Theo các chuyên gia, bên cạnh những cố vấn có rất nhiều kinh nghiệm như doanh nhân đã thành công, các nhà chuyên môn có kinh nghiệm về công nghệ, kỹ thuật sẽ tìm ra những giải pháp về mô hình kinh doanh, kỹ thuật, công nghệ. Đó là những nguồn lực rất lớn để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công.
Sáng 26/11, Diễn đàn Tư duy mới và kết nối cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia năm 2020 (Techfest Vietnam 2020), với mục đích giới thiệu và cập nhật hoạt động của cộng đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức chương trình cố vấn và phát triển cộng đồng cố vấn, thúc đẩy các ý tưởng hợp tác.
Chương trình tập trung, trao đổi về các nội dung: Tư duy mới về kinh doanh hậu COVID-19; Thúc đẩy liên kết mạng lưới cố vấn khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế; Giới thiệu bản đồ các tổ chức cố vấn ở Việt Nam; Phát huy vai trò cố vấn khởi nghiệp ĐMST của một quốc gia khởi nghiệp.
Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư chia sẻ các điều kiện về kinh doanh liêm chính từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư và các hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Xây dựng đội ngũ cố vấn từ địa phương
Phát biểu tại diễn đàn, bà Nicole Nguyen, CEO AVSE Corp., AVSE Global Country Director Vietnam nhận định, không phải cứ có cố vấn kết nối là tốt mà cố vấn mảng nào và hỗ trợ như thế nào.
Theo bà Nicole Nguyễn, các doanh nghiệp lớn tại địa phương có thể là lực lượng cố vấn chuyên nghiệp dành cho các startup đổi mới sáng tạo địa phương bởi lực lượng này có sẵn, dễ dàng huy động, nắm rõ tình hình kinh doanh trong vùng. Đồng thời, ngoài kinh nghiệm kinh doanh và đổi mới, doanh nghiệp lớn tại địa phương có nhiều mối quan hệ về khách hàng, chuỗi cung ứng. Điều này là cơ hội lớn cho startup địa phương nếu thu hút được các cố vấn là doanh nghiệp lớn.
Để các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận với đổi mới sáng tạo, ngoài xây dựng đội ngũ cố vấn trực tiếp tại các địa phương, ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết, cần có luật và cơ chế rõ ràng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bởi hiện nay những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xếp vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có cơ chế cũng như hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp này, trong khi vấn đề đổi mới sáng tạo liên quan tới sở hữu trí tuệ, ứng dụng công nghệ.
Dưới góc độ của địa phương, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: Quảng Nam hiện đang có rất nhiều lợi thế cả về tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng giao thông, địa danh du lịch nổi tiếng… để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân. Quảng Nam đang rất cần ĐMST, và một trong những thành tố quan trọng đó là một đội ngũ cố vấn để ĐMST có thể đi đúng hướng, vào những ngành mũi nhọn, trọng tâm, trọng điểm.
Ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương nhận định, bên cạnh đội ngũ tư vấn địa phương, theo ông Đoan, cần nhờ đến cố vấn khởi nghiệp quốc gia ở các địa phương khác nhằm có những điều kiện tốt nhất hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST ở địa phương.
Các nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn
Kết nối để thành công
Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (VSMA), cho rằng: Cố vấn khởi nghiệp là một trong những cấu phần không thể tách rời của hệ sinh thái khởi nghiệp. Nó sẽ đóng vai trò là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp". Bên cạnh những cố vấn có rất nhiều kinh nghiệm như doanh nhân đã thành công, các nhà chuyên môn có kinh nghiệm về công nghệ, kỹ thuật sẽ tìm ra những giải pháp về mô hình kinh doanh, kỹ thuật, công nghệ. Đó là những nguồn lực rất lớn để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công.
Theo ông Thắng, trong một phạm vi nào đó, các nhà cố vấn cũng có thể trở thành nhà đầu tư “thiên thần”. Họ có nguồn lực rất lớn, có thể cấp vốn mồi để doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận hoặc làm ra những sản phẩm thử nghiệm để đánh giá thị trường.
Đặc biệt, chính sách về khởi nghiệp ĐMST hiện nay ở Việt Nam đã có rất nhiều sự hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Đó là việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực các huấn luyện viên, xây dựng hệ thống các nhà đầu tư “thiên thần”, xây dựng cộng đồng cố vấn. Hệ sinh thái của Việt Nam mặc dù còn non trẻ nhưng đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, được thế giới công nhận và được thể hiện trong xếp hạng bảng chỉ số ĐMST.
“Quan trọng nhất bây giờ phải kết nối được nguồn lực của các bộ, ngành để tập trung hỗ trợ đúng đối tượng, từ đó phát huy được thế mạnh của từng doanh nghiệp. Thông qua đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ có được nhiều giá trị hơn khi chúng ta khai thác được các nguồn lực của các bên liên quan”, ông Thắng nhận định.
Trước yêu cầu cấp thiết về ĐMST, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Tỉnh đã thông qua Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, hỗ trợ tiền để người dân ĐMST và khởi nghiệp.
“Tỉnh sẵn sàng có nguồn lực, tuy không nhiều nhưng rất muốn thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp trong nhân dân. Tuy nhiên, muốn thành công thì cần một lộ trình cụ thể và một đội ngũ cố vấn về vấn đề này”, ông Bửu nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết tỉnh đã tích cực xây dựng đội ngũ tư vấn từ địa phương, liên kết với cộng đồng doanh nghiệp, thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức doanh nghiệp, tìm những doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng tham gia. Đồng thời, tăng cường tập huấn cho đội ngũ tư vấn này bằng cách mời các chuyên gia từ các tổ chức nước ngoài.
Bài, ảnh: Huyền Minh