Năm 2012 được coi là năm đẩy mạnh thực hiện đề án đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ (KHCN). Phóng viên Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về những hoạt động của Bộ Công Thương xung quanh đề án này.
Thưa Thứ trưởng, năm 2012 được coi là năm đẩy mạnh đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức KHCN. Ngành công thương sẽ triển khai nhiệm vụ này như thế nào?
Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động KHCN là một chủ trương lớn của Chính phủ và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai từ năm 2004 tại “Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 171/2004/QĐ-TTg ngày 28/9/2004, tuy nhiên, kết quả đạt được trong những năm qua vẫn còn khá hạn chế. Vì vậy, tại Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 25/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ cho giai đoạn 2011-2015 là phải tiếp tục đổi mới một cách mạnh mẽ, cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý và hoạt động KHCN. Hiện nay, đề án đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Trong đề án, việc đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức KHCN theo hướng đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là một trong trong các nhiệm vụ quan trọng. Bộ Công Thương hiện là một trong các Bộ đi đầu trong việc này. Hiện nay, trong số 24 viện nghiên cứu trực thuộc Bộ và các tập đoàn, tổng công ty, trừ 2 viện hoạt động trong lĩnh vực chiến lược, chính sách không thuộc diện phải chuyển đổi, tất cả các viện đều đã chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Trong thời gian tới, khi đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ tích cực triển khai các nhiệm vụ được phân công. Bộ sẽ quan tâm chỉ đạo các viện phát huy, nhân rộng các kết quả tích cực đã đạt được, xem xét xử lý, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ để các viện đang gặp khó khăn phát triển tốt hơn.
Riêng việc đổi mới trong quản lý tài chính, giao nhận các đề tài, lập kế hoạch đặt hàng các nhiệm vụ cho các đơn vị sẽ được Bộ Công Thương triển khai ra sao, thưa Thứ trưởng?
Đổi mới cơ chế trong quản lý tài chính, giao nhận các đề tài, lập kế hoạch đặt hàng các nhiệm vụ là một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong dự thảo đề án. Theo đó, Nhà nước sẽ tăng cường đặt hàng các nhiệm vụ KHCN, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa cán bộ quản lý KHCN và các chuyên gia, cán bộ chuyên môn của các Bộ, ngành, lĩnh vực sản xuất để xác định vấn đề/sản phẩm cần có sự đầu tư, hỗ trợ.
Trong Bộ Công Thương, ngoài cách làm truyền thống là các nhiệm vụ nghiên cứu được lựa chọn từ đề xuất của các đơn vị thông qua tư vấn của hội đồng tư vấn KHCN do Bộ thành lập, Bộ sẽ xem xét giành một tỉ lệ kinh phí nhất định để đặt hàng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Các nhiệm vụ này là những vấn đề do thực tế hoạt động sản xuất của các DN gặp phải, đặt ra cho KHCN giải quyết hoặc những vấn đề xuất phát từ yêu cầu của công tác quản lý nhà nước của ngành công thương và sẽ được lựa chọn thông qua làm việc cụ thể với các DN.
Nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề đặt ra cho bất kỳ ngành nào, đối với ngành công thương, lộ trình đào tạo nguồn nhân lực cho các viện, trường, DN KHCN sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Để thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vai trò và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học của ngành là hết sức quan trọng. Do đó, hàng năm, Bộ Công Thương đều xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo bồi dưỡng và giao nhiệm vụ cho các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ chủ động xây dựng, tích cực triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, đào tạo bồi dưỡng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực của ngành. Đồng thời, Bộ chỉ đạo các cơ sở nghiên cứu khoa học và cơ sở đào tạo tạo điều kiện cho cán bộ viên chức chuẩn bị các điều kiện cần thiết, trước hết là trình độ ngoại ngữ để tham gia vào đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ theo Đề án 165, chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở trong nước; Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lý, bao gồm đào tạo mới, đào tạo bồi dưỡng... Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở được phép đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ cần đặc biệt chú trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, huy động các nguồn lực cho phát triển nhân lực chất lượng cao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương có liên quan xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích đối với nhân tài.
Việc xây dựng thị trường công nghệ là một trong những mục đích quan trọng mà tất cả các hoạt động KHCN đang hướng tới. Vậy thời gian qua, những thay đổi căn bản về hoạt động KHCN đã ảnh hưởng như thế nào đến Đề án phát triển thị trường công nghệ, thưa Thứ trưởng?
Bộ Công Thương là Bộ quản lý nhiều ngành sản xuất công nghiệp, do đó nhu cầu về đổi mới, cải tiến công nghệ, phát triển các sản phẩm mới trong các DN rất lớn. Các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Bộ hàng năm thường thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu KHCN, trong đó, có nhiều kết quả nghiên cứu được đánh giá cao, có triển vọng chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất. Hầu hết các viện của Bộ Công Thương đã được chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ của Bộ Công Thương ngày càng gắn với nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, trong nhiều năm qua, các đơn vị trong ngành cũng tham gia tích cực các hội chợ công nghệ techmart hàng năm do Bộ KHCN tổ chức.
Với những hoạt động đó, tôi cho rằng, hoạt động KHCN của ngành công thương đã và sẽ đóng góp tích cực vào thành công của "Đề án phát triển thị trường công nghệ"đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 214/2005/QĐ-TTg ngày 30/8/2008./.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!