Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học, công nghệ trong tăng trưởng kinh tế
Đánh giá những kết quả đạt được trong việc việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong thời gian qua PHÓ GIÁM ĐỐC (PGĐ) SỞ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ HÀ NAM DƯƠNG NGỌC QUỲNH cho biết, các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Trong thời gian tới, mục tiêu chính của Sở là nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học, công nghệ trong tăng trưởng kinh tế, chú trọng nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới…
- Được biết việc triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, thưa Phó giám đốc?
PGĐ Dương Ngọc Quỳnh: Các hoạt động khoa học công nghệ triển khai trong những năm qua tại tỉnh Hà Nam đã thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2011 toàn tỉnh đã có 113 đề tài, dự án cấp tỉnh, hơn 540 đề tài, dự án cấp cơ sở và trên 3.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Công tác quản lý có nhiều đổi mới, hình thức triển khai phù hợp với thực tiễn, nhiều kết quả nghiên cứu được áp dụng vào sản xuất và đời sống như mô hình Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển ngành nghề, dịch vụ nông thôn hay Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp…; các chương trình, đề án nằm trong Chương trình công tác toàn khóa của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVII, nhiệm kỳ 2006- 2010 và Chương trình công tác của UBND tỉnh hàng năm.
- Đối với những đề tài, dự án thuộc cấp Nhà nước thì như thế nào, thưa Phó giám đốc?
PGĐ Dương Ngọc Quỳnh: Trong giai đoạn 2006 - 2011, Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất hoa công nghệ cao tại huyện Bình Lục đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng dự án với mức thu nhập đạt từ 150-300 triệu đồng/ha. Hay mô hình chanh leo của dự án Xây dựng mô hình phát triển một số cây trồng mới có giá trị kinh tế cao trên đất đồi tại huyện Thanh Liêm và Kim Bảng cho tổng sản lượng 380,407 tấn, đạt 105,7% so với dự kiến ban đầu, lợi nhuận ròng thu được hơn 68 triệu đồng/ha/năm. Tiếp theo là Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam với mô hình sản xuất một số tổ hợp lúa lai F1 cho năng suất, chất lượng cao tại tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận và làm chủ được 2 quy trình sản xuất lúa lai F1 sản xuất được 45ha lúa thương phẩm với 41.760 kg giống, đã đào tạo 12 kỹ thuật viên và tập huấn cho 390 hộ dân tham gia dự án. Đây là một vài dự án cấp Nhà nước nổi bật của tỉnh trong giai đoạn vừa qua.
- Thưa Phó giám đốc, để có được những kết quả trên, việc chỉ đạo, quan tâm đối với hoạt động khoa học công nghệ của các cấp là rất quan trọng và trên thực tế vấn đề này được thực hiện như thế nào?
PGĐ Dương Ngọc Quỳnh: Những năm đầu, các đề tài, dự án còn nhỏ lẻ, chưa tập trung, bên cạnh đó đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành có chất lượng cao, chuyên gia giỏi còn thiếu so với yêu cầu, đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn thấp so với bình quân chung của cả nước với 0,27/1% chi ngân sách của tỉnh… Nguyên nhân là do nhận thức về vai trò, vị trí của khoa học, công nghệ, sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm thực sự đối với các hoạt động khoa học công nghệ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở chưa thường xuyên; năng lực, trình độ sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ nhìn chung còn thấp; chậm đổi mới cơ chế quản lý khoa học, công nghệ đối với trình tự, thủ tục tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ.
- Vậy mục tiêu phát triển khoa học công nghệ của tỉnh trong giai đoạn tới là gì, thưa Phó giám đốc?
PGĐ Dương Ngọc Quỳnh: Mục tiêu chính của Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nam đề ra là nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học, công nghệ trong tăng trưởng kinh tế, chú trọng nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương phát triển kinh tế, phấn đấu đến năm 2020 đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 2% chi ngân sách.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011- 2015 gồm: phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH, trong đó nâng cao năng lực khoa học công nghệ; đổi mới cơ chế quản lý; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong các ngành sản xuất, kinh doanh. Tiếp theo, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ có tính trọng tâm, trọng điểm của các ngành; tạo bước phát triển đột phá trong việc nâng cao năng suất chất lượng, tạo ra sản phẩm mới trong các doanh nghiệp thông qua việc phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ; tiếp tục nhân rộng mô hình Ứng dụng khoa học, công nghệ có hiệu quả đã được tổng kết vào cuộc sống như mô hình trồng nấm trong hộ gia đình tận dụng nguồn phế thải nông nghiệp, trồng hoa công nghệ cao…
- Để các nghiên cứu, phát triển, áp dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt đời sống, Phó giám đốc có kiến nghị gì?
PGĐ Dương Ngọc Quỳnh: Với những kiến nghị từ địa phương, chúng tôi đề nghị Bộ Khoa học- Công nghệ kiến nghị với Chính phủ sớm trình QH thông qua Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi) để áp dụng vào thực tiễn; có giải pháp hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ từ các doanh nghiệp; quan tâm hơn nữa đến chính sách đãi ngộ đối với các nhà khoa học để thu hút đội ngũ trí thức, những nhà khoa học giỏi cống hiến cho đất nước; tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ cho tỉnh Hà Nam để nâng cao năng lực quản lý các hoạt động khoa học địa phương…