Ngày 16/5/2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015. Giải thưởng được đồng hành bởi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
Tham dự buổi lễ có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung Ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng cùng các thành viên thuộc Ban Tổ chức giải thưởng; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành; các nhà khoa học có uy tín thuộc các Viện, trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong cả nước và các cơ quan báo chí.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ KH&CN, được tổ chức hàng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và KH&CN Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho KH&CN của đất nước hội nhập và phát triển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng với GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, GS Hoàng Tụy tặng hoa chúc mừng các nhà khoa học nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu (Ảnh: Văn Nguyên)
Năm 2014 là năm đầu tiên Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã được trao tặng cho GS.TSKH. Nguyễn Hữu Việt Hưng và PGS.TS. Nguyễn Bá Ân với những công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực Toán học và Vật lý.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 có nhiều nét mới. Cụ thể, giải thưởng xét tặng cho các công trình nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên (Toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, các khoa học trái đất và môi trường liên quan, sinh học), Khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y dược; khoa học nông nghiệp…Một giải thưởng giành cho nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi thay vì dưới 30 tuổi như năm 2014.
Năm 2015, có 43 hồ sơ đăng ký tham dự thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật quy định trong quy chế, có 09 hồ sơ được các Hội đồng khoa học chuyên ngành đề xuất xem xét tại Hội đồng Giải thưởng.
Kết quả, Hội đồng đã chọn ra được 03 tác giả của công trình khoa học xuất và 01 nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc sắc kèm theo Quyết định số : 997/QĐ-BKCH ngày 12/5/2015 của Bộ trưởng Bộ KH&CN, cụ thể:
GS. TSKH. Đinh Dũng, Viện Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội với công trình: “Xấp xỉ và khôi phục tín hiệu có số chiều rất lớn trên lưới thưa”. Công trình là một trong những đóng góp quan trọng nhất đối với bài toán tổng quát về xấp xỉ nhiều chiều, kết nối giữa lý thuyết xấp xỉ hàm nhiều biến kinh điển và các vấn đề hiện đại của toán học tính toán. Lý thuyết xấp xỉ hàm số nhiều biến- cơ sở của toán học tính toán và khoa học máy tính, có nhiều ứng dụng trong giải số phương trình đạo hàm riêng, xử lý ảnh, khôi phục tín hiệu.
Kết quả của công trình đã được đăng trong tạp chí Nền móng của Toán học Tính toán, là tạp chí đứng thứ 5 trong lĩnh vực Toán học Tính toán cho do SCImago xếp hạng.
GS. TSKH Nguyễn Đông Yên, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam với cụm công trình khoa học: “Nghiên cứu tính ổn định và tính ổn định vi phân của một lớp bài toán quy hoạch toàn phương không lồi”. Đây là hai công trình nghiên cứu mở đường cho một lớp bài toán có nhiều ứng dụng trong Lý thuyết tối ưu. Các công trình này đã đưa ra một khái niệm hoàn toàn mới để giải quyết lớp bài toán này một cách hiệu quả nhất.
Công trình được đăng trong Tạp chí SIAM Journal on Optimization và đứng thứ 6 về chỉ số ảnh hưởng, thứ 7 về chỉ số trích dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Quân trao thưởng cho 03 tác giả của công trình khoa học
xuất sắc (Ảnh: Văn Nguyên)
PGS.TS Trần Thanh Hải, Trường Đại học Mỏ Địa chất với công trình khoa học: “Bản chất đới trượt Tam Kỳ- Phước Sơn ở Miền trung Việt Nam: Ý nghĩa kiến tạo và sinh khoáng của nó”. Công trình đã có phát hiện mới, quan trọng về lịch sử tiến hóa kiến tạo của địa khối Đông Dương. Đây là vấn đề đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Việc xác định được hoạt động magma-kiến tạo và tạo khoáng vàng xảy ra vào khoảng 400 triệu năm trước đã mở ra một cách tiếp cận mới trong việc nghiên cứu tiếp theo về các quá trình kiến tạo và sinh khoáng vàng khu vực Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng.
Bài báo được đăng trên Tạp chí Gondwana Research, là tạp chí quốc tế có thứ hạng cao, có uy tín cao trong lĩnh vực Địa chất, công bố các kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực địa chất và các lĩnh vực khác thuộc khoa học trái đất không phân biệt phạm vi không gian địa lý và thời gian địa chất.
Cũng trong sáng nay, Ban tổ chức đã trao giải nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc, đó là PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp: Viện Toán học, Viện Hàn lâm Viện Hàn lâm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với công trình khoa học: “Một đánh giá tốt nhất có thể của ngưỡng chính tắc”.
Công trình nghiên cứu một vấn đề quan trọng trong Lý thuyết kì dị có ứng dụng trong nhiều ngành toán học khác nhau. Kết quả của công trình tốt hơn hẳn các công trình trước đây và có khả năng giải quyết một giả thuyết được nhiều nhà toán học nổi tiếng trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Công trình được đăng tải trên Tạp chí Toán học Acta Mathematica, là một trong năm Tạp chí Toán học đỉnh cao và kinh điển nhất của các Tạp chí Toán học thế giới.
Ban Tổ chức cho biết, cơ cấu Giải thưởng Tạ Quang Bửu bao gồm: Từ một (01) đến ba (03) Giải thưởng dành cho tác giả của công trình khoa học và một (01) Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) là tác giả của công trình khoa học.
Mỗi giải thưởng gồm: Bằng chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và tiền thưởng 200 triệu đồng (đối với Giải thưởng dành cho tác giả của công trình khoa học) hoặc 50 triệu đồng (đối với Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học).
Thay mặt hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015, GS Ngô Việt Trung cho rằng, giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng quốc gia đầu tiên vinh danh các các công bố khoa học xuất sắc ngang tầm thế giới. Đây là một trong nỗ lực lớn của Bộ KH&CN nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học Việt Nam trong bối cảnh số lượng các công trình khoa học của Việt Nam được công bố quốc tế ngày càng nhiều. Hội đồng cũng xét chọn chỉ gồm những nhà khoa học tiêu biểu mà không có sự tham gia của các nhà quản lý. Các công trình được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay đều nằm trong top 3% danh mục hàng trăm tạp chí của từng chuyên ngành, mỗi công trình đều có thành tích đỉnh cao trong hướng nghiên cứu.
Phát biểu tại lễ trao giải Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, có thể nói KH&CN những năm qua có bước tiến rất quan trọng, đặc biệt từ khi chúng ta có Luật KH&CN năm 2013, có Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 và được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ. Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 11, cũng như sự hiện diện của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các sự kiện đặc biệt quan trọng là sự minh chứng cho sự quan tâm ngày càng lớn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đôi với hoạt động KH&CN. Bộ KH&CN rất mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của Thủ tướng, Phó Thủ tướng đối với những đổi mới của hoạt động KH&CN.
Qũy Phát triển KH&CN Quốc gia là một phương thức mới hỗ trợ các nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc cấp phát kinh phí, thanh quyết toán và tài trợ để các nhà khoa học có thể có sự sáng tạo tự do nhất, hiệu quả nhất. Kết quả năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua ngưỡng 2.000 bài báo trên tạp chí ISI, một điều mà 10 năm trước chúng ta chưa tính đến. Về công bố quốc tế Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, điều này cũng nói nên những cơ chế, chính sách đối với KH&CN đặc biệt quan trọng vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học một môi trường sáng tạo tốt nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ những khó khăn đối với các nhà khoa học Việt Nam, chính vì thế Bộ trưởng cho rằng cần phải đấu tranh không ngừng nghỉ tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong KH&CN để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học nghiên cứu. Rất mong các nhà khoa học trong cả nước cùng tiếng nói với Bộ KH&CN để diễn đàn Quốc hội, các diễn đàn khác những người làm quản lý chia sẻ được những khó khăn của những người làm khoa học thay đổi tư duy cũ tạo ra cơ chế mới thuận lợi, tiệm cận với thông lệ quốc tế để các nhà khoa học sáng tạo nhiều nhất, đóng góp nhiều nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tin, ảnh: Hoàng Anh