Là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội nghị quốc tế về công nghệ vi mạch (CNVM) lần thứ 2 (4S - 2012) được tổ chức từ ngày 22-24/8 tại TP Hồ Chí Minh do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp với Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Hội nghị 4S - 2012 lần này cũng đã mang đến cho Việt Nam cơ hội hợp tác với một số nước khác trong khu vực, như cơ hội hợp tác với Hiệp hội công nghiệp Singapor; các viện nghiên cứu, trường đại học của Nhật Bản…
Thứ trưởng bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, mặc dù ngành CNVM đang có tầm quan trọng hàng đầu, là một ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng, nhưng trong nhiều năm qua, ngành CNVM của Việt Nam chưa được phát triển để tạo nên nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững. Để phát triển công nghệ và CNVM, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách ưu tiên, ưu đãi cao nhất được thể hiện trong Quyết định số 439/QĐ-TTG ngày 16/4/2012 về việc phát triển danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 và Quyết định số 2457/QĐ - TTG về việc phê duyệt chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
Vì vậy, trong những năm qua, Bộ KH&CN đã định hướng phát triển ngành vi mạch bán dẫn và đã hỗ trợ để bước đầu xây dựng và phát triển CNVM thông qua một số chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu về lĩnh vực này. Đặc biệt, trong năm 2011, Bộ KH&CN đã phê duyệt dự án về lĩnh vực vi mạch “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng”.
Tại Hội nghị cũng đã công bố Chương trình phát triển vi mạch TP Hồ Chí Minh nhằm phát triển sản phẩm và nhuồn nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Mục tiêu của Chương trình là năm 2017, ngành vi mạch đạt doanh thu 100-150 triệu USD; đào tạo được 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên; ươm tạo được trên 30 doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong lĩnh vực điện tử vi mạch…
Tuy nhiên, để thực hiện những mục tiêu đã nêu trên và dựa vào hiện trạng, nhu cầu phát triển doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ các đề án và dự án: đào tạo nhân lực vi mạch, ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và hệ thống nhúng, quảng bá vi mạch, xây dựng nhà máy... Tổng vốn đầu tư khoảng 7.600 tỷ (360 triệu USD).
Tin ảnh: Hồng Hiền