Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 27/04/2024 , 02:47 am
Cập nhật : 03/12/2014 , 17:12(GMT +7)
Nâng cao năng suất, giá trị cá ngừ đại dương bằng công nghệ đánh bắt và bảo quản mới
Nâng cao giá trị cá ngừ đại dương nhờ công nghệ đánh bắt, bảo quản mới (ảnh: minh họa)
Khai thác, chế biến cá ngừ đại dương hiện nay đang được xem là nguồn xuất khẩu có giá trị của Việt Nam. Tuy nhiên, để sản phẩm cá ngừ Việt Nam có thể cạnh tranh và thâm nhập được những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu,… Việt Nam cần tiếp cận, ứng dụng các công nghệ khai thác, đánh bắt tiên tiến hiện nay, kết hợp với phương pháp truyền thống hiện có. Và Công ty CP Bá Hải (Phú Yên) là một trong số ít doanh nghiệp đã và đang làm được điều đó.

Giảm chi phí, nâng cao chất lượng

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Bá Hải - đơn vị đã tiến hành khai thác, chế biến cá ngừ qua một số phương pháp tiên tiến tại tỉnh Phú Yên cho biết. Hiện nay, hoạt động câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam phổ biến ở hai dạng, đó là câu giàn và câu tay kết hợp với ánh sáng. Phương pháp câu giàn thường cho sản lượng thấp, tỷ lệ cá chết nhiều dẫn đến chất lượng cá kém. Mỗi chuyến ra khơi ngư dân đều lỗ vốn, không đảm bảo được chi phí để duy trì sản xuất và khai thác.

Đối với phương pháp câu tay kết hợp với ánh sáng, sản lượng câu có thể nhiều hơn câu giàn, nhưng chất lượng cá sau khi khai thác không đảm bảo chất lượng, dẫn đến giá bán thấp làm giảm hiệu quả kinh tế.

Điều khó hiện nay đối với ngư dân khai thác, chế biến cá ngừ đại dương gặp phải là giải pháp nâng cao năng suất đánh bắt, tiếp đó là bài toán về cách thức bảo quản cá sau thu hoạch. Theo ông Hồng, với mỗi chuyến ra khơi câu cá của ngư dân thường kéo dài từ 20 – 25 ngày. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ một số ít ngư dân và doanh nghiệp tiếp cận công nghệ đánh bắt, bảo quản mới, phần còn lại, chủ yếu vẫn áp dụng hình thức bảo quản truyền thống theo phương pháp ướp đá xay và cất giữ trong hầm gỗ chờ ngày cập bờ. Thực trạng này dẫn đến tình trạng chất lượng cá ngừ loại 1 (chất lượng cho hàng ăn sống) hiện nay chỉ còn khoảng 5%, phần còn lại chỉ làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, đóng hộp.

Công ty CP Bá Hải hiện có năng lực chế biến và xuất khẩu khoảng 10.000 tấn cá ngừ/năm, có thể chế biến, cấp đông 40 tấn sản phẩm cá ngừ/ngày (tương đương 80 tấn nguyên liệu cá ngừ/ngày). Đây cũng là đơn vị được Bộ KH&CN lựa chọn phối hợp với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ đông lạnh sản phẩm theo công nghệ CAS - công nghệ giúp bảo quản cá ngừ vẫn giữ nguyên chất lượng sau thu hoạch và có thể làm đông ngay trên biển và thiết bị cấp đông có công suất 500kg/giờ.

Trước thực trạng trên, Công ty CP Bá Hải đã tiến hành xây dựng một quy trình bảo quản tiên tiến đảm bảo chất lượng cá sau thu hoạch luôn tươi ngon. Theo đó, sau khi đánh bắt, cá sẽ được cho vào bể ngâm gây mê, kết hợp với sục khí trong vòng từ 30 phút đến 01 giờ để đảm bảo cá vẫn sống. Trong suốt thời gian này, cá vẫn ổn định và có thời gian phục hồi cơ thịt. Sau thời gian được ngâm phục hồi, hạ thân nhiệt cá sẽ được đem đi giết mổ với các công đoạn như: cắt gân đuôi (hạn chế cá vùng vẫy, dễ thao tác); cắt tiết, chọc tủy; mổ nội tạng, làm sạch nội tạng và rửa sạch; ngâm hạ nhiệt trong bể ngâm với nhiệt độ - 2C – 0C; bảo quản trong hầm đá lạnh.

Ngoài việc tiến hành theo các phương pháp tiên tiến, Công ty Bá Hải đã nghiên cứu và triển khai đánh bắt cá ngừ theo phương pháp tiên tiến của Nhật Bản. Tại một số địa phương, Công ty đã khai thác thông qua sử dụng phương pháp câu tay kết hợp với ánh sáng. Giải pháp này cho sản lượng cao hơn, tỷ lệ cá sống đạt 100% trước khi đưa lên tàu, không có cá chết nước. Qua đó, chi phí đi biển cũng thấp hơn do số lượng người khai thác giảm, hạn chế số lần chạy tàu đi thả câu, thăm câu,…

Cũng theo ông Hồng, để đảm bảo chất lượng cá đạt tỷ lệ loại 1, ngoài việc cải tiến phương pháp khai thác sơ chế và bảo quản, việc rút ngắn thời gian bảo quản cá trên tàu cũng rất quan trọng. Do đặc thù nghề câu cá ngừ đại dương là đi một lượt và về một lượt dẫn đến áp lực giải phóng cá càng sớm càng tốt là điều rất cần thiết. (Cá ngừ sau khi khai thác, chế biến phải được vận chuyển về bờ càng sớm càng tốt để chế biến xuất khẩu trong thời gian ngắn nhất, tối đa là 10 ngày).

Ngoài ra, phương pháp gây tê cá trong quá trình khai thác ngay sau khi cá cắn câu  đã được áp dụng khá hiệu quả. “Đối với phương pháp này, khi cá cắn câu sẽ bị gây mê, không còn vùng vẫy, hạn chế đến mức thấp nhất lỷ lệ cá bị sổng mất, tăng sản lượng khai thác. Thực tế hiện nay, tỷ lệ cá bị sổng khi đã cắn câu chiếm khoảng 30% – 40 % do cá vùng vẫy trước khi được đưa lên tàu”. Ông Hồng cho biết.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn và công nghệ

Tại Sự kiện trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ khu vực Nam Trung Bộ - Tây nguyên năm 2014 (sự kiện Trình diễn 2014) do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức mới đây, các giải pháp tiên tiến kết hợp với yếu tố truyền thống về khai thác cá ngừ đại dương của Việt Nam của Công ty CP Bá Hải đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu và khách tham. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương.

Tuy nhiên, phần lớn các đại biểu đều cho rằng, cái khó đang “bó chân” doanh nghiệp và ngư dân đó là vốn để đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ đánh bắt mới. Hiện nay, chỉ số ít doanh nghiệp và ngư dân có điều kiện về vốn mới mạnh dạn đầu từ mua sắm các thiết bị đánh bắt, đổi mới công nghệ trong khai thác cá ngừ mang lại hiệu quả kinh tế cao, còn lại đa số ngư dân vẫn sử dụng các phương pháp khai thác truyền thống với các ngư cụ cũ kỹ, không được đầu tư mua sắm mới nên không dám đánh bắt xa bờ. Ngoài ra, họ cũng ít hoặc không được tiếp cận với các công nghệ đánh bắt, bảo quản tiên tiến, dẫn đến năng suất, sản lượng đánh bắt tụt giảm, chất lượng kém, giá trị kinh tế thấp.

Ông Lê Văn Hồng tại sự kiện Trình diễn năm 2014.

Nhận xét về giá trị kinh tế, ông Hồng cho biết. Sản lượng, chất lượng cá sẽ tăng lên nhiều lần so với các phương pháp truyền thống nếu được đầu tư các trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ mới trong đánh bắt, bảo quản cá ngừ, đặc biệt là cá loại 1 (thời điểm được giá đạt trên 170.000đ/kg). Đồng thời, sản phẩm còn đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu, cạnh tranh với sản phẩm cùng loại khác tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu,…

Nhằm hướng tới chất lượng, số lượng cá xuất khẩu, ông Hồng cho biết, công ty sẽ tiến hành mua 03 tàu vỏ thép loại lớn (dài 36m) để thu mua sản phẩm và làm dịch vụ hậu cần trực tiếp trên biển với chu kỳ khoảng 5-8 ngày/chuyến, đồng thời cam kết bao tiêu toàn bộ cá ngừ cho các chủ tàu đã ký hợp đồng với công ty. 

Tuy nhiên, vướng mắc đối với doanh nghiệp khai thác cá ngừ hiện đang gặp phải là nguồn vốn. “Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là vốn và nhân sự. Về nguồn nhân sự, chúng tôi đã chuẩn bị xong, vấn đề còn lại, chúng tôi mong muốn ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho vay theo diện dự án để hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp có thể bám biển dài ngày”. Ông Hồng bày tỏ.

Có thể nói, để ngư dân và doanh nghiệp khai thác, chế biến cá ngừ có thể tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn, đặc biệt là các nguồn vốn vay ưu đãi cũng như có cơ hội ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đánh bắt, bảo quản cá ngừ. Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân và doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng đánh bắt, giá trị kinh tế cũng như tính cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu trên thị trường trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Ngũ Hiệp

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner