Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XII diễn ra tại thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông sáng 15/11.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động KH&CN giai đoạn 2011 – 2013 và thảo luận các giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng nhằm trao đổi kinh nghiệm về quản lý, đề xuất phương hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động KH&CN tại các địa phương.
Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là vùng có vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo lớn, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển kinh tế biển, phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi. Bên cạnh đó, vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có nhiều lợi thế về phát triển ngành du lịch.
Trong giai đoạn 2011 – 2013, hoạt động KH&CN ở các địa phương đạt nhiều kết quả, góp phần gắn kết với phát triển kinh tế, xã hội trong vùng. Tiêu biểu như đã ban hành nhiều văn bản liên quan tới đổi mới cơ chế hoạt động KH&CN và các hoạt động khác. Đến nay, ở hầu hết các địa phương đã kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy hoạt động và đang xây dựng đề án kiện toàn tổ chức, hoạt động của Trung tâm Ứng dụng KH&CN. Nguồn nhân lực KH&CN cũng được các địa phương quan tâm thực hiện thông qua các chiến lược, quy hoạch.
Các tỉnh, thành phố trong vùng đã triển khai được 596 đề tài, dự án. Các đề tài dự án này được xây dựng và triển khai gắn kết với tình hình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Điển hình như: nghiên cứu, đánh giá chất lượng, trữ lượng và khả năng sử dụng khoáng sản có thế mạnh của tỉnh Quảng Ngãi; điều tra đánh giá đa dạng sinh học vùng biển Khu kinh tế Dung Quất; nghiên cứu công nghệ mạng điện mặt trời cục bộ và triển khai Madicub hỗ trợ an toàn đi biển – phát triển ngư nghiệp; nghiên cứu ảnh hưởng của xói mòn gây suy giảm chất lượng đất trên một số loại hình canh tác đất dốc đặc trưng tại Lâm Đồng và áp dụng các giải pháp kĩ thuật hạn chế xói mòn và suy giảm dinh dưỡng đất; ứng dụng KH&CN sản xuất tỏi ở huyện Lý Sơn; nghiên cứu ứng dụng phương pháp VIA trong sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung tại tuyến y tế cơ sở thành phố Đà Nẵng…
Toàn cảnh Hội nghị
Tuy nhiên, hoạt động KH&CN của vùng vẫn còn tồn tại một số hạn chế: chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng trong thời kỳ CNH – HĐH và hội nhập quốc tế; nguồn nhân lực KH&CN còn thiếu và yếu, thiếu những cán bộ, chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực KH&CN; đầu tư kinh phí cho KH&CN còn thấp, chưa huy động được các nguồn lực xã hội.
Tại Hội nghị các đại biểu thảo luận đã tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, đề xuất các biên pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tại các địa phương và kiến nghị với Bộ KH&CN có biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho hoạt động KH&CN địa phương tiếp tục phát triển đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của các tỉnh trong vùng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: để KH&CN thực sự trở thành “động lực” cho phát triển KT-XH, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa để đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư tăng cường tiềm lực về mọi mặt: nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, thông tin KH&CN để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KH&CN đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” cũng như Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020, Luật KH&CN năm 2013.
Tin, ảnh: Ánh Tuyết – Bùi Hiếu