Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 06/11/2024 , 08:30 pm
Cập nhật : 30/05/2013 , 09:05(GMT +7)
Loay hoay công nghiệp hỗ trợ - Bài 2: Không thể phát triển dàn trải
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tháng 11-2012, Thủ tướng ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may, da giày, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và các sản phẩm hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.

Như vậy, cùng với Quyết định 12 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ được ban hành một năm trước đó, nhiều nhà quản lý hy vọng sẽ là kim chỉ nam định hướng cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Thế nhưng, khi các quyết định lần lượt đi vào thực tế, không ít doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã từ bỏ cuộc chơi.

Cơ chế chưa xứng tầm

Thực ra, vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được nhà nước quan tâm. Bằng chứng là sự ra đời của hàng loạt văn bản pháp luật đi kèm. Thế nhưng, điều mà các doanh nghiệp (DN) quan tâm lại chính là những chính sách cụ thể và sát sườn.

Ông Lê Đức Địch, Giám đốc mảng dịch vụ, Công ty cổ phần Máy công cụ và thiết bị cơ khí T.A.T (Khu Công nghiệp Cát Lái II), dẫn chứng, quy định tại Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ lãi vay 15%/năm đối với DN phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng DN Việt Nam rất yếu, khó tiếp cận nguồn vốn.

Một vấn đề khác, các DN xuất khẩu mua nguyên phụ liệu từ các nhà sản xuất trong nước phải đóng trước khoản thuế VAT 10%, sau đó khi họ xuất khẩu thành phẩm thì mới được thực hiện khấu trừ. Trong khi đó, nếu DN làm hàng xuất khẩu, nhập khẩu vật tư phụ liệu thì không phải đóng trước thuế VAT và sẽ được nhà nước cho thiếu trong vòng 90 ngày, sau đó tính theo hình thức tạm nhập tái xuất.

Các DN cho rằng, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở chính sách thu hút đầu tư. Nhiều năm qua chúng ta tập trung thu hút đa số các tập đoàn lớn nhưng chủ yếu là DN lắp ráp, không tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm, không có tác động lan tỏa cho DN nội địa. Trong khi các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước lại chưa được ưu đãi về thuế, giá thuê đất… giống như các DN FDI.

Bà Lê Bích Loan, Phó ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), cho rằng một khu công nghệ cao (CNC) không thể vực dậy ngành công nghiệp hỗ trợ cho cả đất nước. Chính phủ cần có một “nhạc trưởng” trong lĩnh vực này, làm đầu tàu liên kết các bộ, ngành có liên quan và giải quyết các cơ chế, chính sách còn chồng chéo, gây khó cho DN hiện nay.

Chọn sản phẩm thế mạnh để đầu tư

Trong khi câu chuyện về tìm hướng đi cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chưa có hồi kết thì mới đây, thông tin về một đề án công nghiệp hỗ trợ sắp thành hiện thực khiến nhiều DN quan tâm. Cụ thể SHTP vừa hoàn thành Đề án Chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và dự kiến trình UBND TPHCM phê duyệt trong thời gian tới. Trong đó, các DN tham gia sản xuất sản phẩm hỗ trợ sẽ nhận được các chính sách ưu đãi đặc biệt về giá thuê đất, thuế, chuyển giao công nghệ… Đây là giải pháp mang tính cấp thiết trước nhu cầu quá lớn về sản phẩm hỗ trợ nội địa của các DN lớn trong SHTP. Như vậy, nếu thành hiện thực, TPHCM sẽ là đơn vị đi đầu trong cả nước tập trung vào phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. 

Theo bà Lã Thị Lan, Chủ nhiệm Hội Cơ khí điện TPHCM, một trong các điểm yếu hiện nay cũng là trở ngại chính cho việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao là ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Nếu kéo dài đến năm 2018, khi các nước ASEAN áp dụng chính sách phi thuế quan, Việt Nam càng khó thu hút được các nhà đầu tư lớn nước ngoài. 

Về phần mình, bà Lê Bích Loan cho biết, tại SHTP, DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm CNC được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 0% trong 4 năm đầu, 5% 9 năm tiếp theo và 10% cho 2 năm nữa... Tiếp đó là ưu đãi về giá thuê đất. SHTP đã quy hoạch những lô đất có diện tích nhỏ và vừa dành cho DN công nghiệp hỗ trợ, CNC. Hiện SHTP đang dành một khu đất rộng 14ha để thu hút các DN công nghiệp hỗ trợ, CNC, cho phép xây dựng các nhà xưởng có diện tích từ 500 - 2.000m².

Tuy nhiên, bà Lê Bích Loan cũng nhìn nhận diện tích 14ha không phải là con số lớn. Vì thế, phần đất này chủ yếu đầu tư cho các DN hỗ trợ thuộc cấp 1 (hỗ trợ trực tiếp cho các DN sản xuất). Coi như là “nguồn kích” ban đầu. Riêng với những doanh nghiệp hỗ trợ cấp 2, 3, SHTP sẽ xây dựng phát triển liên kết vùng, với các chế độ ưu đãi khác dành cho DN tại KCX-KCN TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với vốn kiến thức có được về thị trường Việt Nam, ông Yonemura Noriyuki, nguyên Chủ tịch Hiệp hội tư vấn quản lý DN vừa và nhỏ Nhật Bản, cho rằng Việt Nam không thể phát triển dàn trải mà lựa chọn những sản phẩm là thế mạnh của mình. Về lâu dài, cần phát triển đầy đủ 4 yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính và hệ thống phân phối. Chỉ có như thế mới có được những phân ngành công nghiệp hỗ trợ tiên tiến, chứ không phải là ở các mức giản đơn như hiện tại.

Trước ý kiến đó, bà Lê Bích Loan cũng cho rằng không riêng gì TPHCM, mà ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng được lộ trình phát triển như Nhật Bản hoặc Thái Lan. Trong đó, những quyết sách mạnh mẽ từ nhà nước sẽ trả lời câu hỏi: công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bao giờ thành sự thật?

Nguồn tin: Sài Gòn Giải phóng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner