Ứng dụng và phát triển cây trồng biến đổi gene là chìa khóa bảo đảm cho nền nông nghiệp phát triển bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu. Hiện đã có 27 quốc gia trên thế giới phát triển cây trồng biến đổi gene. Ở nước ta, cho đến nay các giống cây trồng biến đổi gene vẫn đang trong giai đoạn khảo nghiệm, chưa được trồng đại trà...
27 quốc gia phát triển cây trồng biến đổi gene
Theo báo cáo tại Hội nghị Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gene 2013 do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ qua Dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA) tổ chức, ngày 20.2 vừa qua, cây trồng biến đổi gene đầu tiên được thương mại hóa vào năm 1996. Từ đó đến nay, diện tích các loại cây trồng biến đổi gene tăng hơn 100 lần - từ 1,7 triệu hecta vào năm 1996 lên trên 175 triệu hecta vào năm 2013. Riêng trong năm 2013, diện tích trồng các loại cây trồng biến đổi gene đã tăng 5 triệu hecta, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 3%.
Hiện trên thế giới đã có 27 quốc gia trồng cây trồng biến đổi gene, trong đó 19 nước đang phát triển và 8 nước công nghiệp. Mỹ là nước dẫn đầu với 70,1 triệu hecta; Brazil được xếp hạng thứ hai, với 40,3 triệu ha; Argentina giữ vị trí thứ ba với 24,4 triệu hecta; thứ 4 là Ấn Độ, với diện tích 11 triệu hecta bông BT; Canada là thứ 5 với 10,8 triệu hecta. Việc phát triển cây trồng biến đổi gene tại các quốc gia nêu trên tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Mới đây nhất, các nước Bangladesh, Indonesia và Panama (năm 2013) đã phê duyệt chương trình phát triển và ứng dụng cây trồng biến đổi gene, với kế hoạch thương mại hóa vào năm 2014.
Các báo cáo tại hội nghị cũng đã đặc biệt nhấn mạnh đến hiệu quả tích cực của cây trồng biến đổi gene. Từ khi được thương mại hóa năm 1996 đến năm 2012, với sản lượng cây trồng trị giá 116,9 tỷ USD, cây trồng biến đổi gene đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phát triển bền vững; tạo một môi trường sản xuất nông nghiệp tốt hơn từ việc tiết kiệm 497 triệu kilogam thuốc trừ sâu; bảo tồn đa dạng sinh học từ việc tiết kiệm 123 triệu hecta đất và giúp xóa đói giảm nghèo cho trên 16,5 triệu hộ nông dân.
Trong tham luận của mình tại hội nghị, TS Clive Jemes - người sáng lập và là Chủ tịch danh dự của ISAAA khẳng định: cây trồng biến đổi gene đang minh chứng giá trị toàn cầu như một công cụ cho những nông dân nghèo nguồn lực, những người phải đối mặt với nguồn cung cấp nước giảm và áp lực gia tăng về cỏ dại và sâu bệnh, cùng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Việt Nam vẫn đang khảo nghiệm
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam xác định việc phát triển và ứng dụng cây trồng biến đổi gene là nhiệm vụ quan trọng của chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia. Từ năm 2006, sau khi “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ở nước ta, cây trồng biến đổi gene bắt đầu được đầu tư nghiên cứu và khảo nghiệm.
Thực tế, sau một thời gian nghiên cứu và hai đợt khảo nghiệm trên diện rộng, năm 2012 dự kiến nước ta đưa ngô biến đổi gene vào sản xuất thương mại. Tuy nhiên, do còn những ý kiến cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ và có những bước đi thận trọng nên dự kiến bất thành. Đến 2013, Bộ NN và PTNT đã công nhận kết quả khảo nghiệm 5 giống ngô biến đổi gen để trình Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép an toàn sinh học. Theo dự kiến, phải tới năm 2015, ngô biến đổi gene mới được đưa vào trồng đại trà.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những ý kiến tỏ ra nghi ngại về ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gene với sức khỏe và môi trường một khi được triển khai đại trà... Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn khi đưa cây trồng biến đổi gene vào sản xuất. Cụ thể là cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, đánh giá rủi ro cây trồng biến đổi gene chưa đáp ứng đủ các điều kiện. Công tác nghiên cứu, giám định cây trồng, sản phẩm biến đổi gene và đánh giá an toàn sinh học cũng chưa được quan tâm đúng mức. Do điều kiện canh tác chưa đáp ứng được nên hầu hết nông dân ngại tiếp nhận cây trồng biến đổi gene và sử dụng các sản phẩm từ loại cây trồng này.
Điều đáng nói là, dù nghi ngại - băn khoăn nhưng hàng năm nước ta vẫn nhập khẩu hang triệu tấn ngô từ Brazil, Argentina, Mỹ, ẤËn Độ, Thái Lan - những nước có diện tích trồng cây biến đổi gen lớn nhất thế giới - về sử dụng. Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, trong 8 tháng năm 2013, nước ta nhập khẩu 1,34 triệu tấn ngô và 897.000 tấn đậu dùng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Và chỉ trong tháng 1.2014, cả nước nhập khẩu 580 nghìn tấn ngô, tăng gấp hơn 5 lần so với tháng 1.2013.
Được biết, để đưa cây trồng biến đổi gene vào sản xuất, cho đến nay Bộ NN và PTNT đã ban hành nhiều nghị định, thông tư như: Nghị định số 69/2010 ngày 21.6.2010 về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene; Thông tư 72/2009 ngày 17.11.2009 ban hành danh mục loại cây trồng biến đổi gene được phép khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường... Các văn bản pháp luật này góp phần mở đường cho việc phát triển và ứng dụng cây trồng biến đổi gene ở nước ta trong nay mai.
Bên cạnh đó, Bộ NN và PTNT cũng đã có văn bản trình Chính phủ về việc xây dựng các mô hình trình diễn một số giống ngô biến đổi gene. Cụ thể là triển khai một số mô hình trồng các giống ngô này trong quý I và II năm 2014 tại 6 tỉnh: Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đăk Lăk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, với quy mô 1,5 - 2ha giống.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp quyết liệt hơn để đẩy mạnh phát triển và ứng dụng cây trồng biến đổi gene. Nhà nông học nổi tiếng người Mỹ Norman Borlaug từng nhấn mạnh: “Điều chúng ta cần đó là sự dũng cảm của các nhà lãnh đạo ở những nước mà nông dân vẫn chưa có sự lựa chọn nào ngoài những phương pháp cũ kỹ và kém hiệu quả”...