Từ năm 2007-2010, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã hỗ trợ Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh Nam Định triển khai thực hiện dự án “Xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm hàng hoá trên quy mô diện rộng”. Đây là dự án nhằm mục tiêu ứng dụng KH&CN thích hợp vào sản xuất giống, nuôi trồng, bảo quản và chế biến các sản phẩm nấm, tạo công ăn việc làm và nâng cao mức sống người nông dân, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Sau ba năm triển khai thực hiện dự án, đã xây dựng thành công mô hình sản xuất giống nấm cấp 1, 2 tại TP. Nam Định, 3 mô hình sản xuất giống nấm cấp 3 tại huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu đạt sản lượng lớn nhất trong tỉnh. Với quy mô sản xuất 50 tấn giống/năm/mô hình. Sản lượng giống nấm cấp 3 của 3 mô hình đã đạt 125 tấn.
Bên cạnh đó Trung tâm cũng xây dựng được 5 mô hình nuôi trồng và sơ chế nấm quy mô 50 tấn nguyên liệu/năm trở lên, sơ chế 25 tấn sản phẩm/năm trở lên. Sản lượng nấm tăng với số lượng lớn nhờ mở rộng quy mô trang trại gấp 1,5 lần so với ban đầu; mô hình thu mua và chế biến nấm tập trung quy mô 100 tấn sản phẩm/năm đã đi vào hoạt động, mỗi năm thu mua, sơ chế và chế biến hàng trăm tấn nấm sản phẩm…
Kết quả của dự án đã tác động tích cực đến sản xuất nấm của tỉnh trong những năm qua, giúp tỉnh hoàn toàn chủ động được nguồn giống, đáp ứng nhu cầu về giống nấm với số lượng và chất lượng đảm bảo. Các mô hình nuôi trồng và sơ chế nấm trở thành điểm tin cậy để nông dân tham quan, học tập.
Ngoài ra, đây còn là cơ sở cung cấp vật tư nuôi trồng và thu mua sơ chế nấm, chỉ đạo kỹ thuật cho các hộ nuôi trồng nấm khu vực lân cận. Hàng trăm hộ gia đình đã đầu tư phát triển trang trại trồng nấm với quy mô lớn, hàng nghìn hộ đã tham gia sản xuất nấm, đẩy sản lượng nấm của Nam Định đã tăng gấp 3 lần so với trước đây. Qua đó, mỗi năm tỉnh đã giải quyết được hàng trăm nghìn công lao động nông nhàn, hàng chục nghìn tấn rơm rạ được đưa vào sản xuất nấm, bã phế thải nấm được xử lý thành phân hữu cơ sử dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Các sản phẩm nấm của Nam Định đã có chỗ đứng trên thị trường. Nhiều đơn vị đã tìm về Nam Định thu mua nấm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu như: Nhà máy chế biến nấm xuất khẩu Nam Tiến - Hải Dương đã ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm nấm với số lượng lớn, giá thu mua tăng theo từng năm. Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) là đơn vị chuyển giao công nghệ của dự án cũng cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm nấm của Nam Định….
Nghề trồng nấm tại Nam Định đã trở thành nghề có thu nhập cao, tạo công ăn việc làm ổn định cho phần đông nông dân Nam Định, thiết thực hoá chương trình “Tam nông” của Chính phủ và chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2006-2010”.
Nguồn: Phương Nga- Nguyễn Hạnh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN