Trong năm qua, công tác thanh tra KH-CN đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là tổ chức thành công thanh tra chuyên đề về sản phẩm thiết bị điện, điện tử trên toàn quốc, góp phần lành mạnh hóa và thúc đẩy hoạt động KH-CN. Dự kiến nội dung thanh tra chuyên đề năm 2012, sẽ là mặt hàng xăng dầu và gas - Chánh thanh tra Bộ KH-CN Trần Minh Dũng đã cho biết như vậy khi trao đổi với chúng tôi bên lề Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 của Thanh tra Bộ KH-CN.
- Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật của Thanh tra Bộ KH-CN trong năm vừa qua?
- Năm 2011, với nhiều thay đổi trong hoạt động quản lý nhà nước về KH-CN nên nhiệm vụ của Thanh tra Bộ KH-CN không chỉ tập trung vào thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý nhà nước về lĩnh vực KH-CN mà còn tham gia tích cực vào xây dựng nhiều văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Theo đó, Thanh tra Bộ KH-CN đã trực tiếp triển khai những hoạt động thanh tra trên một số lĩnh vực theo thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ. Với trách nhiệm là một trong những cơ quan đầu mối về thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính, chúng tôi cũng đang rất nỗ lực để triển khai hoạt động này đảm bảo thực thi Luật SHTT và thực hiện các cam kết song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia.
Năm vừa qua, Thanh tra Bộ đã trực tiếp chủ trì tiến hành thanh tra đối với 69 đối tượng, trong đó riêng về sở hữu công nghiệp (SHCN) đã tiến hành 40 cuộc, lĩnh vực an toàn bức xạ hạt nhân tiến hành thanh tra 17 cơ sở (tại Tuyên Quang, Yên Bái, TP Hồ Chí Minh). Qua thanh tra đã phát hiện 35 cơ sở có hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa xâm phạm quyền SHCN của các chủ thể quyền SHCN. Đặc biệt, năm 2011 cũng là năm Thanh tra Bộ KH-CN đã tổ chức thành công cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề về sản phẩm thiết bị điện, điện tử trên toàn quốc. Tính đến ngày 15.12.2011, tổng số cơ sở được thanh tra trong toàn đợt là 2.265 cơ sở, trong đó có 111 cơ sở sản xuất; 2.129 cơ sở buôn bán, 25 cơ sở nhập khẩu. Qua thanh tra đã phát hiện và xử phạt đối với 654 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền là gần 600 triệu đồng…
Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong năm qua, Thanh tra Bộ KH-CN đã chủ trì xây dựng và trình Thông tư quy định về mẫu văn bản sử dụng trong hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực KH-CN được ban hành và đã được áp dụng hiệu quả tại các cơ quan thanh tra KH-CN trên cả nước. Bên cạnh đó, Thông tư hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng đã được trình lên Bộ trưởng để ban hành.
- Mặc dù đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng không phải trong công tác thanh tra KH-CN không gặp phải những khó khăn. Theo ông, những khó khăn ở đây là gì?
- Đúng là như vậy. Tôi đơn cử, trong lĩnh vực thanh tra về SHCN, các văn bản quy phạm đang trong quá trình hoàn thiện, chính vì thế hiện nay còn rất nhiều đối tượng vi phạm chưa xử lý triệt để. Thực tế, không ít doanh nghiệp có hành vi vi phạm về SHCN, SHTT cho rằng, những bộ, ngành quản lý đã cấp giấy phép cho họ - có nghĩa họ không vi phạm, họ thực hiện theo luật chuyên ngành… Họ không biết rằng, việc cấp các giấy phép liên quan là đảm bảo sự quản lý nội dung chuyên ngành trong lĩnh vực đó, còn khi xâm phạm quyền SHTT thì phải thực hiện theo Luật SHHT. Về vấn đề này chúng tôi cũng đã nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành có liên quan và đã có trong thông tư hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN đã trình để ban hành. Hy vọng khi thông tư này được ban hành thì những đối tượng vi phạm như tôi nói ở trên sẽ được xử lý triệt để.
Thiết bị điện, điện tử là sản phẩm của cuộc thanh tra chuyên đề năm 2011
Nguồn: giadinh.vn
Một vấn đề mà không chỉ Thanh tra Bộ KH-CN mà cả trong hệ thống thanh tra cũng đang gặp phải đó là hạn chế về kinh phí, kinh phí mua thêm trang thiết bị để phục vụ cho hoạt động thanh tra hoặc chi phí cho việc xử lý mẫu giám định có liên quan thì cũng hạn chế. Hay tình trạng thiếu nhân lực, khối lượng công việc nhiều cũng đang rất phổ biến trong hệ thống thanh tra. Với số lượng 15 nhân lực như hiện nay đối với Thanh tra Bộ là quá mỏng; ở các địa phương tình trạng này còn khó khăn hơn chỉ khoảng từ 2-3 người, trong khi những vấn đề phát sinh của xã hội về tiêu chuẩn đo lường chất lượng hay SHTT lại diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp.
- Theo ông, để nâng cao vai trò của hoạt động thanh tra, thời gian tới Thanh tra Bộ cần làm gì?
- Theo tôi, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng có liên quan, tạo sức mạnh tổng hợp của ngành như: thanh tra các sở KH-CN địa phương, công an, quản lý thị trường… Bên cạnh đó là tăng cường tập huấn cho các địa phương để từng địa phương có thể đảm bảo trách nhiệm của mình về SHTT; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra chuyên đề để phát huy sức mạnh cả hệ thống, đảm bảo hiệu ứng tổng hợp của cả ngành trong việc quản lý từng lĩnh vực, từng nội dung một; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về hoạt động thanh tra nói chung và kết quả xử lý nói riêng nhằm nâng cao nhận thức và đảm bảo tính giáo dục, tính răn đe cũng như nâng cao tính minh bạch, tin cậy trong hoạt động thanh tra. Và quan trọng hơn, qua đó người tiêu dùng cũng biết quyền, lợi ích và đấu tranh những hành vi sai trái, tạo dư luận xã hội, hiệu ứng cộng hưởng tốt hơn.
- Vậy năm 2012, Thanh tra Bộ sẽ hướng đến những trọng tâm nào, thưa ông?
- Cùng với công tác thanh tra trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban công tác thực hiện Chỉ thị 18 của Bộ KH-CN (Ban Công tác về Thực thi quyền SHTT và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường và xuất nhập khẩu), năm 2012, Thanh tra Bộ KH-CN sẽ tiếp tục lựa chọn nội dung và triển khai cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng; dự kiến nội dung thanh tra sẽ là mặt hàng xăng dầu và gas - những lĩnh vực đang gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng hiện nay, nhằm ngăn ngừa một cách triệt để các hành vi vi phạm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
- Xin cám ơn ông!
Trần Hồng (thực hiện)