Năng lượng nguyên tử Thứ bảy, 20/04/2024 , 06:44 am
Cập nhật : 27/09/2021 , 07:09(GMT +7)
Nga kêu gọi các nước phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện
Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi các nước thể hiện thiện chí để CTBT sớm có hiệu lực. Ảnh: UPI
Nga kêu gọi các nước thể hiện thiện chí chính trị nhằm bảo đảm các điều kiện cần thiết để Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) có hiệu lực trong những năm tới.

 Ra đời vào ngày 24-9-1996, CTBT cấm tất cả các vụ thử hạt nhân trên Trái Đất, kể cả các vụ thử vì mục đích hòa bình. Đây là một trong các văn kiện thể hiện nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm hướng đến một thế giới không vũ khí hạt nhân. Sputnik cho biết, đến nay, CTBT đã được 185 quốc gia ký tham gia và 170 quốc gia trong số này phê chuẩn. Để có hiệu lực thi hành, CTBT cần phải có sự phê chuẩn của 44 quốc gia “sở hữu công nghệ hạt nhân”. Hiện 36 quốc gia trong số này đã phê chuẩn, bao gồm 3 cường quốc hạt nhân là Nga, Anh và Pháp. Trong số 8 quốc gia còn lại, có 5 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn CTBT là Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập, Israel, Iran và 3 quốc gia chưa ký hiệp ước là Ấn Độ, Triều Tiên và Pakistan.

Trong một tuyên bố đăng trên trang web của Điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng CTBT là một văn kiện lịch sử. Việc soạn thảo văn kiện này với mục đích “thúc đẩy đáng kể chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân” đã cho thấy ngay cả những vấn đề an ninh toàn cầu khó khăn nhất “vẫn có thể và phải được giải quyết thông qua đối thoại”. “Hiện văn kiện này đã được 185 quốc gia ký kết và 170 quốc gia trong số này phê chuẩn. Tuy nhiên, đáng tiếc là văn kiện vẫn chưa có hiệu lực. Rõ ràng tình huống này chắc chắn không có lợi đối với sự nghiệp giải giáp vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng tôi hy vọng lãnh đạo của các quốc gia đóng vai trò quyết định đối với số phận của CTBT sẽ thể hiện thiện chí chính trị và trong vài năm tới, chúng ta có thể có đủ điều kiện để thỏa thuận đa phương quan trọng này có hiệu lực. Đây chắc chắn sẽ là vì lợi ích của toàn thể cộng đồng quốc tế”, Tổng thống Putin nêu rõ.

Ngày 24-9, Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Bonnie Jenkins tuyên bố Washington đã khôi phục lập trường ủng hộ CTBT. Bà Jenkins khẳng định Mỹ cam kết phối hợp cùng các nước để CTBT có hiệu lực thi hành. “Mỹ ủng hộ CTBT và cam kết nỗ lực để đạt mục tiêu là CTBT có hiệu lực. Chúng tôi nhận thức được những thách thức lớn ở phía trước trong việc đạt mục tiêu này. Trong những thách thức đó có việc bảo đảm sự phê chuẩn từ các quốc gia còn lại, một vài trong số này thậm chí còn chưa ký hiệp ước. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Cần phải nhớ rằng không một quốc gia nào có thể tự mình làm cho CTBT có hiệu lực”, bà Jenkins nhấn mạnh.

Theo Sputnik, Mỹ đã ký CTBT vào năm 1996, nhưng sau đó từ chối phê chuẩn với lý do cần bảo đảm “sức mạnh vững chắc” của kho vũ khí hạt nhân, đồng thời cho rằng cơ chế kiểm chứng do CTBT tạo ra có năng lực hạn chế trong việc phát hiện các vụ thử hạt nhân có sức công phá nhỏ và siêu nhỏ. Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bảo lưu quyền nối lại các vụ thử hạt nhân trong trường hợp cần thiết.

Tạp chí National Interest cho biết, ngoài Triều Tiên, trong thế kỷ 21 này chưa có quốc gia nào thực hiện thử hạt nhân. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, Triều Tiên lại không phải là “tay chơi” kỳ cựu trên “bản đồ” hạt nhân thế giới. Tính từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Mỹ vào năm 1945 đến vụ thử gần đây nhất của Triều Tiên vào tháng 11-2017, thế giới đã chứng kiến ít nhất 2.056 vụ thử hạt nhân. Gần 85% trong số các vụ thử hạt nhân đó là do Mỹ và Liên Xô thực hiện, trong khi 3 cường quốc hạt nhân khác được thế giới công nhận là Anh, Pháp và Trung Quốc cũng thực hiện một số lượng vụ thử đáng kể.

 

Nguồn tin: Quân đội nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner