KH&CN địa phương Thứ năm, 25/04/2024 , 03:54 pm
Cập nhật : 04/03/2015 , 15:03(GMT +7)
Lạng Sơn: Xây dựng hệ thống thương mại cho sản phẩm hồi và xuất khẩu
Sản phẩm từ hoa hồi của Lạng Sơn.
Hiện ở nước ta, nhiều sản phẩm nhờ sử dụng chỉ dẫn địa lý đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý khi xuất khẩu ra ngước ngoài giá trị xuất khẩu còn rất thấp, chưa phát huy lợi thế sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý,… Lạng Sơn với những kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống thương mại cho sản phẩm hồi mang chỉ dẫn địa lý (CDĐL) xuất khẩu ra nước ngoài sẽ là kinh nghiệm quý cho nhiều địa phương phát triển sản phẩm của mình.

Tiềm năng lớn

Trên thị trường thế giới, sản phẩm chủ yếu từ cây hồi được buôn bán gồm quả hồi sấy (hoặc phơi) khô, gọi là “hoa hồi” - sản phẩm tiêu thụ chủ yếu trên thị trường và tinh dầu hồi - sản phẩm chủ yếu thu từ quả hồi, thân lá hồi, là hương liệu quan trọng trong sản xuất rượu thơm, trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm. Nhu cầu của thế giới đối với nguyên liệu hồi, sản phẩm hồi vẫn đang có xu hướng tăng, đặc biệt với các sản phẩm hữu cơ. Châu Âu, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và thị trường các quốc gia Hồi giáo là những nước sử dụng các sản phẩm hồi lớn nhất thế giới. 

Việt Nam là nước đứng thứ tư trên thế giới về xuất khẩu hồi, chiếm 12,1% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu với lượng xuất khẩu trên 3.700 tấn trong năm 2009, trị giá gần 6,310 triệu USD, giảm bình quân 19% về lượng và giảm 12% về giá trị trong giai đoạn 2005-2009. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hồi sang các nước trong khu vực như Ấn Độ (52,6%), Malaysia (6,2%,) Thái Lan (5,7%), Singapore (4,3%), xuất khẩu sang các nước phương tây còn khá hạn chế,... Một phần hoa hồi Việt Nam xuất thô và tái xuất khẩu sang các nước khác.

TS. Lương Đăng Ninh, nguyên Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn cho biết, cho đến nay, chất lượng tinh dầu của Trung Quốc và Việt Nam vẫn được thị trường quốc tế đánh giá là loại tinh dầu có chất lượng cao thuộc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây đã xuất hiện nhiều mẫu tinh dầu hồi có chất lượng khá thấp (hàm lượng anethole chỉ đạt 60-70%). Những tinh dầu này giá mua rất thấp do chi phí để tinh chế cao. Để giao dịch trên thị trường quốc tế và có khả năng cạnh tranh cao, nhiều tổ chức kinh doanh thường chào hàng với chất lượng cao hơn tiêu chuẩn truyền thống (hàm lượng trans-anethole không dưới 85%). Thực tế này đã đặt vùng sản xuất hồi trước thách thức phải nâng cao chất lượng sản phẩm tinh dầu.

Ở Việt Nam, cây hồi từ lâu đã là tiềm năng rất lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Những năm trước đây từ thời kỳ bao cấp, hoa Hồi Lạng Sơn đã được xuất khẩu sang các nước Đông Âu như Liên Xô, Cộng hoà Dân chủ Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc. Thực hiện các phương thức thanh toán bằng ngoại tệ hoặc trao đổi hàng đối lưu, Lạng Sơn xuất khẩu hàng nông - lâm sản đổi lấy máy móc, thiết bị hoặc ô tô. 

Qua khảo sát thực tế cho thấy, thị trường tiêu thụ sản phẩm hồi mang CDĐL Lạng Sơn chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài, tiêu thụ nội địa rất ít. Hồi Lạng Sơn rất có nhiều triển vọng mở ra nhiều thị trường mới, từ khi các nhà khoa học nghiên cứu và chiết xuất thành công Axit shikimic từ quả hồi. Đây là nguồn nguyên liệu quý để sản xuất thuốc Tamiflu là loại thuốc đặc trị bệnh cúm. Các hãng dược phẩm lớn trên thế giới đã đến Lạng Sơn, Bộ Y tế cũng đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về vấn đề này. Do vậy thị trường Mỹ, Thụy Sỹ và các nước Châu Phi là những thị trường tiềm năng lớn cho các sản phẩm hồi của Lạng Sơn.

Hiện nay, lượng hàng rất phân tán và kinh doanh mặt hàng Hồi hiệu quả thấp và rủi ro cao, do vậy các công ty lớn chủ yếu xuất uỷ thác cho các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc các doanh nghiệp tư nhân hay mua trực tiếp với các doanh nghiệp nhỏ để xuất khẩu, TS. Ninh cho biết thêm. 

Xây dựng hệ thống thương mại cho sản phẩm hồi Lạng Sơn 

Mặc dù sản phẩm hoa hồi được tiêu thụ trong nước với số lượng nhỏ nhưng thị trường quả hồi và tinh dầu hồi trên thế giới đang ngày càng rộng mở. Để xuất khẩu sản phẩm từ hoa hồi trực tiếp sang các nước khác, chúng ta cần phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng. Đó là cơ hội cho sản phẩm đến trực tiếp được các nước khác mà không cần qua một nước trung gian. 

Theo TS. Lương Đăng Ninh, thời gian tới cần thúc đẩy công tác marketing, nghiên cứu thị trường. Khẩn trương bảo hộ sở hữu công nghiệp ra nước ngoài, lựa chọn các hình thức phù hợp với yêu cầu của từng thị trường của các nước để bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm hồi của Việt Nam, như Ấn Độ, các nước Châu Âu,... Sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường, dành thế chủ động trước thị trường tiêu thụ luôn biến động, không bị phụ thuộc, chủ động các kế hoạch sản xuất và phát triển nội địa.

Xây dựng chiến lược phát triển hồi bền vững dựa trên các thông tin nghiên cứu thị trường và các biện pháp triển khai đồng bộ kết hợp giữa nhiều lĩnh vực hoạt động, nhiều cơ quan ban ngành. Nghiên cứu chính sách giá cả hợp lý, tìm hiểu các loại chi phí thu mua, bảo quản sản xuất, loại bỏ các chi phí không hợp lý làm đội giá thành, không ngừng nghiên cứu giảm chi phí giá thành.     

Đồng thời, thành lập bộ máy chuyên nghiên cứu, cải tiến, áp dụng quy trình sản xuất theo công nghệ mới, áp dụng kỹ thuật sản xuất sạch và xanh. Nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu khách hàng, cố gắng đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng; thay đổi, cải tiến quy trình hiện tại không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm, làm mục tiêu chất lượng để phấn đấu theo đuổi và làm thước đo tiêu chuẩn để kiểm soát chất lượng đầu ra phù hợp tiêu chuẩn quốc tế từng khu vực châu Âu, Nhật, Mỹ, Trung Quốc…Cải tiến mẫu mã bao bì đóng gói, in thêm một vài thứ tiếng lên bao bì để khách hàng dễ tiếp cận nhanh.

Mở các lớp tập huấn, đào tạo nhân viên nâng cao nhận thức, hiểu biết, thay đổi phương hướng trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến sạch vì sự phát triển ổn định, bền vững, lâu dài. Tự giác tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng chặt chẽ, riêng biệt của từng vùng, khu vực. 

Bên cạnh đó, xây dựng website với nhiều thứ tiếng khác nhau để các nước dễ tiếp cận và tìm kiếm thông tin sản phẩm nhanh. Đẩy mạnh bán hàng trên mạng mở rộng thị trường, khách hàng. Đặc biệt, nên xây dựng một nhà máy chế biến các sản phẩm hồi xuất khẩu tại Lạng Sơn với thiết bị hiện đại và công nghệ kỹ thuật sản xuất cao, quy mô tầm cỡ đủ khả năng thu mua, bao tiêu toàn bộ sản lượng hồi nguyên liệu của Lạng Sơn và các tỉnh khác, giúp bà con trồng cây hồi có được đầu ra ổn định, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm qua chế biến, thay thế xuất thô với chất lượng thấp. Tăng cường quan hệ hợp tác nước ngoài nhằm tạo sự liên kết thị trường và giá tiêu thụ.

Bài, ảnh: Quỳnh Chi



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner