Đó là Th.S Lưu Đàm Ngọc Anh, nghiên cứu sinh tại trường Đại học tổng hợp Osaka, cán bộ nghiên cứu phòng Bảo tồn thiên nhiên, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với thành công trong nghiên cứu về “Sự hồi sinh tri thức nhuộm màu chàm của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam”.
Nhà khoa học này đã nhận được Giải thưởng dành cho Chuyên gia mới của Hiệp hội Vải sợi Mỹ năm 2014. Lễ trao giải được tổ chức tại Los Angeles, Hoa Kỳ ngày 12/9/2014 vừa qua.
Trong những chuyến khảo sát nghiên cứu cây nhuộm màu ở Việt Nam, Th.S Lưu Đàm Ngọc Anh đã có ghi nhận mới về loài thực vật cho màu chàm có tên khoa học Wrightia laevis Hook.f. (Co mụ, tiếng Thái) thuộc họ Apocynaceae (synonym: Wrightia tinctoria) vẫn đang được sử dụng trong cộng đồng người Thái đen tại Sơn La để nhuộm vải chàm. Trong quá trình tạo màu nhuộm, người Thái đen còn kết hợp sử dụng các loài cây để thúc đẩy quá trình lên men tạo màu cho mẻ chàm như Co nát (Pluchea indica, cành lá), Co xỏm lồm (Aganonerion polymorphum, cành lá), Co ứng ca (Oroxylum indicum, dùng vỏ thân).
Kinh nghiệm và tri thức bản địa trong việc phối chế sử dụng các loài cây phối hợp cùng với Wrightia laevis tạo màu chàm của người Thái đen đã được báo cáo tại Hội thảo thường niên lần thứ 14 của TSA. Hội thảo đánh giá cao sự phát hiện mới mẻ này cũng như những tiềm năng hứa hẹn cho nguồn nguyên liệu nhuộm màu chàm tại Việt Nam.
Nghiên cứu mới của Th.S Lưu Đàm Ngọc Anh mở ra hướng nghiên cứu mới trong bảo tồn và phát triển tài nguyên cây nhuộm màu tại Việt Nam (ảnh vải chàm, dùng làm Piêu của người Thái đen)
Sự ghi nhận mới này đặc biệt có ý nghĩa và độc đáo. Những chuyên gia nghiên cứu về chất màu tại châu Âu khẳng định: việc dùng loài thực vật này gần như biến mất trong thế giới chất màu tự nhiên, không còn được bất kỳ cộng đồng nào sử dụng để tạo màu indigo. Việc phát hiện tri thức và kinh nghiệm sử dụng loài cây nhuộm màu này mở ra hướng nghiên cứu mới trong bảo tồn và phát triển tài nguyên cây nhuộm màu tại Việt Nam.
Nghiên cứu này đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ đề tài T13, thuộc chương trình Tây Nguyên III, và Chương trình Hỗ trợ Khoa học trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Hiệp hội Vải sợi Mỹ (TSA) thành lập từ năm 1987, được quản lý bởi hội đồng các Giám đốc các trường Đại học và Bảo tàng khu vực Bắc Mỹ. Với mục đích hỗ trợ, khuyến khích những sinh viên và chuyên gia trẻ nghiên cứu trong lĩnh vực vải sợi trên thế giới, năm 2006 Giải thưởng dành cho Chuyên gia mới của Hiệp hội vải sợi Mỹ (Textile Society of America - New Professional Award) được thành lập. Trong Hội thảo thường niên lần thứ 14 của Hiệp hội, tổ chức tại Đại học California – Los Angeles (UCLA), 5 chuyên gia trẻ của Hoa Kỳ và Việt Nam đã được trao giải thưởng nói trên.
Tin, ảnh: Minh Châu