Hàng trăm con giống thủy sản mới được đưa vào sản xuất mang lại giá trị kinh tế lớn cho người nuôi trồng. Có được thành công trên là do các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy 1 đã tích cục đẩy nhanh việc áp dụng KH&CN vào sản xuất và nuôi trồng đem lại được nhiều kết quả nổi bật.
Công nghệ sản xuất con giống mới
TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1(Bộ NN&PT NN) cho biết, kể từ năm 2000 tới nay Viện đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống 06 loài cá biển và nhiều loài nhuyễn thể, giáp xác có giá trị kinh tế cao, có khả năng đưa vào sản xuất hàng hoá ở quy mô lớn như cá song chấm, cá song chuột, cá giò, cá chim vàng, ngao lụa, hàu cửa song,..Nhiều doanh nghiệp và ngư dân đã áp dụng công nghệ nuôi trồng thương phẩm với quy mô lớn. Điển hình một số địa phương áp dụng kỹ thuật nuôi trồng thủy sản quy mô lớn là Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An,…
Đặc biệt, từ cuối năm 2003, nhiều giống thủy sản là kết quả nghiên cứu của Viện 1 đã được nuôi thí điểm ở một số cơ sở sản xuất như tôm giống ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Phú Yên; cá giống được chuyển đi nuôi ở Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nghệ An, Nam Định,.. Hiện nay Viện đang tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ sản xuất một số loài cá biển có giá trị kinh tế cao như cá song chuột, cá hồng vân bạc, cá song da báo. Đối với loài nhuyễn thể Viện đã làm chủ công nghệ sản xuất giống hầu Thái Bình Dương, ngao bến Tre và tu hài.
Đối với những loại thủy sản nước ngọt Viện cũng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để cho ra những loại giống tốt, công nghệ tiên tiến để đưa nhanh vào sản xuất. Trong thời gian qua, viện đã làm chủ công nghệ sản xuất giống các đối tượng thủy sản nước ngọt truyền thống như cá mè trắng, cá trôi, cá trắm cỏ…tập trung các đối tượng có ưu thế, thị trường có nhu cầu; đồng thời chú ý đến các đối tượng bản địa có giá trị kinh tế cao.
Một số loài cá bản địa quý hiếm cũng đã được nghiên cứu sản xuất giống thành công, giúp bảo tồn nguồn gen và đã trở thành đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế, trong đó phải kể đến cá lăng chấm, cá anh vũ, cá dầm xanh, cá chiên, cá chạch sông .Viện I cũng đã hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm các đối tượng cá quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Các chỉ tiêu kỹ thuật trong sản xuất giống về tỷ lệ thành thục của cá bố mẹ đạt trung bình trên 80%, tỷ lệ cá đẻ 80%, tỷ lệ thụ tinh 65%, tỷ lệ nở 60%, tỷ lệ sống của cá bột đến giai đoạn 15 ngày tuổi 80%, tỷ lệ sống của cá hương 15 đến 30 ngày tuổi 80%, tỷ lệ sống của cá hương lên cá giống 80%.
Đưa nhanh vào sản xuất
Với những kết quả nghiên cứu đó, Viện đã nhanh chóng tạo điều kiện đưa vào sản xuất thực tiễn. TS. Phan Thị Vân, Viện I cũng cho hay, từ năm 2000 đến nay, Viện I đã và đang thực hiện chuyển giao 15 công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm các giống loài thủy sản khác nhau cho các trạm trại cũng như các cơ sở sản xuất giống thủy hải sản. Các công nghệ đã chuyển giao đã và đang được các cơ sở sản xuất phát huy tối đa.
Các dự án chuyển giao đã xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội các tỉnh ven biển; góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho các hộ nuôi trồng thủy sản vùng thực hiện dự án, thông qua đó phát triển mở rộng và nhân rộng các mô hình hiệu quả cho nhân dân khu vực xung quanh, tạo cho người nuôi có nghề ổn định để phát triển sản xuất. Công nghệ sản xuất giống ngao Bến tre đã được chuyển giao đến các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Bến Tre, Thái Bình, Nghệ An. Đến nay, theo tính toán sơ bộ ngao giống từ nguồn sản xuất giống nhân tạo khoảng 4- 6 tỷ/năm.
Trong số các các công nghệ chuyển giao của các đối tượng nước ngọt, công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá hồi vân đã đi vào thực tiễn nhanh nhất. Bên cạnh đó, thời gian gần đây công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính bằng phương pháp lai xa khác loài cũng được người dân quan tâm.
Một số công nghệ chính được chuyển giao phát triển trong những năm gây đây như công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá song chấm nâu; Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá song chuột; Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá hồng Mỹ; Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng; Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm tu hài; Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng chấm;…
Tu Hài là một sản phẩm nước mặn mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất (ảnh: PH)
Những thành tựu về khoa học công nghệ nổi bật nhất trong thời gian qua của Viện I đã góp phần thúc đẩy nghề nuôi thủy sản Việt Nam, khởi động và đưa nghề nuôi biển, nuôi nước lợ vào một vị thế mới; chủ động sản xuất giống, và tạo ra các mô hình nuôi thương phẩm mang tính công nghiệp. Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản trong những năm qua đã hợp tác chặt chẽ với nhiều ban ngành và địa phương để đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ở khu vực nông thôn miền núi, ven biển, TS. Nguyễn Hữu Ninh khẳng định.
Thông qua việc thực hiện các dự án, người dân có thể chủ động sản xuất con giống tại chỗ, hạn chế việc phụ thuộc nguồn giống tự nhiên hay nhập nội. Các kết quả nghiên cứu này cũng đã góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái nên đã hạn chế được dịch bệnh trong quá trình sản xuất và giảm các tác động tiêu cực đến môi trường.
Bài, ảnh: Thái Bình