Tiềm lực KH&CN Thứ sáu, 29/03/2024 , 02:33 am
Cập nhật : 30/11/2022 , 13:11(GMT +7)
Làm chủ kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư đại trực tràng
Các bác sĩ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
Cụm công trình đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công Test FOBT trong sàng lọc ung thư đại trực tràng, phát hiện bệnh sớm tại cộng đồng. Đặc biệt, thực hiện thành công xạ trị tiền phẫu, giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân giai đoạn muộn, tăng tỉ lệ chẩn đoán sớm, giảm gánh nặng chi phí và số ngày nằm viện cho bệnh nhân.

Với những đóng góp đó, cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng” của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều vừa được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 6, ngày 23/11 mới đây. 

Ứng dụng KH&CN nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
 
Theo dữ liệu của GLOBOCAN 2020, ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là bệnh ung thư phổ biến với gần 2 triệu trường hợp mắc mới, đứng thứ tư trên thế giới và khoảng 1 triệu ca tử vong, đứng thứ ba về tỉ lệ tử vong do ung thư. UTĐTT là một vấn đề lớn đối với ngành Y tế nước ta và đặt ra những yêu cầu, thách thức trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để đáp ứng nhu cầu trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị căn bệnh này. Theo báo cáo của Bệnh viện K, năm 2020, Việt Nam có gần 183.000 ca mới mắc, 123.000 ca bệnh nhân tử vong là ung thư nói chung, trong đó, ung thư đại trực tràng mắc mới là 15.847 ca và tử vong là 8.203 ca.
 
Xuất phát từ thực tiễn đó, từ năm 1997, nhóm nghiên cứu, bác sĩ của Bệnh viện K đứng đầu là PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu và PGS.TS. Lê Văn Quảng đã xây dựng và phát triển cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng”. Nhóm nghiên cứu hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong do UTĐTT; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong chẩn đoán và điều trị UTĐTT tại Việt Nam; cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh UTĐTT. 
 
Từ năm 1997, nghiên cứu ban đầu về giá trị của lâm sàng và nội soi trong chẩn đoán và điều trị UTĐTT của nhóm tác giả được đăng trên kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học của trường Đại học Y Hà Nội. Cụm công trình bao gồm nhiều công trình được chia thành 3 nhóm nội dung chính: Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sàng lọc và chẩn đoán bệnh UTĐTT; Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phẫu thuật UTĐTT; Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xạ trị và điều trị toàn thân bệnh UTĐTT. Những nội dung, sản phẩm của cụm công trình đã được triển khai ứng dụng rộng rãi ở nhiều bệnh viện trong cả nước, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người bệnh và góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của chuyên ngành ung thư nói riêng cũng như sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung. 
 
Can thiệp sớm, giảm phí điều trị cho người bệnh 
 
GS.TS. Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K Tân Triều, một trong 7 đồng tác giả của cụm công trình cho biết, điểm sáng tạo của nhóm nghiên cứu là đồng bộ kỹ thuật và tìm cách bảo tồn cơ tròn nhằm đảm bảo kết quả ít tai biến nhưng vẫn phù hợp với người Việt. Việc điều trị ung thư trực tràng cần nhiều thời gian, có nhiều trường hợp phải mất tới hơn một năm để có thể đi đại tiện bình thường. Nếu chủ động được công nghệ, nhất là với bệnh ung thư, bệnh nhân được hưởng lợi từ các kỹ thuật tiên tiến giúp kéo dài cuộc sống, giảm tỷ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Giải thưởng Nhà nước cho GS.TS. Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K Tân Triều - đại diện nhóm tác giả của cụm công trình. 
 
Cụm công trình đã đánh dấu Việt Nam thực hiện thành công Test FOBT trong sàng lọc UTĐTT, phát hiện UTĐTT sớm tại cộng đồng. Kết quả đã ghi nhận tỷ lệ 10,6% UTĐTT giai đoạn sớm và 29,8% Polip đại trực tràng. Các bệnh nhân này được điều trị khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật do được phát hiện ở giai đoạn rất sớm. 
 
Cùng với đó, nghiên cứu ứng dụng thành công nội soi, siêu âm nội trực tràng, chụp cộng hưởng từ MRI kết hợp với mô bệnh học. Kết quả đã chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm T1, T2 chính xác hơn so với trước năm 1993; ứng dụng thành công phẫu thuật bảo tồn cơ tròn cho tỷ lệ sống toàn bộ 5 năm: 92,7%; phẫu thuật nội soi kết quả sống 3 năm: 100%, do đó đã nâng cao chất lượng điều trị. Phẫu thuật bảo tồn cơ tròn được xem là cách mạng trong phẫu thuật ung thư trực tràng vì trước đó hầu hết là phẫu thuật cắt cụt trực tràng với hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. 
 
Nhóm đã thực hiện thành công Xạ trị tiền phẫu làm hạ thấp giai đoạn bệnh cho 48,4% và hóa trị kết hợp điều trị đich giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân giai đoạn muộn đã di căn xa với thời gian sống thêm toàn bộ trung bình 20 tháng  trong khi nếu không điều trị chỉ sống trung bình 6 tháng. Cụm công trình cũng mở ra một hướng nghiên cứu mới về dinh dưỡng lâm sàng trong đó việc tiến hành nuôi dưỡng sớm đường tiêu hoá sau phẫu thuật giúp làm giảm thời gian nằm viện và gánh nặng chi phí cho người bệnh. 
 
Kết quả nghiên cứu của cụm công trình đã nâng cao trình độ chẩn đoán (đặc biệt là chẩn đoán sớm) và điều trị UTĐTT, đưa nước ta ngang tầm về trình độ y học trong lĩnh vực này so với một số nước trong khu vực và thế giới. Việc chẩn đoán sớm đã làm giảm gánh nặng chi phí, giảm số ngày nằm viện (Bệnh nhân giai đoạn I, II chỉ phải điều trị phẫu thuật đơn thuần giá chi phí điều trị trung bình khoảng 15 triệu VNĐ, ngày nằm viện trung bình từ 10-14 ngày; trong khi giai đoạn muộn cần phải điều trị phẫu thuật phối hợp xạ trị, hóa trị sẽ tốn trung bình 30 tuần điều trị và tổng chi phí trung bình khoảng 214 triệu VNĐ. Kỹ thuật cắt hớt niêm mạc EMR giúp tiết kiệm giảm 5 - 7 lần so với phẫu thuật với ngày nằm viện trung bình 1,93 ngày/ca).  
 
Những nội dung sản phẩm nghiên cứu khoa học của cụm công trình đã có ý nghĩa khoa học to lớn. Các công trình nghiên cứu đã chứng minh được giá trị của các phương pháp chẩn đoán, hiệu quả của các phương pháp điều trị của các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới khi áp dụng vào điều kiện thực tiễn của nước ta. Từ đó đưa ra được các chỉ định, chống chỉ định và quy trình kỹ thuật chuẩn hóa khi áp dụng trên người bệnh. Công tác điều trị căn bệnh ung thư này đã tiếp cận tương tự như các nước phát triển. Các sản phẩm của cụm công trình trở thành nguồn tài liệu khoa học tham khảo rất có giá trị cho nhiều công trình khoa học tiếp theo. 
Bài, ảnh: Linh Chi 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner