Từ ngày 14-30/7, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đã có chuyến đi khảo sát tại các tỉnh Nam Trung Bộ nhằm đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ CAS Nhật Bản và xây dựng luận chứng công nghệ - kinh tế trong bảo quản chế biến cá ngừ đại dương.
Hiện nay, những ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương hiện vẫn băn khoăn, trăn trở bởi cá ngừ đại dương khi họ đánh bắt lên rất tươi ngon nhưng khi bán giá chỉ bằng 1/3 đến 1/4 so với giá cá ngừ cùng loại của Nhật Bản do chưa có công nghệ, cách bảo quản thích hợp.
Cách đây hai năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận một công nghệ do Đại sứ quán Việt Nam và đại diện của Bộ tại Nhật Bản làm đầu mối chuyển giao. Đó là công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương cũng như các loại thủy hải sản khác trong thời gian lâu dài mà vẫn giữ nguyên được chất lượng như khi mới đánh bắt. Hiện công nghệ này đã thí nghiệm thành công với cá ngừ, tôm sú và một vài loại nông sản khác, nhưng để áp dụng được thì còn phải tiếp tục nhận chuyển giao công nghệ từ phía Nhật Bản.
Chuyến đi này sẽ góp phần khảo sát công nghệ đánh bắt, công nghệ bảo quản chế biến cá ngừ đại dương của ngư dân và doanh nghiệp tại địa phương; đánh giá nhu cầu đổi mới công nghệ và khả năng áp dụng công nghệ CAS Nhật Bản trong bảo quản chế biến cá ngừ đại dương.
Đây sẽ là công nghệ tiên tiến, tích cực nhằm đạt được, khống chế và tối ưu hóa các thông số bảo quản để kéo dài quá trình chín nhưng không làm hư hỏng thực phẩm tươi sau thu hoạch. Công nghệ CAS trong doanh nghiệp bảo quản chế biến thủy sản sẽ góp phần vào công cuộc đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch nhằm tiến tới xuất khẩu cũng như phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Ánh Tuyết