Tiềm lực KH&CN Thứ sáu, 26/04/2024 , 02:48 pm
Cập nhật : 22/01/2015 , 22:01(GMT +7)
Ngành công nghiệp vi mạch: Nhìn lại hai năm và những thách thức cần vượt qua
PTN tại Trung tâm R&D thuộc Khu CNC TP.HCM được đầu tư 10 triệu USD, nơi quy tụ nhiều dự án vi mạch
Khẳng định vị thế của ngành công nghiệp vi mạch không chỉ tại khu vực mà còn trên thế giới, bắt đầu thương mại hóa sản phẩm chip trong các lĩnh vực của cuộc sống như giao thông, điện lực, nông nghiệp… Đó là thành tựu rất đáng tự hào của Chương trình Phát triển vi mạch T.P HCM (Chương trình) sau 2 năm triển khai. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đặt ra, còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần mà Chương trình cần vượt qua.

“Quả ngọt đầu tiên sau hai năm gieo trồng”

Sau hai năm triển khai, Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch tại T.p HCM đã đứng thứ 3 Đông Nam Á. Chương trình được thành lập từ năm 14/12/2012 với gồm các đề án: đào tạo nhân lực vi mạch; ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và hệ thống nhúng; phát triển thị trường vi mạch điện tử; thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch; nghiên cứu xây dựng, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp vi mạch T.p HCM; hai dự án Design house và xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch. Các Chương trình được liên kết với các chương trình phát triển công nghệ của quốc gia như phát triển sản phẩm quốc gia, phát triển công nghệ cao, đổi mới công nghệ… Chương trình sẽ xây dựng quy trình khép kín và đồng bộ cho ngành công nghiệp vi mạch T.p HCM với các khâu đào tạo, thiết kế, chế tạo chip và sản xuất ứng dụng, kinh doanh và quảng bá sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tình hình phát triển của đất nước. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân: “Thời gian 2 năm chưa dài nhưng  bước đầu tạo ra sản phẩm đã cho chúng ta niềm tin về ngành công nghiệp vi mạch TP HCM có triển vọng phát triển rất tốt”.

Có thể ghi nhận, sản phẩm chủ lực của Chương trình sau 2 năm đó là Chip SG8V1. Chip SG8V1 đã ứng dụng vào hơn 30 sản phẩm thương mại, như: giám sát hành trình ô tô, xe máy, khóa container, điện kế điện tử, modem thu thập dữ liệu DCM, hệ thống quản lý ứng dụng RFID, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ, tự động hóa hệ thống chiếu sáng công cộng… Góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Chẳng hạn: Tổng Công ty Điện lực  TP HCM đã sử dụng 40.000 bộ thu thập dữ liệu DCM (ứng dụng chip SG8V1) của ICDREC, đã tiết kiệm cho ngân sách 25 tỉ đồng...

Việc ra mắt, thương mại hóa những sản phẩm ứng dụng chip Việt như SG8V1, KIT DE-8V1,…. đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip của thế giới, thu hút được thêm nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố. 

Hoạt động R&D và ươm tạo doanh nghiệp cũng có những kết quả khả quan. Cụ thể đã công bố chip Cảm biến áp suất năm 2014. Đề tài được hội đồng đánh giá tốt và nghiệm thu trong chương trình nghiên cứu vi mạch TP.HCM năm 2014 và đang xúc tiến thương mại hóa. Chương trình cũng phối hợp với ICDREC và doanh nghiệp ứng dụng chip cảm biến áp suất trong thiết bị máy đo huyết áp, thiết bị đo cột nước, đồng hồ nước năm 2015; Đang hợp tác với Viện Fraunhofer (Đức), ICDREC –VNUHCM thực hiện đề tài về cảm biến sinh học (QCM – dạng sản phẩm MEMS) trong chương trình nghị định thư…

Thách thức cần vượt qua

Được biết, mục tiêu phát triển của Chương trình đến năm 2017, ngành vi mạch đạt 100-150 triệu USD, góp phần tích cực cho việc đổi mới công nghệ quốc phòng và gia tăng tính bảo mật trong an ninh quốc phòng.

Đến năm 2017 sẽ kêu gọi ít nhất 5 tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam, đào tạo 2.000 người hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử (kỹ sư, kỹ thuật viên...), ươm tạo trên 30 DN khoa học công nghệ hoạt động lĩnh vực điện tử vi mạch.

Sự đầu tư mạnh mẽ cho ngành công nghiệp vi mạch theo đó sẽ góp phần làm giảm nhập siêu và kiềm chế lạm phát; nâng cao giá trị sản phẩm điện tử trong nước với mức lợi nhuận từ 20-30%; tăng sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế nhờ giảm chi phí phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng và trong xuất khẩu, cũng như tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, Chương trình có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam, nâng cao trình độ cho các chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật thiết kế, ứng dụng và chế tạo vi mạch điện tử; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vi mạch điện tử.

Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử, viễn thông sản xuất tại Việt Nam. Các sản phẩm này sử dụng vi mạch được thiết kế và chế tạo tại Việt Nam sẽ có giá trị gia tăng từ 15 - 30%. Công nghiệp vi mạch T.p HCM sẽ phát triển để trở thành một ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng cao (20- 30%), làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH của thành phố… ươm tạo được khoảng 25 doanh nghiệp KHCN trong lĩnh vực này. Chương trình sẽ xây dựng nhà máy chế tạo vi mạch đầu tiên tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng về thiết kế vi mạch và các sản phẩm liên quan cho thành phố.... 

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM phải đảm bảo 3 điều kiện tối quan trọng là đường hướng chính sách phát triển - nguồn vốn - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng.

Hiện tại, ngành công nghiệp vi mạch trong nước đang đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh là những công ty, tập đoàn sản xuất chip điện tử có uy tín, thương hiệu quốc tế và phân phối toàn cầu; sản phẩm Trung Quốc (giá rẻ, đa đạng) đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Nhiều nhà máy sản xuất chip điện tử đã được đầu tư ở Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngay như Singapore chỉ có 4,8 triệu dân nhưng đang sở hữu đến 18 nhà máy sản xuất vi mạch.

Chip SG-8V1 được thử nghiệm khi đưa vào sản phẩm của Công ty Sài Gòn Track và bắt đầu được thương mại hóa

Nhìn nhận một cách thực tế, hiện chúng ta chưa có chiến lược tổng thể phát triển ngành công nghệ vi mạch; kinh nghiệm về công nghệ, thiết bị sản xuất và sản phẩm chưa nhiều; ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao tại Việt Nam nói chung và công nghiệp vi mạch nói riêng chưa phát triển nên doanh nghiệp đầu tư sẽ có khả năng gặp nhiều rủi ro, mất nhiều thời gian và chi phí xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối, sản xuất thử nghiệm, thuê chuyên gia nước ngoài...

Do đó, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, trước hết Chính phủ sớm nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển tổng thể ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam tầm nhìn đến năm 2020, 2025.

Bên cạnh đó, cần có một cơ chế thông thoáng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, miễn thuế 5 năm cho mọi sản phẩm nhà máy sản xuất ra, bao tiêu sản phẩm chip điện tử trong các dự án đầu tư công và DN viễn thông 100% vốn Nhà nước, thiết lập hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản phẩm trong nước, khuyến khích các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhà máy sản xuất tại Việt Nam sử dụng các sản phẩm chip nội địa có chất lượng và giá thành tương đương với chip nước ngoài, tất cả các ứng dụng sử dụng RFID nội địa được khuyến khích để sử dụng cho các nhà sản xuất trong nước, miễn thuế các thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất và nghiên cứu…

Điều đáng mừng là Chương trình ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của các bộ, ngành trong đó có Bộ KH&CN. Về phía địa phương, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND T.p HCM khẳng định quyết tâm của thành phố: “TP Hồ Chí Minh sẽ có nhiều cơ chế, chính sách và đầu tư không hạn chế nhằm mở rộng thị trường, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu quốc gia đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin đến năm 2020”.

Bài, ảnh: Minh Châu

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner