Ngày 19/12, tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đã diễn ra buổi nghiệm thu cấp quốc gia đề tài Tư duy mới về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới mã số: KX.01.12/11-15.
GS.TSKH. Lương Xuân Quỳ, Chủ nhiệm Đề tài Tư duy mới về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới cho biết, đề tài gồm ba chương: Những vẫn đề lý luận và thực tiễn của tư duy mới về phát triển kinh tế - xã hội; Đổi mới tư duy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam – kết quả, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; Quan điểm, phương hướng và giải pháp thực hiện tư duy mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới.
Trên cơ sở vấn đề lý luận và thực tiễn của tư duy mới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh mới, đề tài phân tích thực trạng đổi mới tư duy ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay; đề xuất quan điểm và giải pháp chủ yếu có tính đột phá trong tư duy nhận thức đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Qua quá trình triển khai, đề tài đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát tại một số địa phương, phỏng vấn các nhà khoa học, nhà quản lý ở trung ương, địa phương, doanh nghiệp,… Công tác thu nhập dữ liệu, thông tin thứ cấp và sơ cấp được thu nhập và xử lý một cách nghiêm túc, khách quan nhằm phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài.
Ngoài ra, đề tài cũng làm rõ những vấn đề lý luận mới về tư duy phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tổng kết từ tư duy phát triển kinh tế - xã hội qua các thời đại; Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước về mô hình phát triển kinh tế - xã hội, về bẫy thu nhập trung bình từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; Phân tích đánh giá đúng và khách quan về thực trạng tư duy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm đổi mới (từ 1986 đến nay) và chỉ ra những thành tựu chủ yếu, những hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; Đề xuất những quan điểm mới có tính đột phá về tư duy, nhận thức và hành động cũng như phương hướng, các giải pháp và điều kiện để thực hiện các quan điểm tư duy mới về phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy luật phát triển của kinh tế thị trường.
Cũng theo GS.TSKH. Lương Xuân Quỳ, đề tài đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu như: Phương pháp lịch sử; Phương pháp lôgic; Phương pháp phân tích so sánh; Phương pháp phân tích tổng hợp,…
Dựa trên cơ sở luận giải bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước tác động đến đổi mới tư duy về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đề tài đã đề xuất và luận giải 05 quan điểm về tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; Chỉ ra phương hướng chung, phương hướng cụ thể có tính đột phá về hoàn thiện tư duy, nhận thức, hành động nhằm đảm bảo sự phát triển hiệu quả và bền vững của nền kinh tế và thoát bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam trong thời gian tới.
Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.
Tin, ảnh: Ngũ Hiệp