Chính sách KH&CN Thứ bảy, 20/04/2024 , 12:51 am
Cập nhật : 21/09/2014 , 16:09(GMT +7)
Lấy con người làm tài nguyên trước thách thức cạnh tranh toàn cầu
Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển khoa học và công nghệ chỉ rõ: đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Đảng và Nhà nước có chính sách phát triển, phát huy và trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ. Nhiều nhà khoa học cho rằng chúng ta phải nhanh chóng cụ thể hóa quan điểm của Nghị quyết.

Nhận thức đúng về nguồn nhân lực

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, một nhà khoa học vinh dự được Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga bầu làm Viện sĩ năm 1982 nhấn mạnh, mục tiêu Nghị quyết Trung ương 6 đã nêu rất rõ đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam phải đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới; tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại… Tuy nhiên, để cụ thể hóa mục tiêu này chúng ta phải coi trọng, nhận thức đúng về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực tức là xây dựng con người, lấy con người làm trung tâm để bồi dưỡng, xây dựng đảm đương công việc phát triển đất nước. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam rất thấp, đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 11 trong số 12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,39/10 điểm.

Thực tế cho thấy, cả nước có gần 75% dân số làm nông nghiệp nhưng rất ít người được học nghề, hầu hết tự học, tự làm. Việc liên kết bốn nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp vẫn là hình thức. Gs, Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân cho biết: thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, do vậy cần xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh lực nông nghiệp nhằm giúp những người làm nông nghiệp nắm rõ được những kỹ thuật, kỹ năng liên quan đến công việc, nghề nghiệp của họ để họ thực hiện công việc với năng suất và chất lượng cao nhất.

Về nguồn nhân lực từ trí thức, công chức, viên chức cũng không khá hơn, mặc dù tăng nhanh về số lượng. Cả nước có khoảng 14 nghìn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; 2.400 giáo sư; 5.253 phó giáo sư; 16 nghìn người có trình độ thạc sĩ; 30 nghìn cán bộ hoạt động khoa học và công nghệ; 52.129 giảng viên đại học, cao đẳng, gần 14 nghìn giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 11.200 giáo viên dạy nghề và 925 nghìn giáo viên hệ phổ thông. Nhưng điều đáng nói, trong số gần 9.000 tiến sĩ, thì có khoảng 70% giữ chức vụ quản lý và 30% thực sự làm chuyên môn, đặc biệt chỉ có khoảng 25% cán bộ có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các trường đại khái chất lượng, chỉ đào tạo những kiến thức cơ bản thông dụng mà không chú ý đến đào tạo chuyên sâu, nghiên cứu công nghệ mới. Bên cạnh đó, là các cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu khoa học. Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam Gs Châu Văn Minh cho biết, hiện cả nước có 2.400 giáo sư nhưng thực chất đang làm việc chỉ có khoảng 1.000 người. Trong khi chỉ một trường đại học đứng thứ 10 Hàn Quốc có tới 950 giáo sư.

Đề cập đến chính sách ưu đãi trong KH-CN, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân cho biết, trong khi các nguồn cán bộ khác như bác sỹ, giáo viên, công chức đều được hưởng một mức phụ cấp nhất định thì ngạch nghiên cứu viên, kỹ sư, những người trực tiếp hoạt động khoa học hiện đang không có phụ cấp. Ngoài ra, chính sách đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là những chuyên gia từ nước ngoài về Việt Nam đang còn nhiều bất cập.

Giải pháp

Trước thực trạng trên, các nhà khoa học cho rằng, phải xác định cho rõ nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất của Việt Nam trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Một đất nước rất ít tài nguyên thiên nhiên như ở Việt Nam, cần phải lấy nguồn nhân lực làm tài nguyên thay thế, gọi là tài nguyên nguồn nhân lực, hoặc tài nguyên con người. Muốn vậy, phải làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức và chất lượng nhân lực thành lợi thế cạnh tranh trên phương diện toàn cầu. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, mang tính xã hội; là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, quản lý, của nhà trường, của doanh nghiệp, của gia đình cũng như của bản thân mỗi người lao động. “Đây chính là thể hiện quan điểm phát triển con người, phát triển kinh tế - xã hội vì con người và do con người, là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhân lực, việc làm, giáo dục, đào tạo, chính sách đãi ngộ, điều kiện, phương tiện làm việc phù hợp. Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ hiện đại về Việt Nam. Nếu làm tốt được những nội dung trên thì mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết Trung ương 6 đề ra là hoàn toàn khả thi.

Nguồn tin: Đại biểu nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner