Sở hữu trí tuệ Thứ sáu, 26/04/2024 , 07:34 pm
Cập nhật : 25/04/2015 , 21:04(GMT +7)
Làm gì để thương mại hóa sáng chế của nông dân?
ÔngPhạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục SHTT (ảnh: internet)
Ở nước ta, với truyền thống là một nước nông nghiệp, hoạt động sáng tạo của các nhà sáng tạo độc lập tìm ra các giải pháp kỹ thuật chủ yếu liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Hầu như toàn bộ các sản phẩm sáng tạo của người nông dân cũng như các nhà sáng tạo độc lập khác trong các lĩnh vực đều bắt nguồn từ chính nhu cầu thực tế. Ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã chia sẻ với độc giả về vấn đề sáng chế của những nhà sáng chế không chuyên.

 PV: Ông có thể cho biết trong 2 năm trở lại đây, số lượng bằng sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp là bao nhiêu? Trong đó số lượng bằng sáng chế của nhà sáng chế không chuyên chiếm bao nhiêu phần trăm?

-Ông Phạm Phi Anh: Trong năm 2013-2014, tổng số bằng sáng chế/giải pháp hữu ích đã cấp là 2627/193, trong đó số bằng sáng chế/giải pháp hữu ích của người Việt Nam là 95/140. Như vậy, tỷ lệ bằng sáng chế/giải pháp hữu ích cấp cho người Việt Nam so với người nước ngoài rất thấp chỉ chiếm hơn 8,3%.

Hiện nay, chúng tôi chưa thể thống kê được số bằng sáng chế/giải pháp hữu ích của các nhà khoa học chưa tốt nghiệp đại học, tuy nhiên số lượng này là không nhiều.

PV: Ông đánh giá như thế nào về các sáng chế của nhà khoa học “chân đất”?

- Để đánh giá về những sáng chế của những người nông dân, trước tiên phải xem xét một trong các nguyên nhân khách quan tạo điều kiện cho các sáng chế này. Đó là mức độ cơ giới hóa của nền nông nghiệp Việt Nam còn rất thấp, việc đưa máy móc vào đồng ruộng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn của nông dân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: do tập quán canh tác của nông dân, do việc chia đất theo thửa quá manh mún, nhỏ lẻ, do hầu hết máy móc nông nghiệp đều nhập ngoại và không thực sự phù hợp với đồng đất Việt Nam. Giá cả của một số loại máy móc còn cao, không phù hợp với khả năng kinh tế của nông dân, các doanh nghiệp trong nước cũng không “mặn mà” với việc sản xuất máy nông nghiệp do phải đầu tư lớn, chậm thu hồi vốn mà lợi nhuận thu được lại thấp...

Thực tế cho thấy nông dân vẫn sử dụng các công cụ thô sơ và lao động chân tay trong rất nhiều hoạt động sản xuất của mình, vì vậy nhu cầu trang bị máy móc để giảm lao động chân tay là rất lớn. Để có thể nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm sức lao động, nhiều nhà nông đã dựa trên các máy móc nhập ngoại để cải tiến hoặc chế tạo những chiếc máy, dụng cụ phù hợp hơn với thực tế sản xuất của mình.

Các hoạt động sáng tạo thường mang tính tự phát, nhỏ lẻ, nảy sinh từ hoạt động sản xuất, từ nhu cầu sử dụng thực tế, nên người nông dân không đầu tư nghiên cứu như các nhà khoa học mà chỉ tập trung nghiên cứu, sáng tạo những thứ họ cần cho một công việc cụ thể, tại một thời điểm cụ thể nào đó.

Ngay cả các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật đạt giải tại các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh cũng đa phần là từ những nhà nghiên cứu không chuyên. Họ tạo ra các sản phẩm hoàn toàn bằng công sức, tiền của, phương tiện của mình với các loại thiết bị đơn giản, chủ yếu là tận dụng các thiết bị cũ, nguyên vật liệu tự chế, tái sử dụng, với kỹ thuật cơ khí thấp, do vậy máy móc được tạo ra còn thô sơ, thiếu đồng bộ và nhiều trường hợp khó sản xuất đại trà.

Cá biệt cũng có những trường hợp mà giải pháp kỹ thuật của họ có trình độ kỹ thuật cao. Nhưng nói chung, tình trạng chung của các sáng kiến, sáng chế của các nhà sáng chế không chuyên là trình độ kỹ thuật tương đối hạn chế, mang tính chắp vá, thử sai, khả năng nhân rộng thấp.

PV: Theo ông, để thương mại hóa các sản phẩm của mình, các nhà sáng chế cần có kế hoạch như thế nào để tiếp cận nguồn thông tin, thị trường, hỗ trợ tư vấn?

-Để thương mại hóa, thứ nhất nên đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp nhằm tránh các tranh chấp không đáng có, tức là mình không xâm phạm quyền của người khác hoặc người khác không xâm phạm quyền đối với kết quả sáng tạo của mình.

Thứ hai, nhà sáng chế có thể thương mại hóa kết quả đó thông qua việc tiếp cận nguồn vốn từ  các chương trình hỗ trợ của Chính phủ hoặc tìm kiếm các đối tác có thế mạnh về thị trường, vốn, v.v. để liên danh, liên kết cùng khai thác, hoặc chuyển giao quyền, v.v..

Chính phủ đã có chương trình tín dụng ưu đãi cho nông dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay đáng phải được ưu đãi này.

Sản phẩm máy bơm vô ống của tác giả Đỗ Văn Trường ở Ninh Bình (Ảnh: Phương Nga)

Từ chuyện xin được xác nhận của chính quyền địa phương đến hồ sơ vay, xét duyệt của ngân hàng là cả một “hành trình” rất nhiều thủ tục. Hơn nữa, người nông dân cũng chỉ được hỗ trợ cho vay 70% giá trị máy, trong khi giá thành của nhiều máy rất cao (ví dụ máy gặt đập liên hợp có giá từ 200 - 400 triệu đồng/máy), do vậy 30% còn lại mà người nông dân phải tự bỏ ra là số tiền không nhỏ nên họ không đủ điều kiện hưởng lợi.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 497/QĐ-TTg về hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, người nông dân cũng khó tiếp cận vốn vay theo Quyết định này, do quy định máy móc thiết bị, vật tư phải là sản phẩm sản xuất trong nước, có nhãn hiệu theo quy định; hơn nữa vật tư nông nghiệp cũng chỉ được hỗ trợ 4% lãi suất vay và tối đa là 7 triệu đồng/ha.

Quyết định này chỉ có hiệu lực trong năm 2009, nhưng cũng cho thấy những bất cập trong việc thực thi chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất cũng như sáng tạo của nông dân…

PV: Cục đã có những hoạt động cụ thể nào để nâng cao nhận thức của người dân về SHTT, thưa ông?

-Trên thực tế, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước dành cho các nhà sáng chế không chuyên chủ yếu là cung cấp thông tin, hỗ trợ viết bản mô tả giải pháp kỹ thuật để tham gia các hội thi sáng tạo kỹ thuật, hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ kinh phí để giới thiệu giải pháp kỹ thuật tại các hội chợ công nghệ…

Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục SHTT đã triển khai tương đối nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ sáng tạo, trong đó có sáng tạo của nông dân các tác giả sáng chế chưa tốt nghiệp đại học.

Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ trì hoặc phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương trong cả nước triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về SHTT cho mọi đối tượng dưới nhiều hình thức (tổ chức hội thảo chuyên đề, các hoạt động tuyên truyền nhân ngày SHTT thế giới 26/4, tuyên truyền về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng, như chương trình truyền hình “Chắp cánh Thương hiệu” (nay tiếp tục là Chương trình Sáng tạo Việt) trên VTV3, chương trình phổ biến kiến thức về SHTT trên kênh InfoTV, VTV2...).

Riêng đối với hoạt động sáng tạo, hiệu quả của hoạt động tuyên truyền thể hiện rất rõ thông qua số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam nộp vào Cục (năm 2000 có 70 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt Nam được nộp, thì năm 2010, con số này lên tới 521 đơn, tức là tăng gần 8 lần. Năm 2011 có 302 đơn tăng gần 4 lần, năm 2012 có 379 đơn tăng 5 lần, năm 2013 có 442 đơn tăng gần 6 lần và năm 2014 có 485 đơn tăng gần 7 lần)

Bên cạnh đó, hằng năm Cục SHTT đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan, tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn các kiến thức và pháp luật về SHTT cho cán bộ chuyên trách về SHTT thuộc các Sở KH&CN, giảng viên các trường đại học, cán bộ các cơ quan quản lý và thực thi quyền SHTT, cán bộ nghiên cứu, cán bộ của các hội, ngành nghề, nhà sản xuất và kinh doanh…và thu được kết quả đáng khích lệ.

Ngoài ra, trong giai đoạn từ 2005-2015, Cục Sở hữu trí tuệ đã tích cực triển khai “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68). Mục tiêu của Chương trình nhằm: Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ quyền SHTT; Nâng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Văn phòng Chương trình đã tập trung triển khai một số nội dung cơ bản như tuyên truyền, đào tạo về SHTT, hỗ trợ tổ chức hoạt động SHTT; hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, v.v..

Đã có nhiều dự án tuyên truyền về SHTT trên phát thanh - truyền hình được thực hiện tại 61/63 tỉnh thành trên cả nước, điển hình có Chương trình Sở hữu trí tuệ và Cuộc sống, Nữ trí thức với hoạt động sáng tạo, v.v..

Phương Nga (Lược ghi)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner