Tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015, các nhà khoa học đều có nhận định, Quỹ KH&CN Quốc gia (Nafosted) đã “thổi một luồng gió mới” vào sự nghiệp nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Cơ chế minh bạch, dân chủ và công bằng của Quỹ trong việc cấp kinh phí và đánh giá các công trình khoa học đang khích lệ các nhà khoa học nâng cao chất lượng nghiên cứu và hội nhập với cộng đồng khoa học quốc tế.
Vinh danh các công bố khoa học xuất sắc ngang tầm thế giới
Sự ra đời của Giải thưởng Tạ Quang Bửu là một minh chứng cho sự đổi mới về tư duy cũng như cách thức xét tặng một giải thưởng khoa học vốn có trước đó, đặc biệt là tránh những thủ tục mang tính hành chính. Như phát biểu của GS Ngô Việt Trung – Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015 tại lễ trao giải vừa qua, ông nhấn mạnh, Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng quốc gia đầu tiên vinh danh các công bố khoa học xuất sắc ngang tầm thế giới, đây không phải là giải thưởng dành cho sự nghiệp hay quá trình nghiên cứu khoa học.
GS Ngô Việt Trung khẳng định, đây là một phần của những nỗ lực của Bộ KH&CN nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu của khoa học Việt Nam trong bối cảnh số lượng nghiên cứu công bố quốc tế của Việt Nam đã có những bước tiến nhảy vọt trong những năm qua với sự hỗ trợ của Quỹ phát triển Khoa học công nghệ Quốc gia. Đây là Giải thưởng duy nhất có đội ngũ xét chọn chỉ gồm những nhà khoa học tiêu biểu, không có sự tham gia của các nhà quản lý thuần túy.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam có trên 2.200 bài báo trên các tạp chí hàng đầu thế giới về khoa học công nghệ và đứng thứ 4 trong ASEAN trong việc công bố quốc tế về khoa học công nghệ sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Điều này cũng được thể hiện thông qua chất lượng các công trình được nhận giải năm nay, đó là những công trình nằm top 3% trong danh mục hàng trăm tạp chí của từng chuyên ngành một. Mỗi công trình đều có thành tích đỉnh cao trong hướng nghiên cứu của mình.
Tạo ra sự hứng khởi, phát huy sáng tạo của người làm khoa học
PGS.TS Trần Thanh Hải, Phó hiệu trưởng trưởng Đại học Mỏ- Địa chất, tác giả nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015 cho biết, việc ra đời Quỹ Nafosted đã thổi một luồng gió mới vào cộng đồng khoa học và tạo ra sự hứng khởi trong con đường nghiên cứu và phát huy sáng tạo của đội ngũ những người làm khoa học cả nước, đặc biệt là các nhà khoa học mới thành danh ở các cơ quan nghiên cứu, các giảng viên trẻ trong các trường đại học. Nhờ những đột phá trong cơ chế tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu của Bộ KH&CN mà số công bố ISI của Việt Nam trong những lĩnh vực được tài trợ đã tăng tới trên 20% hàng năm chỉ sau một khoảng thời gian khởi động ngắn. Đây là thành công lớn đối với các nghiên cứu cơ bản và là định hướng đúng đắn trong quản lý nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên ở Việt Nam hiện nay. Thêm vào đó, nó tạo ra động lực mới cho đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam nâng cao đáng kể tư duy khoa học, khả năng hợp tác trong nghiên cứu, kỹ năng viết và công bố kết quả nghiên cứu trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín.
Cơ chế minh bạch, dân chủ và công bằng của Quỹ Nafosted đã thổi một luồng gió mới vào cộng đồng khoa học
Cùng chung quan điểm với PGS.TS Trần Thanh Hải, GS.TSKH Đinh Dũng, Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015 rất thẳng thắn: “Cơ chế minh bạch, dân chủ và công bằng của Quỹ trong việc cấp kinh phí và đánh giá các công trình khoa học đang khích lệ tôi và các nhà khoa học nâng cao chất lượng nghiên cứu và hội nhập với cộng đồng khoa học quốc tế. Nó cũng loại ra khỏi sân chơi những ai đã và đang sử dụng một cách lãng phí tiền thuế của người dân, cho ra những công trình nghiên cứu và triển khai kém chất lượng…”. Ông cũng cho rằng: “Tuy ra đời hơi muộn so với sự cần thiết, nhưng tôi tin rằng Quỹ đã thổi một luồng gió mới vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học của tôi và nhiều nhà khoa học khác”.
Là một nhà khoa học trẻ được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015, PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng chia sẻ: “Việc trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các nhà khoa học trẻ của Bộ Khoa học và Công nghệ không chỉ là niềm vinh dự và khích lệ cá nhân tôi, mà còn khích lệ các bạn đồng nghiệp cũng như các bạn trẻ. Tôi được biết hiện nay có rất nhiều bạn trẻ có năng lực và niềm say mê nghiên cứu. Tôi rất mong các bạn sẽ kiên trì con đường nghiên cứu để khám ra những vẻ đẹp và bí ẩn của Toán học, đồng thời thu hút thêm các bạn sinh viên, học viên đi theo con đường này”.
Phát biểu tại lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân bày tỏ mong muốn cộng đồng các nhà khoa học tiếp tục đồng hành với Bộ KH&CN trong việc góp sức tháo gỡ rào cản, vướng mắc trong hoạt động KH&CN; thay đổi tư duy cũ, tạo ra cơ chế mới thuận lợi, tiệm cận với thông lệ quốc tế để các nhà khoa học sáng tạo, đóng góp được nhiều nhất cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao tặng cho GS.TSKH.Nguyễn Hữu Việt Hưng và PGS. TS. Nguyễn Bá Ân, là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc trong lĩnh vực Toán học và Vật lý.
Năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN ngày 12/1/2015 về việc ban hành Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu trong đó có một số điểm được điều chỉnh so với Quy chế giải thưởng Tạ Quang Bửu trước đó. Cơ cấu giải thưởng từ 1-3 giải dành cho tác giả của công trình khoa học. Một giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi thay vì dưới 30 tuổi như năm trước.
Bộ KH&CN kỳ vọng Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ trở thành một giải thưởng uy tín, tạo được lòng tin trong cộng đồng khoa học Việt Nam, góp phần thúc đẩy các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, xây dựng các nền móng cơ bản và vững chắc cho các nghiên cứu ứng dụng, qua đó góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.
|
Bài, ảnh: Minh Châu