương trình tiêm chủng mở rộng mà đã được cung cấp ra ngoài thị trường.
- Có một thực tế là tình trạng rất nhiều đề tài, dự án khoa học của nước ta cất ngăn kéo, sự liên kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp còn rất yếu. Là đơn vị thành công trong việc đưa các kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án vào ứng dụng, thương mại hóa, mang lại hiệu quả cao, Bà có thể cho biết kinh nghiệm của mình?
GS. TSKH Nguyễn Thu Vân: Đây là một trong những vấn đề của KH-CN Việt Nam những năm qua. Nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền cho các đề tài nghiên cứu khoa học nhưng tính ứng dụng và hiệu quả lại chưa cao. Đối với đơn vị chúng tôi, các đề tài nghiên cứu thành công, tạo ra sản phẩm, được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống không phải là kết quả của sự hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, mà do công ty tự nghiên cứu, đưa vào sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa.
Có một tâm lý rất thật là các doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào kết quả nghiên cứu của các cơ sở nghiên cứu. Chúng tôi cũng đã có đôi lần hợp tác với mong muốn được chuyển giao kết quả nghiên cứu của các cơ sở nghiên cứu. Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn, không thỏa mãn được yêu cầu. Các nghiên cứu này có thể đáp ứng được yêu cầu về nghiên cứu. Nhưng đối với yêu cầu đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp thành các sản phẩm thương mại hóa thì chưa ổn. Tôi nghĩ, đây là lý do chính của tình trạng các nhà khoa học và doanh nghiệp chưa bắt tay hợp tác với nhau.
Thứ nữa, tôi cho rằng, ngay cả các nhà khoa học nghiên cứu ra các sản phẩm của mình cũng không hoàn toàn tin tưởng vào các sản phẩm của mình nên họ không tiếp cận doanh nghiệp. Nếu các sản phẩm của họ thực sự có tính ứng dụng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì sẽ có sự bắt tay với các doanh nghiệp. Theo tôi, chất lượng của các kết quả nghiên cứu, dù đó là đề tài cấp nhà nước, đề tài cấp bộ, đề tài cấp cơ sở của các viện, trường của chúng ta nhìn chung chưa đạt được mức yêu cầu và mong muốn của các doanh nghiệp. Chỉ đạt được ở mức lý thuyết, còn việc đưa ra sản xuất hàng loạt và thương mại hóa lại là cả vấn đề.
Đối với đơn vị của chúng tôi, tất cả các dự án sản xuất vaccine đều là các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, được nhà nước cấp ngân sách. Khi nghiên cứu thành công thì được đưa vào ứng dụng và sản xuất cung cấp cho các chương trình tiêm chủng mở rộng và thị trường. Là đơn vị tự nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường nên chúng tôi hiểu được thị trường cần cái gì, mình cần phải làm cái gì, và đi theo hướng nào. Để sản phẩm được sản xuất, thì các yêu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn là gì, từ đó mới có thể đưa ra thị trường. Vấn đề của các đề tài, dự án kết quả nghiên cứu của chúng ta là thiếu tính khả thi để có thể ứng dụng và thương mại hóa.
- Theo Bà, làm thế nào để có thể thắp ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ?
GS. TSKH Nguyễn Thu Vân: Muốn thế hệ trẻ ngày nay đi theo các bậc tiền bối, say mê nghiên cứu khoa học, lấy lại tinh thần một thời là rất khó. Hiện, có rất nhiều ngành khác hấp dẫn hơn nghiên cứu khoa học. Các bạn trẻ hiện cũng rất thực dụng, họ muốn có một công việc thu nhập cao, không gò bó, vui vẻ thoải mái; trong khi đấy, nghiên cứu khoa học giống như ông bà già con mọn, suốt ngày cặm cụi trong phòng thí nghiệm, biệt lập với đời sống bên ngoài. Chưa kể, kết quả đầu ra không phải lúc nào cũng thành công. Trong đơn vị chúng tôi, tôi cứ nói với các em các cháu rằng, mỗi người mà tham gia nghiên cứu, cho ra được một loại vaccine được sử dụng chữa bệnh là thành công lớn rồi.
Để giới trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, cần phải đưa ra chế độ đãi ngộ hấp dẫn, tương xứng đối với các nhà khoa học. Cụ thể là các chế độ về lương bổng, về điều kiện làm việc gồm trang thiết bị, sự liên kết quốc tế. Cùng với đó là vấn đề đào tạo, chế độ chính sách, làm sao xây dựng một môi trường làm việc chung hấp dẫn. Chúng ta cần phải nghiên cứu và đưa ra các chính sách đủ sức hấp dẫn người trẻ và người tài vào nghiên cứu khoa học.
Chúng ta thường nói đến tình trạng chảy máu chất xám, hay việc các bạn trẻ ra nước ngoài học tập lại thường ở đó làm việc, nghiên cứu mà không trở về quê hương. Lý do là bởi môi trường làm việc của các nước hấp dẫn. Các bạn trẻ ở đó được lương cao, có thầy giỏi hướng dẫn, cho mình độc lập nghiên cứu và giao việc cụ thể, bắt buộc báo cáo công việc cụ thể, rõ ràng. Trong khi, những điều này ở Việt Nam còn rất hạn chế. Khoa học là động lực của phát triển, là sức mạnh của đất nước trong tương lai, những gì cần cho khoa học cần phải được nhanh chóng đáp ứng. Ngay như hiện nay, việc cung ứng tất cả nguồn lực, vật lực cho nghiên cứu khoa học chưa đạt yêu cầu, chưa tạo sự hấp dẫn và lôi cuốn các nhà khoa học cống hiến đời mình cho nghiên cứu khoa học.
- Xin cám ơn Bà!